Xử lý thu hồi nợ đọng thuế liên quan đến đất đai, khoáng sản

31/01/2024, 09:28
báo nói -

TCDN - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh yêu cầu cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan trong việc thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản,...

Chiều 30/1, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến công tác cưỡng chế nợ thuế vừa được Tổng cục Thuế tổ chức chiều nay 30/01.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh, năm 2024, dự báo nền kinh tế sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn do biến động của tình hình chính trị, kinh tế của thế giới sẽ tiếp tục có những tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước, vì vậy có thể sẽ có doanh nghiệp rời bỏ thị trường, mất khả năng thanh toán, điều này dẫn đến công tác cưỡng chế nợ thuế sẽ càng gặp nhiều khó khăn.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh.

Do đó, ông Đặng Ngọc Minh đề nghị Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế chỉ đạo các cơ quan thuế kiên quyết thực hiện áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế (NNT) thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản chính sách pháp luật đến NNT cũng như các biện pháp cưỡng chế để nâng cao tính tuân thủ, tự giác thực hiện nộp thuế, phòng ngừa nợ thuế.

Thực hiện công khai thông tin NNT dây dưa, chây ỳ nợ thuế lên báo, đài, website của cơ quan thuế.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan như: cơ quan Công an, Ngân hàng Nhà nước, Toà án, Quản lý thị trường, Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên và môi trường... trong việc thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản,...

Tập trung rà soát các trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh, phối hợp chuyển hồ sơ các trường hợp cố ý chây ỳ nợ thuế sang cơ quan Công an để có các chế tài mạnh đối với các trường hợp này nhằm nâng cao tính răn đe đến người nợ thuế.

Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý nợ, đồng thời chỉ đạo các bộ phận trong cơ quan thuế (pháp chế, kê khai, thanh tra - kiểm tra, quản lý hộ, quản lý đất…) phối hợp chặt chẽ với bộ phận quản lý nợ để đảm bảo việc thực hiện quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đạt hiệu quả cao.

Ngoài ra, để chủ động đề xuất kế hoạch và các giải pháp quản lý nợ thuế hiệu quả, trên cơ sở ý kiến của các đơn vị, Phó tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh yêu cầu Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế chủ trì tiếp thu tổng hợp các kiến nghị, đặc biệt là những nội dung liên quan đến chức năng điều tra, kê biên tài sản,… để sớm trình Tổng cục trình Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách trong thời gian tới.

Phó tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh lưu ý đối với những nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung tại Luật Quản lý thuế, Vụ phải đánh giá một cách toàn diện để đề xuất thực hiện sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp tình hình thực tế.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Xử lý thu hồi nợ đọng thuế liên quan đến đất đai, khoáng sản tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ Tài chính: Nợ đọng thuế có xu hướng tăng
Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điếm 30/6/2022 thì tổng số tiền nợ thuế ngành thuế quản lý là 114.780 tỷ đồng.
Hết năm 2023 còn 170.000 tỷ đồng nợ thuế
Tổng cục Thuế cho biết, tổng số tiền nợ thuế tính đến 31/12/2023 là 169.990 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 91.778 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2022.