Trung tâm cờ bạc Mỹ thành 'tâm chấn' của đại dịch thất nghiệp
TCDN - Las Vegas - thành phố đón 40 triệu du khách mỗi năm - trở thành "tâm chấn" của cuộc khủng hoảng thất nghiệp tại Mỹ do dịch Covid-19.
Theo New York Times, có đếm hết đốt ngón tay cũng không đủ để đếm hết số người mất việc làm ở Las Vegas mà cô Valicia Anderson quen. Đó là chồng cô (một nhân viên nhà hàng tại sòng bạc Rio) và 25 đồng nghiệp, các nhân viên làm móng cho cô, người thợ cắt tóc của chồng cô.
Còn phải kể đến bạn thân của cô (một nhân viên phục vụ), chủ nhà hàng và 3 nhân viên ở TGI Friday’s, quán ăn mà gia đình cô yêu thích. “Chính phủ muốn bạn ở nhà. Bạn làm như vậy, nhưng họ không giúp đỡ bạn về mặt tài chính khi bạn mất việc. Điều đó là vô nghĩa”, New York Times dẫn lời cô Anderson than thở.
Khi dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế Mỹ, Las Vegas là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 1/3 nền kinh tế địa phương là ngành công nghiệp giải trí và khách sạn. Hầu hết công việc không thể làm tại nhà.
Gần 350.000 người ở bang Nevada đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ khi cuộc khủng hoảng diễn ra. Đây là con số kỷ lục của bang. Công ty nghiên cứu kinh tế Applied Analysis ước tính tỷ lệ thất nghiệp hiện tại của Las Vegas khoảng 25% - gần gấp đôi hồi Đại khủng hoảng - và vẫn trên đà tăng.
"Vùng đất số không"
Đây là tình trạng chưa từng thấy”, New York Times dẫn lời chuyên gia Jeremy Aguero tại Applied Analysis nhận định. Các thống đốc bang và thị trưởng Mỹ đang vật lộn với câu hỏi: Mở cửa lại nền kinh tế vào lúc nào và bằng cách nào.
Riêng Las Vegas phải đối mặt với áp lực đặc biệt do sự phụ thuộc vào ngành du lịch và khách sạn. Tuần trước, Thị trưởng Las Vegas Carolyn Goodman lập luận rằng các sòng bạc nên mở cửa trở lại, tuy nhiên Thống đốc Steve Sisolak khẳng định bang “chắc chắn chưa sẵn sàng để mở cửa”.
Trước cuộc khủng hoảng, nền kinh tế Nevada là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất đất nước. Chỉ sau một đêm, thành phố không ngủ bị đóng cửa, hàng chục nghìn nhân viên phục vụ, nhân viên khách sạn và nhân viên sòng bạc mất việc làm và thu nhập.
“Bạn hãy tưởng tượng về một bộ phim kinh dị, mọi người đều biến mất, thành phố giờ giống hệt như vậy. Bạn không thể tưởng tượng rằng điều đó có thể xảy ra. Tôi cũng thế”, Larry Scott, CEO tại Ngân hàng Three Square, nhận xét. Nhiều người đã không có thu nhập trong 5 tuần.
Các dịch vụ khẩn cấp trở nên quá tải. Mọi người xếp hàng dài tại một trong những địa điểm phân phối thực phẩm lớn nhất thành phố vào 4h sáng, trước giờ mở cửa 6 tiếng. Janette Gutierrez, nhân viên tuần tra tại Sở Cảnh sát Đô thị Las Vegas, kể rằng nhiều người chờ trong xe lâu đến nỗi xe bị chết ắc-quy.
Hầu hết người Mỹ ủng hộ yêu cầu ở nhà để bảo vệ sức khỏe cộng cồng. Tuy nhiên, gánh nặng của việc phong tỏa đất nước đang giáng xuống những người chưa kịp chuẩn bị để đối mặt với nó.
Khoảng 52% người Mỹ có thu nhập thấp nói rằng họ và các thành viên gia đình đã trải qua biến động công việc, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew. Chỉ 23% người có thu nhập thấp có đủ tiền để tiếp tục tình trạng này trong vòng 3 tháng.
Chỉ riêng trong tháng 3, các quán bar và nhà hàng đã cắt giảm 417.000 việc làm trên khắp cả nước. Chồng cô Anderson - Jovaun Anderson, 34 tuổi - là một trong số những người mất việc làm. Anh làm nhân viên phục vụ tại nhà hàng Guy Fieri’s El Burro Borracho, trong khách sạn và sòng bạc Rio, từ năm 2016.
Sợ chủ nhà đòi tiền thuê
Còn cô Anderson, đến từ California, làm việc cho trung tâm chăm sóc khách hàng. Cô chuyển sang làm việc bán thời gian sau khi sinh con gái, Nylah, vào năm 2012. Khi Nylah lên một, em bị khuyết tật phát triển. Lên sáu, Nylah mắc một số vấn đề về tiêu hóa. Đó là thời điểm cô Anderson bỏ hẳn việc để chăm sóc con gái.
Hôm 16/3, anh Anderson nhắn tin cho vợ ngay sau khi bị mất việc. Cô bắt đầu lo lắng. Nhà thuốc vừa gửi tin nhắn thông báo mua thêm thuốc cho con gái Nylah. Họ còn phải trả tiền điện thoại, lãi vay ôtô và tiền thuê nhà tháng 4.
“Chúng tôi đã sống trong ngôi nhà này 5 năm và chưa bao giờ gặp vấn đề gì trong việc trả tiền thuê nhà. Giờ, tôi rất lo lắng về việc phải tìm đến chủ nhà”, cô Anderson than thở. Đêm đó, họ thức khuya, ngồi lặng lẽ cùng nhau trong căn phòng nhỏ để tính tổng hóa đơn phải trả và tra Google về trợ cấp thất nghiệp.
Anh Anderson nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ngay lập tức. Kể từ khi chồng mất việc, cô Anderson dành hàng giờ mỗi ngày để lùng sục các trang Facebook, xem mọi người thảo luận về tình trạng của họ. Một người phụ nữ chụp ảnh màn hình, chỉ ra hàng trăm cuộc gọi được gọi đến đường dây thấp nghiệp.
Ý nghĩ về sự chậm trễ trong việc hỗ trợ người mất việc làm khiến cô Anderson nổi giận. Vẫn không một ai liên hệ cho vợ chồng cô. “Anh ấy bị mất việc làm. Tất cả đều vậy”, cô tuyệt vọng.
Nevada cung cấp 26 tuần bảo hiểm thất nghiệp và trả tối đa 469 USD/tuần. Nhưng giống các bang khác, tất cả văn phòng thất nghiệp của Nevada đều bị quá tải với hàng loạt yêu cầu trợ cấp. Trong một ngày, Sở Việc làm, Đào tạo và Phục hồi Chức năng nhận 28.000 cuộc gọi.
Dù thất nghiệp, cô Shenika Dixon, 39 tuổi, không đồng ý việc xóa bỏ yêu cầu ở nhà của Thị trưởng Goodman. “Mở cửa lại nền kinh tế không giống bật công tắc. Virus vẫn còn đó. Và nhiều người không có việc làm để trở lại”, cô nói.
Anh Anderson đang tìm việc làm ở Walmart, Albertsons và Fimily Dollar. Nhưng anh sợ có thể mang virus về nhà. Hôm 23/4, gia đình Anderson chỉ còn 2 lon súp gà và cơm, nửa gói bánh quy Saltine và 5 gói mì Ramen. Tủ lạnh có ít sữa, 6 quả trứng và vài lát bánh mì. Tài khoản ngân hàng của họ chỉ còn 22 USD, bình xăng chưa đầy 1/4.
“Tôi cảm thấy mình có thể sống ở bất cứ đâu. Tôi chắc rằng chồng tôi cũng vậy. Chúng tôi ngủ được trên xe, trong bãi đỗ. Nhưng tôi không thể làm vậy với con gái mình. Nylah phải có đồ ăn, thuốc và một mái nhà. Trận chiến này là dành cho con tôi”, cô Anderson chia sẻ.
Theo Zing
email: [email protected], hotline: 086 508 6899