Vì sao khu vực kinh tế tư nhân tại Tp.HCM không "bung" hết sức mạnh?
TCDN - Chuyên gia cho rằng, năng lực của TP.HCM to lớn, tính năng động cao nhưng bị trói buộc nhiều là do mặc đồng phục cơ chế, đầu tàu nhưng “cơ chế giống các toa tàu”
Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam so sánh TP.HCM với các thành phố trực thuộc Trung ương như Hải Phòng, Cần Thơ, Hà Nội, Đà Nẵng cho thấy địa phương này chỉ đứng sau Hải Phòng với mức tăng trưởng 7,86%.
Theo ông Thiên, năng lực của TP.HCM to lớn, tính năng động cao nhưng bị trói buộc nhiều là do mặc đồng phục cơ chế, đầu tàu nhưng “cơ chế giống các toa tàu” và khiến cho khu vực tư nhân không phát huy hết tầm sức mạnh.
"Vì thế, để có nguồn vốn xây dựng đô thị thông minh, sáng tạo thì cần “cởi trói” cho TPHCM bằng một hệ thống cơ chế có tính độc lập, tự chủ trong điều hành phát triển tương ứng", TS Trần Đình Thiên nói.
Vị chuyên gia này đề xuất cho TP.HCM một thể chế - cơ chế có mức độ độc lập tự chủ trong quyền điều hành phát triển về quy hoạch, thu - chi, bộ máy, chính sách, trong nguồn lực ngân sách được phân chia và trách nhiệm kèm theo. Kèm với thể chế, cơ chế độc lập là trách nhiệm đầu tàu hội tụ, lan tỏa kết nối.
Một số nhà kinh tế cho rằng việc tăng ngân sách giữ lại cho thành phố chính là điều kiện tiên quyết để TP.HCM xây dựng đô thị thông minh, giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế, đồng thời tạo hiệu ứng lan toả để các địa phương trong vùng cùng hưởng lợi phát triển và kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại từ 18% giai đoạn 2018-2020 lên 24% giai đoạn 2021 và 33% giai đoạn 2026-2030. TS Trần Đình Thiên cho rằng kiến nghị này là hợp lý.
TS Võ Trí Thành cũng đồng tình với ý kiến cho rằng tỉ lệ nguồn ngân sách để lại cho TPHCM phải cao hơn.
Tuy nhiên, theo TS Thành, việc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách giữ lại cho TP.HCM đúng nhưng chưa đủ và vốn ngân sách chưa hẳn là một lựa chọn tối ưu về nguồn vốn để TP.HCM xây dựng đô thị thông minh sáng tạo. Bởi thị trường của đô thị thông minh là đủ lớn và theo điều tra của Black &Veatch 2016 thì có rất nhiều thành phố phát triển trên thế giới xem PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) là cách huy động vốn tốt nhất.
Để huy động vốn theo đối tác công tư PPP, TS thành cho rằng, TP.HCM cần phải có sự minh bạch và rõ ràng về cách thức chia sẻ lợi nhuận và rủi ro cũng như các chỉ số về nhu cầu khách hàng; PPP chủ yếu sẽ tập trung vào các mảng như các lĩnh vực có thu về hạ tầng: điện, nước sạch, cung ứng vận chuyển khách; những lĩnh vực khó có thu trực tiếp như nhượng quyền, quảng cáo…
"Trên cơ sở xác định nguồn vốn chủ yếu để phát triển, TP.HCM cần được đánh giá tác động lan tỏa một cách đầy đủ, từ đó việc xây dựng đô thị thông minh sáng tạo ở TPHCM sẽ có ý nghĩa chiến lược với các vùng lân cận và cả nước cũng phải được hưởng lợi", TS Võ Trí Thành khẳng định.
TS. Võ Trí Thành đặc biệt nhấn mạnh đến việc TP.HCM cần phải gắn thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp với TP.HCM trong hai lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo và tài chính xanh, tạo nên nền tảng trở thành trung tâm sáng tạo và trung tâm tài chính.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những nguồn vốn có thể giúp TP.HCM khai thác khi xây dựng đô thị thông minh như: nguồn vốn từ đất đai, nông nghiệp, hạ tầng, doanh nghiệp, nhân lực…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899