56 địa phương thu nội địa thấp hơn so với cùng kỳ

13/11/2023, 19:14
báo nói -

TCDN - Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 10, ước tính có 24 địa phương thực hiện thu nội địa 10 tháng đạt trên 86% dự toán; 7 địa phương có tăng trưởng thu so cùng kỳ, trong khi có tới 56 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ.

Trong thông cáo về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 10 phát đi chiều 13/10, Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 10 tháng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.398,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán, giảm 9,2% so cùng kỳ năm 2022 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 88,9% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 83,3% dự toán).

Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.157,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,8% dự toán, giảm 5,9% so cùng kỳ năm 2022. Thu từ dầu thô ước đạt khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng, bằng 122,3% dự toán, giảm 19,8% so cùng kỳ năm 2022. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 188,8 nghìn tỷ đồng, bằng 79% dự toán, giảm 21,9% so cùng kỳ năm 2022, trên cơ sở: tổng số thu thuế ước đạt 300,4 nghìn tỷ đồng, bằng 70,7% dự toán, giảm 17,2% so cùng kỳ.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính cho hay, trong tổng thu ngân sách nhà nước, các khoản thu trực tiếp từ 3 khu vực sản xuất - kinh doanh (chiếm 53,3% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 85,5% dự toán, giảm 2,9% so cùng kỳ. Không kể thuế thu nhập doanh nghiệp (chiếm gần 45,2% tổng số thu từ khu vực sản xuất - kinh doanh đạt khá so dự toán do doanh nghiệp đã tạm nộp 5/5 kỳ theo quy định), thì số thu của 3 khu vực này chỉ bằng 92,7% cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tính đến 15/10/2023 đạt 522,9 tỷ USD, giảm 10,9% so cùng kỳ năm 2022; riêng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá có thuế giảm 17,2% so cùng kỳ.

Về số thu trên địa bàn, ước tính có 24 địa phương thực hiện thu nội địa 10 tháng đạt trên 86% dự toán; 7 địa phương có tăng trưởng thu so cùng kỳ, trong khi có tới 56 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ.

Cũng theo Bộ Tài chính, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 10 ước đạt 118 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 10 tháng đạt khoảng 1.357,6 nghìn tỷ đồng, bằng 65,4% dự toán, tăng 11,4% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 401,9 nghìn tỷ đồng, bằng 55,3% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 56,84% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 35% (khoảng 104 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; chi trả nợ lãi ước đạt khoảng 80 nghìn tỷ đồng, bằng 77,8% dự toán, tăng 3,3% so cùng kỳ; chi thường xuyên ước đạt 873,3 nghìn tỷ đồng, bằng 74,5% dự toán, tăng 3,8% so cùng kỳ.

Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.

Về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã giao khoảng 707 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm báo cáo, các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương tăng thêm (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương,…) khoảng 64,1 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tổng số kế hoạch vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ chi tiết là 758,2 nghìn tỷ đồng, đạt 107,23% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không kể kế hoạch vốn các địa phương giao tăng thêm, thì đạt 98,16%); còn 20 bộ, cơ quan trung ương và 20 địa phương chưa phân bổ chi tiết 12,98 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,84% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ Tài chính đánh giá, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 27/10/2023, đã thực hiện phát hành 264,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,32 năm, lãi suất bình quân 3,3%/năm.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết 56 địa phương thu nội địa thấp hơn so với cùng kỳ tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan