Vì sao dự án 15.000 tỷ đồng ở Thanh Hóa bị tạm dừng?

12/05/2023, 10:48
báo nói -

TCDN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn số 3196/BKHĐT – GSTĐĐT gửi Công ty Cổ phần Xuân Thiện Nghi Sơn về việc dừng giải quyết hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư cảng biển Xuân Thiện Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Bộ KH&ĐT hai lần ra văn bản

Ngày 27/5/2022 Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) trong vai trò là cơ quan thẩm định đã có công văn số 3481/BKHĐT – GSTĐĐT gửi Công ty Cổ phần Xuân Thiện Nghi Sơn đề nghị giải trình bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư cảng biển Xuân Thiện Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Do không nhận được phản hồi, đến ngày 14/2/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục có công văn gửi công ty để đôn đốc việc giải trình, hoàn thiện hồ sơ theo các nội dung đề cập tại công văn số 3481 và gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 28/2/2023 để thực hiện các thủ tục thẩm định theo đúng quy định.

Tuy nhiên, đến nay, Bộ KH&ĐT chưa nhận được hồ sơ giải trình, bổ sung của Công ty cổ phần Xuân Thiện Nghi Sơn đối với Dự án đầu tư cảng biển Xuân Thiện Nghi Sơn, Thanh Hóa. Từ đây, căn cứ theo Nghị định 31/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, Bộ KH&ĐT ban hành công văn số 3196/BKHĐT – GSTĐĐT gửi Công ty cổ phần Xuân Thiện Nghi Sơn về việc dừng giải quyết hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư cảng biển Xuân Thiện Nghi Sơn, Thanh Hóa,.

Do khu vực Nghi Sơn hiện có Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, doanh nghiệp được yêu cầu nghiên cứu, bổ sung và thuyết minh rõ phương án đầu tư, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy trong khu vực.

Bộ Công an đề nghị Bộ KH&ĐT yêu cầu làm rõ hồ sơ và năng lực

Được biết, tại công văn số 3481, các nội dung Bộ KH&ĐT đề nghị Công ty Cổ phần Xuân Thiện Nghi Sơn giải trình bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ gồm:

Đề nghị doanh nghiệp đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch, đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư trong đó có mức độ ảnh hưởng tới cơ cấu kinh tế vùng, khả năng khai thác của dự án, khả năng đáp ứng luồng tàu vào cảng Nghi Sơn.

Đồng thời, doanh nghiệp được đề nghị bổ sung các kế hoạch, dự kiến cụ thể về doanh thu, chi phí, phương án và thời gian vay/trả nợ ngân hàng; làm rõ các yếu tố tính toán các chỉ tiêu hiệu quả tài chính của dự án. Bên cạnh đó, phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, lưu ý các nội dung như tác động của hoạt động lấn biển của dự án, của trung tâm điện khí LNG, tác động của biến đổi khí hậu tới khu vực và lĩnh vực dự án.

Công ty Xuân Thiện Nghi Sơn cũng được đề nghị cập nhật và đánh giá đầy đủ mục tiêu, vị trí dự án, vị trí luồng tàu vào khu cảng đảm bảo phù hợp với các quy hoạch được duyệt, làm rõ quy mô đầu tư nạo vét luồng tàu (thuộc giai đoạn 1 của dự án).

Quá trình lấy ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án, Bộ KH&ĐT đã nhận được văn bản phúc đáp của nhiều Bộ ngành liên quan tới hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương Dự án đầu tư Cảng biển Xuân Thiện Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Trong đó, tại văn bản số 876/BCA – ANKT ngày 17/5/2022, Bộ Công an cho rằng nhà đầu tư phải đảm bảo năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm thực hiện dự án, không để xảy ra lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và các vấn đề phức tạp phát sinh liên quan tới an ninh, trật tự trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt, Bộ Công an cho rằng số liệu tài chính có trong hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của Công ty cổ phần Xuân Thiện Nghi Sơn khác với tình hình tài chính của công ty do công an địa phương thu thập được. Bộ Công an đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu nhà đầu tư làm rõ các vấn đề liên quan tới hồ sơ và năng lực của nhà đầu tư, đảm bảo việc đầu tư, thực hiện dự án tuân thủ các quy định của pháp luật.

Trước đó, Công ty CP Xuân Thiện Nghi Sơn đã có văn bản đề nghị xây dựng khu bến cảng nước sâu Nghi Sơn và khu logistics phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa.

Theo đề xuất, dự án Cảng biển Xuân Thiện Nghi Sơn có quy mô khoảng 82,3 ha gồm các khu chức năng: Bến bãi hàng container, bến bãi hàng tổng hợp, bến chuyên dùng khí hóa lỏng LNG…

Dự án cũng có mục tiêu xây dựng khu bến cảng nước sâu Nghi Sơn và khu logistics phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa trong khu vực, đủ năng lực tiếp nhận tàu hàng tổng hợp, tàu container có trọng tải 200.000 DWT (giảm tải), khu bến cảng chuyên dùng tiếp nhận tàu chở khí LNG (100-150.000 DWT), công suất 20 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng.

Lê Doãn Tài
Bạn đang đọc bài viết Vì sao dự án 15.000 tỷ đồng ở Thanh Hóa bị tạm dừng? tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan