Vai trò của báo chí trong Luật Quản lý thuế
TCDN - Bên cạnh những nội dung quan trọng của Luật Quản lý thuế 2019 như Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; Quản lý hoạt động chuyển giá; Kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế ... Luật Quản lý thuế 2019 còn cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thông tin, báo chí.
Có thể nó rằng, trong những năm qua, báo chí ngoài việc góp phần thông tin đầy đủ về chính sách thuế đối với các đối tượng nộp thuế, báo chí còn góp phần không nhỏ trong việc phát hiện và đưa ra ánh sáng nhiều hành vi gian lận về thuế của các đối tượng nộp thuế, góp phần cùng ngành thuế truy thu nhiều khoản thuế lớn cho ngân sách nhà nước.
Cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thông tin, báo chí
Theo đó, kể từ ngày 1/7/2020 Luật Quản lý thuế 2019 chính thức có hiệu lực thi hành và qua đó vài trò, chức năng và nhiệm vụ của cơ quan thông tin, báo chí đã được cụ thể hóa. Điều đó, góp phần cùng với cơ quan quản lý nhà nước về thuế tăng cường quản lý cũng như phát hiện các hành vi gian lận về thuế để xứ lý theo quy đinh của pháp luật.
Cụ thể, theo Luật Quản lý thuế 2019 nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thông tin, báo chí đã được cụ thể hóa một cách rõ ràng tại Điều 26 như sau: 1. Cơ quan thông tin, báo chí tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thuế, nêu gương tổ chức, cá nhân thực hiện tốt pháp luật về thuế, phản ánh và phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về thuế. 2. Cơ quan thông tin, báo chí phối hợp với các cơ quan quản lý thuế trong việc đăng tải, cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, Luật Quản lý thuế 2019 cũng được chỉ rõ và cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp tại Điều 20 như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp: 1. Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định nhiệm vụ thu ngân sách hằng năm và giám sát việc thực hiện pháp luật về thuế tại địa phương; 2. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
a) Chỉ đạo các cơ quan có liên quan tại địa phương phối hợp với cơ quan quản lý thuế lập dự toán và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước trên địa bàn; b) Phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan quản lý thuế và cơ quan khác có thẩm quyền trong việc quản lý, thực hiện pháp luật về thuế; c) Xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện pháp luật về thuế theo thẩm quyền.
Việc cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ và vai trò của các cơ quan nêu trên đã tạo ra những kênh thông tin quan trọng từ cơ quan thông tin, báo chí cho việc quản lý thuế của cơ quan thuế được minh bạch, rõ ràng và chặt chẽ. Đồng thời, việc cụ thể hóa vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền cũng tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan thuế và tạo hành lang pháp lý cho việc phối hợp quản lý thuế được chặt chẽ, chống thất thu cho ngân sách nhà nước.
Một số nội dung quan trọng trong Luật Quản lý thuế 2019
So với Luật Quản lý thuế 2006, Luật Quản lý thuế 2019 có nhiều nội dung mới được đưa vào và đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trước đây, theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Quản lý thuế 2006, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thức năm dương lịch, hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán năm. Nay theo Luật Quản lý thuế 2019, người nộp thuế được kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN.
Cụ thể, theo điểm b khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 cho phép cá nhân được nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (kéo dài thêm 01 tháng so với Luật Quản lý thuế 2006).
Song song với đó, Luật Quản lý thuế 2019 đã tăng thêm trường hợp được gia hạn nộp thuế. Theo đó, người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế được rút ngắn chỉ còn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký thuế (hiện hành là 10 ngày làm việc). Trường hợp cấp lại do bị mất, rách, nát, cháy thì trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ (hiện hành là 5 ngày làm việc).
Ngược lại, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có kỳ tính thuế theo năm được kéo dài hơn, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Cụ thể, đối với hồ sơ quyết toán thuế TNCN của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thì thời hạn chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.
Luật cũng đã bổ sung nhiều trường hợp được gia hạn nộp thuế, bao gồm bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng; bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người nộp thuế trong trường hợp bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do thảm họa, dịch bệnh.
Chính phủ quyết định việc gia hạn nộp thuế cho các đối tượng, ngành, nghề kinh doanh gặp khó khăn đặc biệt trong từng thời kỳ nhất định. Việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định.
Đáng chú ý nhất, Luật Quản lý thuế 2019 lần đầu tiên quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Về việc này, hiện nay hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát triển ngày càng rộng rãi thì việc xây dựng, ban hành các quy định về quản lý thuế trong lĩnh vực này là cần thiết.
Trong đó, Khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019 về kê khai thuế quy định: Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đây chỉ là một trong những nội dung mang tính chất định hướng nhưng đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Trong thời gian tới, khi ban hành các văn bản hướng dẫn sẽ quy định cụ thể về nội dung quản lý với hoạt động thương mại điện tử.
Đồng thời, trách nhiệm kê khai thuế cũng được chỉ rõ cho các đối tượng liên quan. Cụ thể, Điều 27 của Luật Quản lý thuế sửa đổi quy định: Ngân hàng thương mại có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát sinh thu nhập từ Việt Nam.
Điều 42 quy định: “Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều 35 về sử dụng mã số thuế quy định: Khi bên Việt Nam chi trả tiền cho tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuyên biên giới dựa trên nền tảng trung gian kỹ thuật số không hiện diện tại Việt Nam phải sử dụng mã số thuế đã cấp cho tổ chức, cá nhân này để khấu trừ, nộp thay. Trường hợp này được hiểu khách hàng là người nộp thuế thay cho nhà cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra, Luật Quản lý thuế 2019 cũng bổ sung chức năng cung cấp dịch vụ kế toán cho đại lý thuế. Theo điểm c khoản 1 Điều 104 Luật Quản lý thuế 2019 bổ sung chức năng cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ cho đại lý thuế. Đây là quy định cho phép các đại lý thuế thêm chức năng cung cấp dịch vụ kế toán ngoài việc cung cấp dịch vụ đại lý thuế đang thực hiện.
Chức năng này phù hợp với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp những doanh nghiệp siêu nhỏ tiết kiệm chi phí khi thay vì phải thuê hai đơn vị thực hiện 02 dịch vụ (tư vấn thuế và kế toán) nay chỉ cần một đơn vị thực hiên hai nhiệm vụ trên.
Đặc biệt, Luật Quản lý thuế 2019 đã có những quy cho việc siết chặt quản lý hoạt động chuyển giá. Điều đó cho thấy sự nhanh nhạy của các cơ quan quản lý nhà nước trước hiện tượng, hành vi trốn thuế thông qua chuyển giá ngày càng phổ biến hiện nay.
Qua đó, để ngăn chặn tình trạng trên, Luật Quản lý thuế 2019 nghiêm cấm hành vi: Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế.
Để quản lý chặt chẽ hành vi trốn thuế, khoản 5 Điều 42 Luật Quản lý thuế quy định nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết như sau:
- Kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập;
- Giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số tiền thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế;
Tuy nhiên, các quy định này cũng lưu ý rằng: Người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được miễn thực hiện quy định kê khai, xác định giá tính thuế theo nội dung trên và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.
Luật Quản lý thuế 2019
Điều 26: Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thông tin, báo chí
1. Cơ quan thông tin, báo chí tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thuế, nêu gương tổ chức, cá nhân thực hiện tốt pháp luật về thuế, phản ánh và phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.
2. Cơ quan thông tin, báo chí phối hợp với các cơ quan quản lý thuế trong việc đăng tải, cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899