Xuất khẩu cá tra dự báo tăng 20 - 22% năm 2022

28/02/2022, 10:16

TCDN - Giá cá xuất khẩu dự báo sẽ tăng khoảng 5% do chi phí nuôi trồng, logistics, lao động… Xuất khẩu cá tra năm 2022 dự báo tăng 20-22% so năm 2021.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị trực tuyến và trực tiếp triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2022 tại các tỉnh có vùng nuôi chủ lực ở ĐBSCL.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nhận định: Ở ĐBSCL thị trường cá tra nguyên liệu báo hiệu hồi phục nhanh chóng. Cơ hội mới từ thị trường xuất khẩu năm 2022 đang mở ra.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thứ trưởng nhìn nhận năm 2021 đã khép lại với hàng loạt khó khăn do tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế nước ta, trong đó có ngành thủy sản và ngành hàng cá tra. Nếu như năm 2020, ngành hàng cá tra bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa tại các thị trường xuất khẩu chính thì từ quý 3 năm 2021 đã bị trực tiếp ảnh hưởng bởi đại dịch Covid19 tại các tỉnh ĐBSCL. Chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra đã bị tác động mạnh làm cho toàn ngành gặp nhiều khó khăn.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tháng 1/2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam đã thực sự hồi phục sau Covid-19 với tổng giá trị đạt 213,6 triệu USD, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu ở hầu hết các thị trường lớn đều tăng trưởng dương.

Bà Tô Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cho biết, kết thúc năm 2021 xuất khẩu cá tra cán đích 1,6 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2020. 3 thị trường gồm: Trung Quốc, Mỹ, CPTPP chiếm trên 63% giá trị xuất khẩu cá tra, đạt trên 1 tỷ USD.

Các thị trường có sự tăng trưởng ấn tượng: Brazil (48,6%); Nga (72%); Ai Cập (52%) và Thái Lan đã góp phần vào sự đa dạng thị trường nhập khẩu cá tra năm 2021.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc liên tục sụt giảm nhưng Trung Quốc vẫn giữ vững vị trí là nước nhập khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam với kim ngạch 450 triệu USD, giảm 12,6% so với năm trước.

Xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng trưởng ổn định trong cả năm, và giữ vững vị trí là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của ngành cá tra Việt Nam với kim ngạch đạt 370 triệu USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021. Tăng trưởng của thị trường Mỹ trong năm 2021 là kết quả của sự gia tăng về sản lượng do nhu cầu tiêu thụ tăng và giá xuất khẩu cũng liên tục tăng trong cả năm.

EU thị trường EU xếp ở vị trí thứ 4, kim ngạch xuất khẩu của thị trường này cả năm chỉ đạt 106 triệu USD. Sự cạnh tranh khốc liệt về giá các loại cá thịt trắng, các tiêu chuẩn, qui định ngày càng nghiêm ngặt tại thị trường này, bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc đã khiến các doanh nghiệp dần dần ít đầu tư vào thị trường EU.

Tháng 1/2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam đã thực sự hồi phục sau Covid-19 với tổng giá trị đạt 213,6 triệu USD, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các thị trường đều hồi phục sau khi Covid-19 được kiểm soát. Đây là tín hiệu tích cực được mong đợi nhất.

Thị trường nhập khẩu cá tra năm 2022 được đánh giá phục hồi, tăng trưởng tốt, trong đó, nhóm 4 thị trường chính gồm: Trung Quốc (31%); Mỹ (23%); CPTPP (13%) và EU (6,6%) chiếm 73,6% đều có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ. Giá cá xuất khẩu dự báo sẽ tăng khoảng 5% do chi phí nuôi trồng, logistics, lao động… Xuất khẩu cá tra năm 2022 dự báo tăng 20-22% so năm 2021.

Ngọc Diễm
Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu cá tra dự báo tăng 20 - 22% năm 2022 tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giải pháp phát triển nuôi cá tra trong thời gian tới
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và năm 2022”. Hội nghị có sự tham gia của nhiều hiệp hội, doanh nghiệp và các địa phương trọng điểm nuôi cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).