Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nộp thuế và làm từ thiện thế nào?

12/04/2021, 15:09

TCDN - Là doanh nghiệp thường xuyên đứng đầu về giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán, Vingroup được công chúng quan tâm về nghĩa vụ đối với ngân sách và trách nhiệm xã hội.

Theo dữ liệu tại thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất (đã được kiểm toán) của Vingroup, năm 2020, tập đoàn này đã nộp tổng cộng xấp xỉ 9.397 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tăng gần 19% so với năm 2019.

Trong đó, chi phí thuế TNDN hiện hành là 10.282,7 tỷ đồng, công ty được hoãn lại 885,8 tỷ đồng.

Thuế suất thuế TNDN áp dụng cho Vingroup và các công ty con trong tập đoàn trong năm là 20% lợi nhuận chịu thuế, ngoại trừ Vinmec và Vinschool (đối với thu nhập từ hoạt động xã hội hóa) áp dụng mức thuế suất thuế TNDN ưu đãi 10%.

(Nguồn: BCTC Vingroup).

(Nguồn: BCTC Vingroup).

Bên cạnh đó, Vinfast, Vinsmart và một số công ty con hoạt động trong lĩnh vực công nghệ đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN với thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm đầu tiên kể từ khi có doanh thu.

Nhóm Vinfast, Vinsmart còn được miễn thuế TNDN trong 4 năm kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế (hoặc từ năm thứ 4 kể từ khi có doanh thu nếu như dự án không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu), và được giảm 50% thuế TNDN cho 9 năm tiếp theo đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một số công ty con có tổng doanh thu trong năm 2020 không quá 200 tỷ đồng được giảm 30% thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2020 theo Nghị định 114 năm 2020 của Chính phủ.

Thực hiện trách nhiệm xã hội cũng là một trong những thông tin được công chúng quan tâm đối với Vingroup.

Thông tin tại báo cáo  thể hiện tại ngày 31/12/2020, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã không còn số dư của khoản phải trả ngắn hạn khác cho bên liên quan (Quỹ Thiện Tâm) số tiền trị giá 1.200 tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc trong năm vừa qua, Tập đoàn đã chuyển 1.200 tỷ đồng cho quỹ này.

Mặc dù lãi giảm tuy nhiên phần đóng thuế đối với Vingroup lại tăng lên trong năm 2020 (Nguồn: BCTC).

Mặc dù lãi giảm tuy nhiên phần đóng thuế đối với Vingroup lại tăng lên trong năm 2020 (Nguồn: BCTC).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán của Vingroup, trong năm 2020, tập đoàn này đạt 110.490 tỷ đồng doanh thu thuần, bằng xấp xỉ 85% năm 2019. Trong đó, doanh thu chuyển nhượng bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt hơn 72.167 tỷ đồng.

Doanh thu từ hoạt động sản xuất của Vingroup tăng gần gấp đôi từ 9.201 tỷ đồng năm 2019 lên hơn 17.415 tỷ đồng năm 2020.

Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là trên 13.942 tỷ đồng, bằng 89% năm 2019. Sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế, Vingroup lãi hơn 4.545 tỷ đồng, bằng 58,9% kết quả cùng kỳ.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VIC sau chuỗi tăng nóng đã đóng cửa phiên cuối tuần trước với mức điều chỉnh nhẹ 0,4% xuống 124.900 đồng. Dù vậy, đây vẫn là mức giá trên vùng đỉnh của mã này.

Tính từ đầu năm VIC đã tăng mạnh 15,12% và qua đó đưa giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng lên con số 239.354 tỷ đồng.

Còn theo thống kê của Forbes, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup - hiện đã đạt 8,5 tỷ USD, xếp thứ 294 trong danh sách những người giàu nhất thế giới do tạp chí này thống kê.

Theo Dân trí
Bạn đang đọc bài viết Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nộp thuế và làm từ thiện thế nào? tại chuyên mục DOANH NHÂN của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thêm hơn 7.000 tỷ đồng
Giá cổ phiếu VIC khởi sắc liên tiếp sau khi VinFast công bố nhận đặt hàng mẫu ô tô điện đầu tiên VF e34, mức tăng của hai phiên này nâng giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng trên thị trường chứng khoán tăng thêm 7.474,8 tỷ đồng.