Triển khai hoá đơn điện tử: Chuẩn bị cơ sở vật chất, kết nối thông tin

04/12/2018, 03:46

TCDN - Để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử, cơ quan thuế đã triển khai về điều kiện cơ sở vật chất như: máy móc, thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, điều kiện về con người.

Doanh nghiệp có 2 năm chuẩn bị các điều kiện

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ chí́nh sách, Tổng cục Thuế cho biết, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP (Nghị định 119) ngày 12/9/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa cung ứng dịch vụ có hiệu lực từ ngày 1/11/2018.

Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, Nghị định số 119 quy định thời hạn 24 tháng (từ ngày 1/11/2018 đến ngày 1/11/2020) để các doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và con người để áp dụng hóa đơn điện tử. Theo đó, trong thời gian từ 1/11/2018 đến ngày 31/10/2020, các Nghị định 51/2010/ NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP của Chí́nh phủ vẫn còn hiệu lực thi hành.

Lý giải điều này, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, việc đặt ra lộ trình thực hiện 2 năm để tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế có thời gian chuyển đổi thuận lợi, từ đó đảm bảo việc thực hiện được đồng bộ trên toàn quốc.

Hiện cơ quan thuế đã triển khai các bước chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất như: máy móc, thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, điều
kiện về con người để áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ. Tổng cục Thuế cũng đã chỉ đạo các cục thuế địa phương tập huấn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cài đặt phần mềm để sử dụng hóa đơn điện tử.

Đồng thời, Tổng cục Thuế đã triển khai kết nối thông tin giữa cơ quan thuế với các doanh nghiệp trên toàn quốc; hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, đưa ra giải pháp kỹ thuật đảm bảo việc thực hiện hóa đơn điện tử trên diện rộng.

Ngoài việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, ngành Thuế cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn và xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin. Ngành Thuế cũng sẽ tí́ch cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ cho người nộp thuế để đảm bảo cho người nộp thuế áp dụng hóa đơn điện tử theo đúng quy định, Nghị định.

Theo Tổng cục Thuế, trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, hoặc đã đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế trước ngày 1/11/2018, thì được tiếp tục sử dụng HĐĐT đang sử dụng kể từ ngày 1/11/2018.

Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế để sử dụng trước ngày 1/11/2018, thì được tiếp tục sử dụng hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn đã mua đến hết ngày 31/10/2020 và vẫn phải thực hiện các thủ tục về hóa đơn theo quy định của Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP của Chí́nh phủ.

Trong thời gian từ ngày 1/11/2018 đến ngày 31/10/2020, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử có mã, nếu cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, mà tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy theo các hình thức đặt in, tự in, thì cơ sở kinh doanh thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Đối với tổ chức sự nghiệp công lập (cơ sở giáo dục, cơ sở y tế công lập) đã sử dụng phiếu thu tiền, thì tiếp tục sử dụng phiếu thu tiền và chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử (hoặc phiếu thu tiền điện tử) theo lộ trình của Bộ Tài chí́nh.

Doanh thu từ 3 tỷ đồng/năm phải dùng hóa đơn điện tử

Đặc biệt, một trong những điểm mới của Nghị định 119/2018/NĐ-CP là quy định hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng phải dùng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên cũng phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Nghị định 119 nêu rõ, hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi thì triển khai thí́ điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tí́nh tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế từ năm 2018.

Nói thêm về vấn đề này, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, việc áp dụng hóa đơn điện tử tại Nghị định 119 không có nghĩa là ngành Thuế nhắm vào những hộ kinh doanh nhỏ, có doanh thu chỉ đủ nuôi sống gia đình. Nghị định chỉ tập trung vào những hộ lớn. Đây là những hộ sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử sổ sách kế toán, nộp thuế theo kê khai. Điều này nhằm thúc đẩy các hộ kinh doanh lên doanh nghiệp và tránh tình trạng doanh nghiệp núp bóng hộ.

Trả lời về việc khi thực hiện chuyển đổi từ hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử có thể gây khó khăn trong khâu kiểm tra, xác minh hàng hóa khi đang được vận chuyển, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chí́nh sách cho hay, khi kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền sẽ không yêu cầu hóa đơn giấy. Cơ quan chức năng truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin về hóa đơn điện tử.

Riêng đối với trường hợp người kiểm tra không thể truy cập mạng internet vì sóng 3G/4G yếu, Nghị định cũng đã đề cập tới việc trường hợp bất khả kháng gây ảnh hưởng đến việc truy cập mạng Internet, dẫn đến không truy cứu được dữ liệu hóa đơn, Tổng cục Thuế cũng đã trình Chí́nh phủ áp dụng đối với 2 trường hợp. Trường hợp chứng từ giấy là bản sao của chứng từ hóa đơn điện tử, người có thẩm quyền kiểm tra hàng hóa thực hiện kiểm tra căn cứ vào chứng từ này và tra cứu dữ liệu hóa đơn điện tử trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Trường hợp người vận chuyển hàng hóa không có chứng từ giấy chuyển từ hóa đơn điện tử thì cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để kiểm tra, xác định hóa đơn điện tử của doanh nghiệp.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, trong Nghị định có trình Chí́nh phủ giao cho Bộ Tài chí́nh ban hành quy chế hướng dẫn việc tra cứu sử dụng thông tin của doanh nghiệp. Tổng cục Thuế đang cùng với các đơn vị liên quan soạn thảo quy chế này có thể thông qua nhiều hình thức để kiểm tra hàng hóa, không chỉ thông qua mạng Internet. Đơn cử, có thể thông qua trao đổi giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra với cơ quan thuế bằng hình thức tin nhắn. Sẽ có nhiều hình thức khác nhau, nhưng mục đí́ch chung là cơ quan thuế cung cấp được kịp thời thông tin hóa đơn điện tử cho người có chức năng kiểm tra.

Hiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin - viễn thông của Việt Nam đã tương đối phát triển. Hầu hết những cung đường giao thông có trạm kiểm soát hàng hóa đều có thể truy cập mạng để thực hiện giao dịch, kiểm tra hàng hóa bằng hình thức hóa đơn điện tử.

Nguyễn Diệp/ Tạp chí TCDN Tháng 11.2018
Bạn đang đọc bài viết Triển khai hoá đơn điện tử: Chuẩn bị cơ sở vật chất, kết nối thông tin tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận