Vụ án Đỗ Hữu Ca: Mua bán hóa đơn VAT trái phép, trốn thuế như thế nào?

22/02/2024, 09:58
báo nói -

TCDN - Trong vụ án ông Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an TP Hải Phòng và các bị cáo khác bị bắt và điều tra về tội danh liên quan tới "Trốn thuế", "Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước".

Mua bán trái phép 15.674 hóa đơn VAT

Theo nội dung cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2007, Trương Xuân Đước (SN 1971, trú phường Đằng Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng) cùng vợ là Nguyễn Thị Ngọc Anh quản lý, điều hành Công ty CP Khánh Dung làm đầu mối, tổ chức hoạt động mua bán trái phép hóa đơn VAT.

Cụ thể, từ năm 2014 đến năm 2021, vợ chồng Đước sử dụng căn cước công dân của mình và chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người thân quen để thành lập thêm nhiều công ty nhằm thuận tiện cho hoạt động. Tính đến khi bị bắt, Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh đã thành lập quản lý điều hành 26 công ty mua bán trái phép hóa đơn VAT.

Đối với hóa đơn đầu vào, căn cứ vào lượng tiền ghi trên hóa đơn bán ra, hàng tháng Đước mua hóa đơn của Bùi Huy Hợp (SN 1972, trú tại xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng) và các cá nhân, đơn vị khác với giá từ 5 - 6 % giá trị hàng hoá, dịch vụ ghi trên hoá đơn (chưa tính thuế VAT) để sử dụng kê khai báo cáo thuế.

do-huu-ca

Năm 2018, Bùi Huy Hợp bị Công an TP Hải Phòng bắt, để tránh bị phát hiện, vợ chồng Đước đã hạn chế mua hóa đơn mà thành lập 11 công ty làm nguồn vào, sử dụng kê khai báo cáo thuế cho hoạt động bán hóa đơn trái phép. Kết quả điều tra xác định, từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2022, vợ chồng Trương Xuân Đức đã mua bán 15.674 hóa đơn, thu lợi bất chính trên 41,21 tỷ đồng.

Vào tháng 10/2022, Trương Văn Nam (cháu Đước) bị Cơ quan ANĐT, Công an tỉnh Quảng Ninh bắt về hành vi mua bán trái phép hóa đơn, đồng thời mở rộng điều tra vụ việc, Đước bỏ trốn và bảo vợ đến gặp ông Đỗ Hữu Ca (lúc đó đã nghỉ hưu, ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) để nhờ. Ông Ca yêu cầu vợ chồng Ngọc Anh chuẩn bị số tiền bằng 10% doanh thu bán ra hóa đơn trái phép (tương đương 20 tỷ đồng) và một số tiền “tiêu cực phí” để lo chạy tội.

Từ cuối tháng 10/2022 đến tháng 12/2022, vợ chồng Đước đã 4 lần đến gặp và đưa tổng cộng 35 tỷ đồng cho ông Ca. Tuy nhiên, ông Ca không thừa nhận việc nhận tiền trên để chạy tội cho Đước. Theo ông Ca, số tiền này là do Đước và Ngọc Anh chủ động mang đến để vào trong phòng khách và phòng ngủ tầng 1 của ông Ca.

Ngày 3/2/2023, Trương Xuân Đước bị Cơ quan ANĐT, Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ về hành vi mua bán trái phép hóa đơn, sau đó Ngọc Anh đến nhà để hỏi và xin lại số tiền 35 tỷ đồng đã đưa nhưng bị ông Ca đuổi về. Ngày 7/2/2023, Ngọc Anh cũng bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ.

Tiếp đó đến ngày 18/2/2023, ông Đỗ Hữu Ca bị cơ quan ANĐT, Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trốn thuế “khôn ngoan”?

Điểm đáng chú ý trong vụ án này là cựu Chị cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải, Hải Phòng Nguyễn Đình Đương và Đỗ Thanh Hoài, cựu nhân viên Chi cục Thuế huyện Cát Hải cũng bị truy tố.

