VNPay trở thành "kỳ lân" công nghệ thứ hai của Việt Nam
TCDN - 6 năm sau khi VNG đạt giá trị trên một tỷ USD, Việt Nam đã chính thức chứng kiến sự xuất hiện của "kỳ lân" công nghệ thứ hai. Đó là VNPay.
Năm 2014, tập đoàn game và giải trí VNG trở thành kỳ lân (doanh nghiệp tư nhân có trị giá trên một tỷ USD) đầu tiên của Việt Nam. 6 năm sau, startup có giá trị hơn một tỷ USD tiếp theo của Việt Nam mới lộ diện.
Báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA năm 2020 cho thấy VNPay chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt nam sau VNG, Deal Street Asia đưa tin.
VNPay sở hữu mạng lưới thanh toán bằng mã QR, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Công ty hợp tác với 22 ngân hàng tại Việt Nam, bao gồm những ngân hàng lớn nhất như BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank.
Với các ứng dụng ngân hàng, VNPay thu hút hơn 15 triệu người dùng hoạt động hàng tháng với các chức năng như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đặt vé xe buýt và mua thực phẩm tươi sống hàng ngày.
Giới phân tích nhận định VNPay chính thức đạt trạng thái "kỳ lân" sau vòng gọi vốn năm ngoái, khi họ nhận vốn từ Softbank Vision Fund và quỹ đầu tư nhà nước GIC.
Đông Nam Á đang có 11 kỳ lân công nghệ. Ngoài hai kỳ lân ở Việt Nam, 9 doanh nghiệp còn lại gồm Grab, Tokopedia, Bigo, Bukalapak, Gojek, Lazada, Razer, OVO, Sea Group, Traveloka. Grab và GoJek là hai siêu kỳ lân có mức định giá trên 10 tỷ USD ở Đông Nam Á.
Thanh toán trực tuyến là một trong những lĩnh vực hưởng lợi lớn nhất từ đại dịch COVID-19 do nhu cầu mua hàng trên sàn thương mại điện tử và giải trí trực tuyến tăng mạnh.
Sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp thanh toán di động ở Đông Nam Á đang gay gắt hơn bao giờ hết. Các ngân hàng bản địa, công ty công nghệ, công ty viễn thông đều muốn khai thác lĩnh vực đầy tiềm năng này và nhiều công ty cũng đã rời cuộc chơi với thất bại nặng nề.
Ở Thái Lan, các ngân hàng địa phương đã tung ra các ứng dụng công nghệ tài chính di động của riêng họ, như SCB Easy của Ngân hàng Thương mại Siam, K Plus của Kasikornbank và PromptPay của Ngân hàng Thái Lan. TrueMoney, một công ty fintech có trụ sở ở Bangkok, cũng đang cung cấp dịch vụ thanh toán di động cho Đông Nam Á.
Không chỉ các ngân hàng và các công ty fintech, mà cả các công ty gọi xe Đông Nam Á, các nền tảng mạng xã hội ở nước ngoài, các sàn thương mại điện tử địa phương, các nhà sản xuất trò chơi và những công ty khác cũng đang triển khai dịch vụ thanh toán. Vào tháng 3 năm 2016, LINE, mạng xã hội lớn ở Nhật Bản, đã hợp tác với Rabbit, một nhà cung cấp thẻ thông minh thanh toán điện tử ngoại tuyến cho các lĩnh vực bán lẻ và giao thông công cộng của Thái Lan, để triển khai Rabbit Line Pay nhằm mở ra thị trường tiêu dùng offline.
Sea Group sở hữu trang thương mại điện tử Shopee và nền tảng phát hành game là Garena, trong khi ví điện tử AirPay của tập đoàn này ban đầu được ra mắt vào năm 2014 chỉ tập trung cho các giao dịch trực tuyến cho game thủ của Garena. Thị trường lớn nhất trong khu vực của Garena, mà có sử dụng AirPay chính là Thái Lan.
Ứng dụng gọi xe Grab cũng đã ra mắt GrabPay vào cuối năm 2016 và đến năm 2018, nó trở thành một trong những nền tảng thanh toán di động lớn nhất Đông Nam Á. Hiện tại, GrabPay đang hoạt động ở 6 quốc gia, trong khi đó, siêu ứng dụng Gojek của Indonesia cũng đã cung cấp dịch vụ thanh toán GoPay từ năm 2015.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899