Vinafood 2 thoát lỗ như thế nào?

01/10/2024, 19:35
báo nói -

TCDN - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) Nguyễn Huy Hưng cho biết, 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 427 triệu USD; doanh thu đạt hơn 16.000 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước hơn 123 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới đây, ông Nguyễn Huy Hưng cho hay, từ khi chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần đến năm 2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty gặp rất nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh thua lỗ (năm 2020 lỗ 244,6 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 273,2 tỷ đồng, lũy kế đến ngày 31/12/2021 lỗ 2.651 tỷ đồng chiếm 53%/vốn điều lệ), mất năng lực cạnh tranh trên thị trường lúa gạo, tình hình tài chính khó khăn, âm vốn lưu động, các tổ chức tín dụng đã cắt giảm hạn mức, một số ngân hàng đã siết chặt điều kiện giải ngân, hoặc ngừng giải ngân, chấm dứt hợp đồng tín dụng dẫn đến thiếu vốn kinh doanh, thiếu dòng tiền trả nợ vay khiến cho tỉnh hình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Tổng công ty bế tắc trong từng thời điểm.

Vinafood 2 đã thoát lỗ.

Vinafood 2 đã thoát lỗ.

Năm 2022, sau khi kiện toàn chức danh người đứng đầu, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện pháp luật, tập thể cấp ủy, Hội đồng quản trị, Ban Điều hành Vinafood 2 đã quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao bằng nhiều giải pháp, lãnh đạo, quản trị và điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn trong công tác tái cơ cấu tổ chức bộ máy và sắp xếp cán bộ, nổi bật là đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo các cấp của Tổng công ty, cùng với sự ủng hộ của cổ đông chiến lược và sự đồng thuận cao của Ban Điều hành Tổng công ty, Vinafood 2 đã ngăn chặn được đà thua lỗ và hoạt động kinh doanh có lãi từ năm 2022 đến nay (năm 2022 lãi 91,3 tỷ đồng, năm 2023 lãi 122,1 tỷ đồng).

Năm 2024, Tổng công ty tiếp tục bám sát kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã được chủ sở hữu, Đại hội đồng cổ đông thông qua, thực hiện nhiều giải pháp trong quản trị điều hành sản xuất, kinh doanh, đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực.

Về kết quả sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024, Vinafood 2 đã mua vào 1.057.623 tấn gạo, xuất khẩu 706.765 tấn gạo, bán ra thị trường nội địa 205.841 tấn gạo. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 427 triệu USD; Doanh thu đạt hơn 16.000 tỷ đồng; Nộp ngân sách nhà nước hơn 123 tỷ đồng.

Theo ông Hưng, thực hiện thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp từ phân tán sang mô hình quản trị tập trung từ đầu năm 2022 với định hướng mọi hoạt động từ kinh doanh, dòng tiền, tài chính, đầu tư, sản xuất được tập trung về một đầu mối để quản trị, điều hành, Vinafood 2 đã có thể quản lý chặt chẽ, kịp thời mọi hoạt động, tập trung và phát huy nguồn lực, giúp Tổng công ty nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động hiệu quả. Trong công tác tái cơ cấu, Tổng công ty đã tập trung tái cơ cấu các đơn vị phụ thuộc, công ty con, phát huy lợi thế vùng của từng đơn vị. Qua quá trình tái cơ cấu từ năm 2022 đến nay đã phát huy tác dụng, hầu hết các đơn vị hoạt động có hiệu quả, còn một số đơn vị đang tiếp tục tái cơ cấu, phấn đấu năm 2024 đạt hiệu quả toàn Tổng công ty.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, Vinafood 2 đã tập trung tái cơ cấu lĩnh vực ngành nghề, sắp xếp tinh gọn bộ máy, nhân sự, kiện toàn các chức danh quản lý từ công ty mẹ đến các chi nhánh, công ty con, tập trung phát triển các đơn vị theo lợi thế vùng nguyên liệu và năng lực hiện có; cải tiến phương thức chi trả lương để tạo động lực cho người lao động; quan tâm, chỉ đạo sâu sát trong công tác quản lý vốn đầu tư, đã giúp cải thiện được hiệu quả hoạt động của một số công ty cổ phần có vốn góp của Tổng công ty.

Sản lượng, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu gạo tăng dần qua từng năm và hiện đang là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo có sản lượng, kim ngạch đứng đầu cả nước, đặc biệt năm 2023 sản lượng bán ra gần 1,6 triệu tấn gạo, doanh thu hơn 23.600 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu hơn 700 triệu USD.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu Tổ đại diện phần vốn nhà nước Vinafood 2 cần phối hợp với Hội đồng quản trị Tổng công ty, tăng cường kiểm tra, giám sát đặc biệt đối với các doanh nghiệp thành viên kinh doanh thua lỗ, mất an toàn về tài chính; có giải pháp cơ cấu lại các doanh nghiệp này tránh thất thoát vốn và tài sản của doanh nghiệp. Tổng công ty cũng cần tích cực thực hiện đối chiếu công nợ, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan thi hành án thực hiện thu hồi công nợ theo quy định của pháp luật, lành mạnh hóa tài chính của Tổng công ty.

Ngoài ra, Vinafood 2 cũng cần tăng cường quản trị doanh nghiệp theo các văn bản của Ủy ban chỉ đạo về công tác tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ dòng tiền tập trung, việc mua bán hàng hóa theo quy chế của Tổng công ty; tiếp tục rà soát kế hoạch chi phí năm 2024 để thực hiện tiết giảm tối đa chi phí theo quy định.

Vũ Nam
Bạn đang đọc bài viết Vinafood 2 thoát lỗ như thế nào? tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Cựu Tổng giám đốc Vinafood 2 bị xem xét kỷ luật
Ngày 13/5, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy Tp.HCM thông tin, kết quả tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét, (đề nghị) thi hành kỷ luật đối với một số đảng viên, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam - Vinafood 2.