Xi măng Công Thanh: Vốn chủ âm gần 5.800 tỷ đồng, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động

01/12/2023, 11:10
báo nói -

TCDN - Đơn vị kiểm toán đã chỉ ra nhiều dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Xi măng Công Thanh do khoản lỗ lũy kế của công ty là 6.689 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 5.789 tỷ đồng.

Xi măng Công Thanh vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên năm 2023 đã kiểm toán. Đáng chú ý, tại BCTC này, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam đã chỉ ra nhiều dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. 

Nửa đầu năm 2023, Xi măng Công Thanh ghi nhận doanh thu thuần đạt 353 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh dưới giá vốn và chi phí tài chính cao khiến công ty lỗ sau thuế gần 609 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 539 tỷ. 

Vốn chủ âm gần 5.800 tỷ đồng, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Xi măng Công Thanh.

Vốn chủ âm gần 5.800 tỷ đồng, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Xi măng Công Thanh.

Năm 2023, Xi măng Công Thanh đặt kế hoạch doanh thu thuần gần 1.926 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2022. Công ty dự kiến lỗ sau thuế còn 796 tỷ đồng so với mức lỗ 1.182 tỷ đồng trong năm 2022.

Như vậy công ty mới thực hiện 18% mục tiêu doanh thu sau 6 tháng. Ngoài ra, BCTC của doanh nghiệp bị kiểm toán tiếp tục từ chối đưa ra kết luận. Tính đến cuối tháng 6/2023, khoản lỗ lũy kế của công ty là 6.689 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 5.789 tỷ đồng.

Tại ngày 30/06, Xi măng Công Thanh có tổng tài sản gần 12.175 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với đầu năm, trong đó tài sản cố định hơn 11.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ phải trả không ngừng gia tăng từ 13.763 tỷ đồng năm 2016 lên hơn 17.963 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2023. Trong đó, vay ngắn hạn hơn 2.030 tỷ đồng và vay dài hạn hơn 5.287 tỷ đồng (                                                                                                          vay từ VietinBank và SHB).

Thuyết minh BCTC kiểm toán cho thấy, Xi măng Công Thanh chưa thực hiện theo kế hoạch trả khoản vay dài hạn đến hạn gần 1.161 tỷ đồng và trái phiếu đến hạn trả hơn 432 tỷ đồng cho VietinBank. Biên bản làm việc ngày 24/03/2021, VietinBank yêu cầu Xi măng Công Thanh xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản của bên thứ ba để thanh toán nghĩa vụ trả nợ còn thiếu năm 2021.

Ngoài ra, theo hợp đồng vay, Xi măng Công Thanh phải trả cho SHB hơn 369 tỷ đồng vào ngày 29/11/2018. Tuy nhiên, đến 30/06/2023 công ty mới chỉ trả hơn 82 tỷ đồng và đang còn nợ gần 287 tỷ đồng tại SHB.

Tại thời điểm 30/06, tổng tiền lãi vay quá hạn mà công ty cần phải trả cho hai ngân hàng trên gần 333 tỷ đồng.

Về vấn đề này, phía kiểm toán cho biết, mặc dù Xi măng Công Thanh đã lập báo cáo tài chính trên cơ sở doanh nghiệp hoạt động liên tục. Tuy nhiên, ban lãnh đạo doanh nghiệp này không thể cung cấp bằng chứng khả năng hoàn thành kế hoạch thanh toán do các ngân hàng đã đề ra.

Dựa theo các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán chưa thể thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp cho việc sử dụng giả định hoạt động liên tục để soạn lập báo cáo tài chính này là phù hợp. Do đó, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về BCTC bán niên 2023 của Xi măng Công Thanh.

Tại 30/06, Xi măng Công Thanh gồm ba cổ đông lớn gồm ông Lý sở hữu 57.2%, Công ty Cổ phần Tấm lợp Vật liệu Xây dựng Đồng Nai nắm 10% và Financiere Lafarge SA 5%.

Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh được thành lập ngày 23/01/2006 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng. Ngày 4/7/2007, Xi măng Công Thanh khởi công xây dựng và lắp đặt thiết bị sản xuất clinker và xi măng dây chuyền 1 với công suất 2.500 tấn clinker/ngày tại thôn Tam Sơn, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Hai năm sau, công ty này tiếp đầu tư dự án xây dựng dây chuyền 2 công suất 12.500 tấn clinker/ngày với tổng vốn đầu tư 420 triệu USD.

Hoạt động kinh doanh chủ yếu của Xi măng Công Thanh là sản xuất clinker, xi măng, vôi và thạch cao. Các sản phẩm của nhà sản xuất này hiện đa dạng về chủng loại và chất lượng với các chủng loại chính là xi măng đa dụng PCB40, dân dụng PCB40; xi măng portland; xi măng bền sunphat…

An Tú
Bạn đang đọc bài viết Xi măng Công Thanh: Vốn chủ âm gần 5.800 tỷ đồng, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan