Xét xử phúc thẩm vụ Alibaba

08/05/2023, 07:50
báo nói -

TCDN - Ngày 8/5, TAND Cấp cao tại Tp.HCM sẽ xét xử phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba. Trước đó, phiên tòa mở ngày 27/3 bị hoãn do nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo vắng mặt.

Theo đó, phiên tòa lần này được mở do 18/23 bị cáo kháng cáo, sau đó có ba bị cáo rút đơn kháng cáo nên hiện chỉ còn 15 bị cáo kháng cáo. Trong đó, Nguyễn Thái Luyện cùng vợ là Võ Thị Thanh Mai kháng cáo kêu oan. Các bị cáo còn lại gồm em trai và những người từng là nhân viên cấp dưới của Luyện kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngoài ra, 95 bị hại và hai người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo.

Nguyễn Thái Luyện kêu oan, cho rằng đến thời điểm vụ án bị khởi tố và đến ngày xét xử phúc thẩm, Công ty Alibaba vẫn có đất để trả cho khách hàng và không chiếm đoạt tiền của khách hàng.

vnapotalxetxuvuanalibabavienkiemsatluantoivadenghian6500625-1671436544334460630123-crop-16714365510721876590701

Trước đó, xử sơ thẩm vào tháng 12/2022, TAND Tp.HCM đã tuyên phạt Nguyễn Thái Luyện tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Mai bị phạt 30 năm tù về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền. Cùng hai tội danh này, Nguyễn Thái Lực bị tuyên phạt 27 năm tù. Bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh bị tuyên phạt 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo khác bị phạt 10-19 năm tù, cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Huỳnh Thị Kim Thắng bị tuyên phạt ba năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội rửa tiền.

HĐXX cũng tuyên buộc Luyện cùng Mai liên đới bồi thường 2.446 tỷ đồng cho 4.548 bị hại.

Theo bản án sơ thẩm, lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của nhiều người dân trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Luyện thành lập Công ty Alibaba hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Luyện chỉ đạo thành lập 19 công ty trực thuộc rồi giao cho người thân trong gia đình hoặc thân tín làm người đại diện pháp luật.

Nhận thấy dự án bất động sản dưới hình thức phân lô, bán nền tại các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đang phát triển mạnh mẽ và có lượng khách hàng đặc biệt lớn nên Luyện chuyển hướng kinh doanh từ đại lý phân phối đất nền sang trực tiếp đầu tư dự án.

Luyện chỉ đạo người thân và nhân viên thân tín đứng ra mua số lượng lớn đất nông nghiệp ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau khi mua đất, các cá nhân này sẽ lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do chính Luyện thành lập để các công ty này tự vẽ dự án không có thật, tự đưa ra các kích thước phân lô, tách thửa trái quy định. Sau đó, ký hợp đồng mua bán và thu tiền của khách hàng.

Công ty Alibaba đưa ra nhiều hình thức thanh toán linh hoạt, mua lại thửa đất với giá cao, trả lãi cao dựa trên số tiền khách hàng đóng vào hoặc thuê lại. Số tiền có được từ các dự án ma mà khách hàng nộp vào được chuyển về công ty mẹ.

Ngoài ra, Luyện còn giao cho vợ, em ruột phối hợp cùng kế toán là Huỳnh Thị Kim Thắng sử dụng một phần tiền để vận hành hệ thống trả lương nhân viên, mặt bằng, mua các khu đất vẽ dự án ma, còn phần lớn tiền chuyển lòng vòng, che giấu nguồn gốc thực sự.

PV
Bạn đang đọc bài viết Xét xử phúc thẩm vụ Alibaba tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tổng bí thư: Đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải điều tra, truy tố, xét xử
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, việc xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm như vừa qua là minh chính cho quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai"; kể cả đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.