TS.Cấn Văn Lực: Tiếp tục giãn, hoãn, giảm thuế, phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
TCDN - Dự đoán tình hình thế giới, trong nước khó khăn trong năm 2023, TS.Cấn Văn Lực đề xuất nên tiếp tục giãn, hoãn, giảm thuế, phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp hồi phục và phát triển.
TS.Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho hay, việc Việt Nam đưa ra các chính sách hồi phục, phát triển kinh tế được thế giới đánh giá cao trong đó có các chính sách về giãn, hoãn, giảm thuế.
Theo thống kê của ông Lực, riêng giãn, hoãn thuế dự kiến khoảng 135 nghìn tỷ đồng, đến nay chúng ta đã thực hiện được 91 nghìn tỷ đồng, đạt 71%. Gói chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, phí khác làm tổng ngân sách giảm 63.500 tỷ đồng, đến nay, đã thực hiện được 40 nghìn tỷ đồng, tương đương 63%, hy vọng tiếp tục triển khai hoàn thành cấu phần này.
“Mong mỏi của doanh nghiệp, các hiệp hội là thực thi chính sách tốt hơn nữa. Bởi lẽ năm 2023 sẽ khó khăn hơn. Thế giới sẽ khó khăn, các nước rơi vào suy thoái do lãi suất và khủng hoảng năng lượng. Điều đó khiến thị trường xuất khẩu thu hẹp và thu hút FDI cũng sẽ khó khăn”, ông Lực nhấn mạnh.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới như vậy, TS.Cấn Văn Lực cho rằng cần triển khai nhanh và quyết liệt hơn các gói hỗ trợ. Ông Lực dẫn chứng, gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân phải triển khai ngay sau tết nhưng giờ mới được khoảng 3.500 tỷ đồng/6.000 tỷ đồng chưa đạt 60%.
Trong khi đó, theo ông Lực, chính sách tiền tệ gần như hạn hẹp. Bài toán tăng lãi suất không phải mong muốn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tỷ giá cũng rất phức tạp. Dòng tiền của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi thị trường trái phiếu để huy động vốn cho doanh nghiệp đang có những vấn đề khó.
Do đó, TS.Cấn Văn Lực cho rằng, chính sách tài khóa tiếp tục là chủ lực, cần phải tính toán xem liệu có tiếp tục giảm thuế phí nữa hay không? Việc đó cần được bàn từ bây giờ vì nếu để muộn sẽ phê duyệt muộn gây khó khăn cho doanh nghiệp.
TS.Cấn Văn Lực đề xuất nên tiếp tục đề xuất giãn, hoãn, giảm một số khoản thuế, phí. Bởi số lượng doanh nghiệp tạm thời đóng cửa từ đầu năm đến nay vẫn tăng 38%. Điều này cho thấy một bộ phận doanh nghiệp của chúng ta vẫn đang rất khó khăn. Đồng thời phải phối hợp thật tốt giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, giá cả đề ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, dư địa cho các chính sách tài khóa vẫn còn, cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ nhưng phải bảo đảm có hướng đích và có mục tiêu; nghiên cứu tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn thuế mà không thực hiện miễn giảm thuế, nhất là với thuế thu nhập doanh nghiệp, không lựa chọn giảm thuế theo tiêu chí doanh thu như năm 2020, năm 2021; rà soát cụ thể lại các chính sách quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899