Theo đó, khoảng tháng 8/2021, Trương Xuân Đước biết Nguyễn Đình Đương được phân công, bổ nhiệm làm Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải, TP Hải Phòng.

Do có mối quan hệ quen biết từ trước, Đước đến Chi cục Thuế Cát Hải gặp, nhờ Đương giúp mình trong lĩnh vực quản lý thuế đối với một số công ty Đước sẽ thành lập để mua bán trái phép hóa đơn trên huyện Cát Hải và được Đương đồng ý.

Sau đó, Đước thành lập Công ty TNHH phát triển thương mại vận tải Phương Bắc (trụ sở ở huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.

Quý 3/2021 là kỳ kê khai thuế đầu tiên của Công ty vận tải Phương Bắc. Đỗ Thanh Hoài là Đội phó Đội kiểm tra thuế Chi cục Thuế huyện Cát Hải, báo cáo Đương về việc công ty này mới thành lập, kê khai thuế lần đầu mà giá trị hàng hóa dịch vụ bán ra cao bất thường (gần 25 tỷ đồng, chưa tính thuế VAT).

Sau đó, Đương nói cho Hoài biết Công ty vận tải Phương Bắc là công ty do Đước thành lập, quản lý, điều hành để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn. Đương chỉ đạo Hoài tạo điều kiện trong hoạt động quản lý thuế.

Đương cho số điện thoại và chỉ đạo Hoài gọi Đước đến trụ sở để xử lý việc kê khai thuế cao bất thường của Công ty vận tải Phương Bắc.

Sau đó Đước cùng vợ là Nguyễn Thị Ngọc Anh đến phòng làm việc của Đương tại Chi cục Thuế huyện Cát Hải. Tại đây, Đương chỉ đạo Hoài hướng dẫn Đước cách thức kê khai thuế để không bị cơ quan chức năng phát hiện hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.

Theo chỉ đạo của Đương, Hoài trao đổi yêu cầu vợ chồng Đước thực hiện 3 nội dung: Kê khai thuế hàng tháng phát sinh giao dịch hàng hóa, dịch vụ bán ra thấp xuống so với thực tế tổng số hóa đơn trái phép đã xuất cho khách hàng từ 3-4 tỷ đồng/tháng để tránh bị nghi ngờ. Do huyện Cát Hải là địa bàn biển đảo, xa đất liền, việc làm ăn kinh doanh khó khăn nên không thể kê cao.

Hoài trao đổi tiếp với vợ chồng Đước, mỗi doanh nghiệp thành lập mới để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn tại huyện Cát Hải, Đước và Ngọc Anh phải chi phí số tiền là 50 triệu đồng.

Hoài cũng nói với vợ chồng Đước, hàng tháng phải chi tiền cho Hoài và Đương theo tỷ lệ 3 triệu đồng/1 tỷ đồng giá trị giao dịch hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn (chưa tính thuế VAT).

Đồng thời, Hoài cũng yêu cầu Đước, Ngọc Anh điều chỉnh, nộp tờ khai thuế bổ sung quý 3/2021 của Công ty vận tải Phương Bắc giảm xuống theo yêu cầu trên.

Vợ chồng Đước đồng ý với các yêu cầu của Hoài và giao cho kế toán là Vũ Thị Hiền điều chỉnh, nộp tờ khai bổ sung quý 3/2021 của Công ty vận tải Phương Bắc, giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra sau khi điều chỉnh là hơn 8 tỷ đồng (chưa tính thuế VAT).

Quá trình gặp gỡ tại phòng làm việc của Đương, vợ chồng Đước có đưa 1 phong bì trong đó có 50 triệu đồng cho Đương và 1 phong bì trong đó 20 triệu đồng cho Hoài để cảm ơn.

Bắt đầu từ tháng 10/2021, vợ chồng Đước thành lập thêm Công ty Cổ phần xây dựng Thăng Long Hải Phòng, Công ty TNHH phát triển thương mại xây dựng Nguyễn Gia, có trụ sở ở huyện Cát Hải.

