Agribank Gia Lâm: Không trả lại hồ sơ tài sản của khách hàng?
TCDN - Ngân hàng Agribank Chi nhánh Gia Lâm - Hà Nội không trả hồ sơ thế chấp tài sản vay vốn của khách hàng và việc xử lý hồ sơ này khi hết thời hạn lưu trữ được thực hiện như thế nào?
Việc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Gia Lâm - Hà Nội (Agribank Gia Lâm) viện lý do hết thời hạn lưu trữ hồ sơ (05 năm) nên Ngân hàng không có sơ sở để trả lời cho khách hàng, vậy nếu khách hàng vì lý do nào đó như quên hoặc không biết quyền lợi của mình để đến nhận lại hồ sơ tài sản đã thế chấp thì coi như mất và Ngân hàng không phải chịu trách nhiệm? Có hay không sự tắc trách từ phía Agribank Gia Lâm, trong việc hoàn trả hồ sơ thế chấp tài sản vay vốn của khách hàng sau khi bên thế chấp hoàn thành nghĩa vụ của mình?
Cụ thể, theo Đơn phản ánh của Ông Nguyễn Tiến Mạnh trú tại Tổ dân phố An Đào, thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội: Năm 1995, ông Nguyễn Văn Hùng (bố đẻ ông Nguyễn Tiến Mạnh) đã thế chấp đất ở của gia đình (được UBND xã Trâu Quỳ (nay thị trấn Trâu Quỳ xác nhận) để làm thủ tục vay vốn sản xuất tại Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Gia Lâm nay là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Gia Lâm - Hà Nội (Agribank Chi nhánh Gia Lâm - Hà Nội, gọi tắt là Ngân hàng) và được Ngân hàng cấp Sổ hộ sản xuất vay vốn ngắn hạn AG0275966 ngày 17/10/1995.
Trong sổ thể hiện ông Nguyễn Tiến Mạnh là người thừa kế, thay thế chủ hộ được gaio dịch với Ngân hàng. Trong quá trình làm thủ tục vay vốn, ông Nguyễn Văn Hùng đã bàn giao một số giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất mà gia đình ông đang sử dụng cho Ngân hàng để được cấp tín dụng, bao gồm: Trích lục bản đồ hiện trạng sử dụng đất do UBND xã Trâu Quỳ (nay thị trấn Trâu Quỳ) cấp ngày 17/4/1998; Đơn xin xác nhận nguồn gốc sử dụng đất đã được UBND xã Trâu Quỳ (nay thị trấn Trâu Quỳ) xác nhận đề ngày 16/4/1998; Và một số tài liệu, giấy tờ khác.
Những năm sau đó, gia đình ông Nguyễn Tiến Mạnh có vay vốn của Ngân hàng thêm một vài lần nữa, cũng như thực hiện việc trả nợ gốc và lãi cho Ngân hàng theo đúng quy định. Đến tháng 4/1999, gia đình ông Nguyễn Tiến Mạnh đã thực hiện thanh toán xong các nghĩa vụ đối với các khoản vay trên cho Ngân hàng và không có nhu cầu vay thêm. Tuy nhiên, Ngân hàng đã không hoàn trả các giấy tờ nêu trên cho gia đình ông Nguyễn Tiến Mạnh.
Trong thời gian qua, mặc dù ông Nguyễn Tiến Mạnh đã nhiều lần trực tiếp đến làm việc, cũng như có Đơn xin rút hồ sơ thế chấp đất ở vay vốn ngân hàng (tháng 12/2019). Nhưng Ngân hàng vẫn chưa thực hiện bàn giao lại những giấy tờ, tài liệu mà gia đình ông đã giao nộp để làm hồ sơ vay vốn; điều này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Tiến Mạnh và gia đình (Vì ông Nguyễn Văn Hùng - bố đẻ ông Nguyễn Tiến Mạnh đã mất tháng 9/2018).
