VCCI tập huấn kỹ năng xuất khẩu bền vững sang thị trường châu Âu cho doanh nghiệp ngành Tre
TCDN - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức Chương trình tập huấn kỹ năng xuất khẩu bền vững các mặt hàng mây tre sang thị trường châu Âu nhằm tận dụng tối đa lợi ích do EVFTA đem lại tại Thanh Hóa.
Đây là hoạt động thuộc dự án "Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam” (SCBV).
Dưới sự tài trợ của Liên minh châu Âu, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam hợp tác với Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai dự án 5 năm “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam”, giai đoạn 2018 - 2023.
Dự án tập trung ở 5 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh (chuỗi giá trị nghêu) và Thanh Hóa và Nghệ An (chuỗi giá trị tre). Dự án góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng ở các vùng nông thôn của Việt Nam thông qua tạo điều kiện cho việc áp dụng và thực hành các tiêu chuẩn bền vững của các nhà sản xuất và chế biến nghêu và tre; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và tài chính cũng như hiệu quả sản xuất; trao quyền cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ và làm việc với các liên minh công-tư để quản trị chuỗi giá trị tốt.
Tại chương trình tập huấn, các doanh nghiệp được chia sẻ nội dung liên quan đến các ưu đãi thuế quan của EVFTA đối với mặt hàng mây tre; quy tắc xuất xứ EVFTA đối với sản phẩm mây tre; quy trình nhập khẩu và các yêu cầu của EU đối với sản phẩm mây tre; đặc điểm và yêu cầu thị trường EU đối với sản phẩm mây tre; kỹ năng và cách thức phòng tránh rủi ro khi ký kết Hợp đồng thương mại…
Ông Phan Trọng Đạt, Quyền Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ kỹ năng đàm phán và ký kết hợp đồng để phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro bao gồm, tìm hiểu đối tác; Xác định nguyên tắc và phương thức đàm phán, giao kết hợp đồng; Một số lỗi cần tránh khi đàm phán hợp đồng; Mẫu hợp đồng: Lợi đi kèm rủi ro.
Lưu ý doanh nghiệp các thông tin cần kiểm tra trước khi ký kết hợp đồng xuất khẩu, Ông Phan Trọng Đạt nhấn mạnh, doanh nghiệp cần kiểm tra hồ sơ pháp lý của đối tác (đăng ký kinh odnah, điều lệ…); Báo cáo tài chính, báo cáo tín dụng; Tình hoạt động kinh doanh; Thẩm quyền người đàm phán, ký kết;Các giám đốc, cổ đông và công ty liên quan; Kiện tụng và nhận định các rủi ro.
Về phương thức đàm phán, ông Phan Trọng Đạt cho biết, có hai phương thức là đàm phán trực tiếp và đàm phán gián tiếp. Nếu đàm phán gián tiếp nên có thư ký, có ghi âm. Đàm phán gián tiếp, cần lưu giữ đầy đủ các tài liệu trao đổi giữa các bên; Lưu ý địa chỉ email và chế độ “cc”.
Đặc biệt, doanh nghiệp phải thận trọng đối với các đơn chào hàng hấp dẫn. Bởi, đơn chào càng hấp dẫn càng chứa đựng nhiều rủi ro, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ đơn chào hàng trước khi chấp nhận.
Bà Hoàng Ngọc Oanh, chuyên gia kinh tế quốc tế, Trung tâm tư vấn phát triển kinh tế thương mại Việt Nam, Hiệp hội Thông tin tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam lưu ý, doanh nghiệp trong kinh doanh với các đối tác khu vực EU cần chú trọng đến văn hóa kinh doanh và đặc thù của doanh nhân Châu Âu là đúng giờ, tôn trọng đối tác, không tặng quà mang tính cá nhân, không liên hệ vào kỳ nghỉ, cuối tuần..).
Đồng thời, doanh nghiệp cần tuân thủ đạo đức kinh doanh, các vấn đề về môi trường và nguyên tắc xã hội của đối tác. Luôn cập nhật thông tin trên các công cụ trực tuyến về tiêu chuẩn, quy định mới. Khi thực sự có quan tâm đến sản phẩm cần trao đổi các đề xuất qua email (E24H), gặp gỡ trực tiếp. Nâng cao trình độ ngoại ngữ, tìm hiểu khả năng ngôn ngữ của đối tác.
Nguyên tắc trao đổi thông tin, không được phép trao đổi với đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp (đấu thầu, giá bán, tồn kho…). Doanh nghiệp cần cẩn trọng trong việc tham gia các hiệp hội tại EU và khi chia sẻ thông tin, lấy ý kiến về việc bác bỏ doanh nghiệp khác…
Về pháp luật cạnh tranh, bà Hoàng Ngọc Oanh nhấn mạnh, doanh nghiệp không ép buộc nhà phân phối phải tuân theo mức giá nhất định; Không chỉ định hoặc bác bỏ một doanh nghiệp nào đó không được tham gia vào chuỗi mua bán.
Trước khi ký kết hợp đồng, phải rà soát kỹ lưỡng nhằm oại bỏ các điều khoản có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh. Doanh nghiệp không được thực hiện những hành vi có thể gây tổn hại tới cạnh tranh, như áp đặt mức giá cao bất hợp lý trên thị trường hay áp đặt các mức giá khác biệt với người mua một cách bất hợp lý.
Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, các vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến việc xuất khẩu mây tre vào thị trường châu Âu cũng đã được các chuyên gia trả lời thấu đáo.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899