Vừa thiếu nội lực, vừa phụ thuộc chuỗi cung ứng nước ngoài
TCDN - Tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt là các ngành có hàm lượng và giá trị công nghệ cao được xem là trụ cột dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, nội lực của ngành này còn không ít hạn chế, phụ thuộc lớn vào các chuỗi cung ứng từ nước ngoài.
Dẫn đầu trong các lĩnh vực thu hút FDI
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/02/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,46 tỷ USD, bằng 84,4% so với cùng kỳ năm 2020. Các nhà đầu tư đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 3 tỷ USD, chiếm 55,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm trước tăng 7,1%), đóng góp 8 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,3% (cùng kỳ năm trước tăng 7%), đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8% (cùng kỳ năm trước tăng 4,6%), đóng góp 0,4 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 11% (cùng kỳ năm trước giảm 2,7%), làm giảm 1,7 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Báo cáo của Bộ Công Thương chỉ ra rằng, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp cả năm tăng 3,36% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP của toàn ngành công nghiệp tăng từ 7,4% năm 2016 lên 9,1% năm 2019. Bước sang năm 2020, ngành công nghiệp Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, IIP cả năm 2020 tăng 3,4% so với năm 2019.
Tỉ trọng công nghiệp trong GDP tăng liên tục từ 27,1% năm 2016 lên 28,5% vào năm 2019. Năm 2020 tỉ trọng thấp hơn năm 2019 (đạt 27,54%) do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nếu tính cả xây dựng thì tỉ trọng trong GDP tăng từ 32,7% năm 2016 lên 34,5% năm 2019 và ước đạt 33,7% năm 2020.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp. Năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%.
Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo phát triển tích cực phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành, các ngành công nghiệp chủ lực (như điện tử, dệt may, da giày...) tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội (bình quân mỗi năm tạo thêm khoảng 300.000 việc làm), nâng thứ hạng về năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam.
Tỉ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020.Bà Trịnh Thị Thanh Thủy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) đánh giá, trong năm 2020, nhiều nước có ngành công nghiệp chế biến chế tạo dẫn đầu thế giới nhưng đều gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một điểm sáng, là ngoại lệ khi nền kinh tế tăng trưởng dương.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp cao nhất trong GDP về giá trị gia tăng, tạo tiền đề và nền tảng cho quá trình phát triển công nghiệp, hiện đại hóa đất nước. Những năm qua, nếu so sánh toàn bộ nền kinh tế, trong ngành công nghiệp nói chung, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng có sức bứt phá mạnh nhất. Mức tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành này cao hơn nhiều tăng trưởng GDP trong 5 năm gần đây.
“Tăng trưởng dương dựa trên trụ cột về tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt là các ngành có hàm lượng và giá trị công nghệ cao như chế tạo điện tử, linh kiện điện tử, máy tính, cơ khí, sản phẩm phục vụ ngành ô tô... Bên cạnh đó, chế biến nông sản, gia công may mặc... dù không đạt mức tăng trưởng như những giai đoạn trước nhưng cũng thu về kết quả đáng ghi nhận”, bà Thủy nhận định.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp cao nhất trong GDP về giá trị gia tăng, tạo tiền đề và nền tảng cho quá trình phát triển công nghiệp, hiện đại hóa đất nước. Những năm qua, nếu so sánh toàn bộ nền kinh tế, trong ngành công nghiệp nói chung, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng có sức bứt phá mạnh nhất. Mức tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành này cao hơn nhiều tăng trưởng GDP trong 5 năm gần đây.
Phụ thuộc thị trường nước ngoài
Tuy nhiên, bà Trịnh Thị Thanh Thủy cho rằng, khó khăn nhất để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo có lẽ là doanh nghiệp trong nước thiếu nguồn lực, thiếu nguyên liệu đầu vào và đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài, đặc biệt là nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc. "Chúng ta nặng về gia công, chế biến, phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI", bà Thủy nói.
Lý giải nguyên nhân của hạn chế này, ông Tuấn Anh phân tích, nhóm thứ nhất là xây dựng và bố trí nguồn lực để phát triển công nghiệp trong thời gian qua chưa đầy đủ. Cụ thể như, xây dựng các chiến lược, quy hoạch chính sách chưa phù hợp với thực trạng phát triển nền kinh tế. Các chính sách về tín dụng cho doanh nghiệp chưa tiếp cận đúng sát với nhu cầu của doanh nghiệp.
Đưa ra dẫn chứng, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam được ưu đãi nhiều từ các tổ chức tín dụng nước ngoài hoặc tập đoàn mẹ với lãi suất thấp, ông Tuấn Anh cho rằng lãi suất vay của Việt Nam cao nên doanh nghiệp Việt vô tình bị thua ngay từ điểm khởi đầu.
Nhóm nguyên nhân thứ hai được lãnh đạo Cục Công nghiệp chỉ ra là nguồn lực của Nhà nước cho phát triển công nghiệp chưa tương xứng. Việt Nam đang thiếu tập đoàn công nghiệp lớn đủ mạnh để dẫn dắt nền kinh tế...
“Lĩnh vực công nghiệp cần vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài. Trong khi đó, các doanh nghiệp chỉ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực như bất động sản, thương mại..., có khả năng thu hồi vốn nhanh hơn. Bởi vậy, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để kêu gọi doanh nghiệp tham gia lĩnh vực công nghiệp”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Việt Nam đang thiếu tập đoàn công nghiệp lớn đủ mạnh để dẫn dắt nền kinh tế...
Để thúc đẩy mạnh mẽ doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Tuấn Anh cho biết, Cục luôn chủ động phối hợp với các tập đoàn và doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh như Samsung, Toyota, sau đó có những cuộc kết nối với doanh nghiệp trong nước để đôi bên gặp gỡ nhau...
“Về dài hạn, Cục Công nghiệp sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp nói chung, doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo nói riêng. Trong đó, nội dung rất quan trọng là phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính xây dựng chính sách cấp bù chênh lệch lãi suất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng như doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo", ông Tuấn Anh nói.
Hiện Cục đang nghiên cứu sự cần thiết để xây dựng 1 bộ Luật về công nghiệp, chính thức thể chế hóa nội dung ngành công nghiệp vào bộ luật này, tránh tình trạng phải tham chiếu, bị chi phối bởi các bộ luật khác.
Minh Hoàng
email: [email protected], hotline: 086 508 6899