Ông Nguyễn Tiến Mạnh cho rằng: Theo Bộ luật dân sự năm 2015, các Quy định về nghĩa vụ của bên nhận thế chấp thể hiện - “Trả các giấy tờ cho bên thế chấp sau khi chấm dứt thế chấp đối với trường hợp các bên thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp”. Vì vậy, theo quy định của pháp luật, Ngân hàng phải có nghĩa vụ hoàn trả các giấy tờ, tài liệu liên quan đến tài sản thế chấp cho bên thế chấp là gia đình ông Nguyễn Tiến Mạnh.
Tuy nhiên, theo Văn bản Số: 453/NHNoGL-KTKSNB ngày 30/6/2020 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Gia Lâm - Hà Nội, trả lời ông Nguyễn Tiến Mạnh có nêu: Năm 1995, ông Nguyễn Văn Hùng (bố đẻ ông Mạnh) có vay vốn tại Agribank Chi nhánh Gia Lâm với số tiền 10 triệu đồng; đến ngày 08/4/1999, ông Hùng (bố đẻ ông Mạnh) đã trả hết toàn bộ số tiền vay tại Ngân hàng. Theo quy định tại Mục 3 Tờ khai thế chấp tài sản vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam ngày 22/4/1998: “Khi thu hết nợ cả gốc và lãi, Ngân hàng hoàn trả lại, giấy tờ bảo quản cho khách hàng”. Từ năm 1999 đến năm 2018 (19 năm), ông Nguyễn Văn Hùng không có thắc mắc, khiếu kiện nào liên quan đến việc rút tài sản. Như vậy, giao dịch vay vốn giữa Ngân hàng với ông Hùng (bố đẻ ông Mạnh) đã chấm dứt và Ngân hàng đã hoàn trả lại hồ sơ tài sản theo đúng quy định.
Nay ông Nguyễn Tiến Mạnh làm đơn xin rút tài sản của ông Nguyễn Văn Hùng. Theo Thông tư 43/2011/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 20/12/2011 về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ, Nghị định 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 hướng dẫn một số điều của Luật Kế toán năm 2015 và các quy định nội bộ của Agribank Việt Nam: Hồ sơ cho vay, thu nợ cá nhân đã thu hết nợ, chứng từ kế toán không sử dụng trực tiếp để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính như phiếu nhập kho, phiếu xuất kho không lưu trong tập tài liệu kế toán của bộ phận kế toán có thời hạn lưu trữ là 05 năm. Do vậy, những hồ sơ tài liệu liên quan đến việc giao nhận tài sản thế chấp vay vốn của ông Hùng đã hết thời hạn lưu trữ nên Ngân hàng không có căn cứ để trả lời ông.
Ngay sau khi có Văn bản Số: 453/NHNoGL-KTKSNB của Agribank Gia Lâm, ông Nguyễn Tiến Mạnh liên tục có đơn gửi đến Agribank Việt Nam và Agribank Gia Lâm đề nghị cung cấp chứng từ chứng minh việc Ngân hàng đã giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp vay vốn cho ông Nguyễn Văn Hùng (bố đẻ ông Mạnh); đến nay việc này vẫn chưa được phía Ngân hàng đáp ứng.
Có thể nói rằng, việc đúng sai của các bên liên quan trong trường hợp này cần có sự phân xử, quyết định của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tuy nhiên, như phía Ngân hàng Agribank Gia Lâm khẳng định “đã hoàn trả lại hồ sơ tài sản theo đúng quy định” thì chỉ cần cung cấp ông Nguyễn Tiến Mạnh Biên bản giao nhận hồ sơ giữa Ngân hàng với ông Nguyễn Văn Hùng (bố đẻ ông Mạnh) để xác nhận thông tin này.
Đồng thời, Agribank Gia Lâm cũng cần phải cho ông Nguyễn Tiến Mạnh biết việc xử lý hồ sơ tài sản của ông Nguyễn Văn Hùng sau thời gian 05 năm ra sao, các tài liệu chứng minh việc này. Đây là những căn cứ để gia đình ông Nguyễn Tiến Mạnh thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp đối với khối tài sản của ông cha để lại đã được ông Nguyễn Văn Hùng (bố đẻ ông Mạnh) thế chấp để vay vốn tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh Gia Lâm - Hà Nội.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899