Các công ty trên thành lập để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn trên địa bàn huyện Cát Hải và đưa tiền chi phí cho Đương, Hoài theo thỏa thuận.

Hàng tháng, theo chỉ đạo của Đương, Hoài liên hệ với Ngọc Anh để nhận tiền chi phí. Ngọc Anh trực tiếp theo dõi giá trị giao dịch hàng hóa, dịch vụ tính toán ra số tiền cần chi phí theo thỏa thuận, báo cáo lại Đước để lấy tiền đưa cho Hoài.

Quá trình điều tra vụ án đã xác định: Trong thời gian từ tháng 8/2021 đến tháng 8/2022, Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh đã đưa tiền cho Nguyễn Đình Đương, Đỗ Thanh Hoài với tổng số tiền là 362 triệu đồng.

Về số tiền nhận được trên, Đương, Hoài khai: Đương được hưởng lợi số tiền 50 triệu đồng và Hoài được hưởng lợi số tiền 20 triệu đồng là tiền phong bì nhận tại phòng làm việc của Đương trong lần gặp Đước, Ngọc Anh tại Chi cục thuế huyện Cát Hải.

Đối với số tiền 292 triệu đồng còn lại, được Hoài quản lý, sử dụng để tiếp khách và chi phí cho các hoạt động chung của Chi cục thuế huyện Cát Hải theo chỉ đạo của Đương song không có giấy tờ, sổ sách theo dõi.

Đương và Hoài nhận số tiền trên để tạo điều kiện để vợ chồng Đước, Ngọc Anh thành lập 3 công ty để mua bán trái phép hóa đơn trên địa bàn huyện Cát Hải.

Với hành vi trên, Đương và Hoài bị truy tố về tội Nhận hối lộ; vợ chồng Đước, Ngọc Anh cùng bị truy tố 2 tội Đưa hối lộ và Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, khi bắt giữ khẩn cấp ông Đỗ Hữu Ca, cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của ông Ca tại 2 địa chỉ ở Hải Phòng gồm: số 24/18D Lê Hồng Phong, phường Đằng Lâm, quận Hải An và xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên.

Tại đây, cơ quan điều tra tạm giữ nhiều đồ vật, tài sản là tiền mặt, tiền ngoại tệ, các trang sức, kim loại màu vàng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (mang tên Đỗ Hữu Ca cùng vợ là Vũ Thị Lộc và các cá nhân khác), sổ tiết kiệm (mang tên Vũ Thị Lộc và các cá nhân khác).

Về nguồn gốc tài sản, ông Ca và bà Lộc khai, số đồ vật, tài sản này có được thông qua việc tiết kiệm từ lương trong quá trình công tác trong lực lượng công an, bố mẹ để lại, quà lễ, Tết của các đơn vị và từ việc kinh doanh dự án, bất động sản của cá nhân ông Ca và của bà Lộc.

Tuy nhiên, nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh bất động sản trên không được ông Ca và bà Lộc kê khai thuế TNCN với cơ quan thuế.

Kết quả điều tra, xác minh đến nay xác định mặc dù những tài sản trên không liên quan đến hành vi phạm tội của bị can Đỗ Hữu Ca và các bị can trong vụ án. Tuy nhiên, việc ông Đỗ Hữu Ca và bà Vũ Thị Lộc không thực hiện kê khai đóng thuế TNCN về các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án, bất động sản liên quan đến những tài sản trên cần được tiếp tục xác minh, làm rõ.

Nam Thanh (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Vụ án Đỗ Hữu Ca: Mua bán hóa đơn VAT trái phép, trốn thuế như thế nào? tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Truy tố cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca và các đồng phạm
VKSND tỉnh Quảng Ninh truy tố cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca cùng vợ chồng "trùm" hóa đơn Trương Xuân Đước với 5 nhóm tội danh, gồm: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Trốn thuế", "Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước", "Nhận hối lộ" và "Đưa hối lộ".
Đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật ông Đỗ Hữu Ca
Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật một số cá nhân, trong đó có ông Đỗ Hữu Ca, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng.