Ảnh hưởng của IFRS 15 đến các doanh nghiệp Việt Nam khi lập báo cáo tài chính

22/04/2025, 10:39

TCDN - Hiện nay, Việt Nam chưa bắt buộc áp dụng IFRS trong lập BCTC mà vẫn chủ yếu sử dụng Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Tuy nhiên, theo khảo sát của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Deloitte Việt Nam, hơn 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã áp dụng hoặc có kế hoạch chuyển đổi sang IFRS.

TÓM TẮT

IFRS 15 - "Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng" đã thay đổi cách ghi nhận doanh thu của doanh nghiệp (DN), ảnh hưởng trực tiếp đến báo cáo tài chính (BCTC). Nghiên cứu này phân tích tác động của IFRS 15 đến doanh thu, lợi nhuận, bảng CĐKT và BCLLTT của DN, đồng thời đưa ra các khuyến nghị cho DN Việt Nam trong quá trình áp dụng.

1. Giới thiệu

IFRS 15 - “Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng” (Revenue from Contracts with Customers) được ban hành vào ngày 28/5/2014 bởi Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế IASB (International Accounting Standards Board) và có hiệu lực từ 1/1/2018.

Chuẩn mực này ra đời nhằm thay thế các chuẩn mực trước đó về ghi nhận doanh thu, như IAS 18 - Doanh thu (Revenue) và IAS 11 - Hợp đồng xây dựng (Construction Contracts).

Nguyên tắc chính của IFRS 15

IFRS 15 yêu cầu DN ghi nhận doanh thu theo mô hình năm bước như sau:

1.     Xác định hợp đồng với khách hàng.

2.     Xác định nghĩa vụ thực hiện trong hợp đồng.

3.     Xác định giá giao dịch.

4.     Phân bổ giá giao dịch cho từng nghĩa vụ thực hiện.

5.     Ghi nhận doanh thu khi (hoặc khi nào) DN hoàn thành nghĩa vụ thực hiện.

Như vậy, khi áp dụng theo chuẩn mực này sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến các DN có hợp đồng dài hạn hoặc doanh thu theo giai đoạn như bất động sản, viễn thông, phần mềm, xây dựng và dịch vụ tài chính.

2. Ảnh hưởng của IFRS 15 đến việc lập BCTC của các DN tại Việt Nam.

Việc áp dụng IFRS 15 ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của BCTC như báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, bảng cân đối kế toán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và các chỉ tiêu tài chính khác. Cụ thể như sau:

2.1 Ảnh hưởng đến BCKQHĐKD

BCKQHĐKD (Income Statement) phản ánh doanh thu, chi phí và lợi nhuận của DN trong kỳ. IFRS 15 có tác động đáng kể đến các chỉ tiêu trong báo cáo này, chủ yếu thông qua thay đổi cách ghi nhận doanh thu và chi phí liên quan.

Đầu tiên phải kể đến việc ảnh hưởng đến doanh thu thuần trên BCKQKD. Theo IFRS 15, doanh thu được ghi nhận khi nghĩa vụ thực hiện hợp đồng được hoàn thành, thay vì khi có hóa đơn hoặc nhận thanh toán. Điều này có thể khiến doanh thu được ghi nhận sớm hơn hoặc muộn hơn so với các chuẩn mực trước đây (VAS hoặc IAS 18). Các ngành như phần mềm, viễn thông, xây dựng và bất động sản chịu ảnh hưởng lớn vì thường có hợp đồng dài hạn. Trước đây, một số DN có thể ghi nhận toàn bộ doanh thu khi giao hàng hoặc cung cấp dịch vụ. Thì với IFRS 15, doanh thu có thể bị chia nhỏ theo thời gian nếu nghĩa vụ hợp đồng được thực hiện dần dần. Điều này có thể gây biến động doanh thu giữa các kỳ, ảnh hưởng đến dự báo tài chính và kế hoạch kinh doanh.

Tiếp đó sẽ bị ảnh hưởng đến lợi nhuận gộp của DN. Do khi doanh thu thay đổi thì giá vốn cũng có thể thay đổi để đảm bảo phù hợp với nguyên tắc matching phù hợp giữa doanh thu và chi phí trong kế toán. Lợi nhuận có thể biến động nhiều hơn do IFRS 15 yêu cầu phân bổ doanh thu dựa trên giá trị thực của nghĩa vụ thực hiện thay vì chỉ dựa vào thời điểm lập hóa đơn. Ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng và thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) từ đó dẫn đến việc định giá cổ phiếu và chiến lược tài chính của DN sẽ phải thay đổi. Các nhà đầu tư cần điều chỉnh mô hình định giá DN để phản ánh cách ghi nhận doanh thu mới. IFRS 15 yêu cầu DN cung cấp thông tin chi tiết hơn về doanh thu, bao gồm: Phân loại doanh thu theo hợp đồng, sự thay đổi doanh thu giữa các kỳ, các khoản giảm trừ doanh thu, chiết khấu, hoàn trả khách hàng. Điều này giúp tăng tính minh bạch cho BCTC nhưng cũng tạo thêm gánh nặng báo cáo và kiểm toán cho DN.

2.2 Ảnh hưởng đến bảng CĐKT của DN

IFRS 15 không chỉ tác động đến BCKQKD mà còn ảnh hưởng đáng kể đến các khoản mục trong bảng CĐKT (Balance Sheet). Những thay đổi này liên quan đến tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu, đặc biệt là cách ghi nhận các khoản phải thu, nghĩa vụ hợp đồng và doanh thu hoãn lại.

Trước tiên IFRS 15 sẽ ảnh hưởng đến tài sản của DN. Cụ thể là các khoản phải thu thương mại (Accounts Receivable), Tài sản hợp đồng (Contract Assets), Chi phí hợp đồng (Contract Costs)... Theo IFRS 15, doanh thu chỉ được ghi nhận khi DN đã hoàn thành nghĩa vụ thực hiện hợp đồng và khách hàng có nghĩa vụ thanh toán. Điều này có thể làm giảm các khoản phải thu thương mại, vì chỉ khi quyền thu tiền là chắc chắn thì khoản mục này mới được ghi nhận. IFRS 15 yêu cầu ghi nhận tài sản hợp đồng khi DN đã thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng nhưng chưa có quyền thu tiền ngay. Trước đây, khoản này có thể đã được ghi nhận vào các khoản phải thu hoặc doanh thu dồn tích, nhưng IFRS 15 phân biệt rõ giữa tài sản hợp đồng và khoản phải thu. Điều này thường gặp trong các ngành như xây dựng, công nghệ và dịch vụ tài chính, nơi hợp đồng có nhiều giai đoạn thực hiện. Ngoài ra, IFRS 15 còn cho phép DN ghi nhận chi phí hợp đồng như một tài sản nếu chi phí đó có thể thu hồi được và liên quan trực tiếp đến hợp đồng. Những chi phí này bao gồm chi phí thu hút khách hàng (Cost to obtain a contract) và chi phí thực hiện hợp đồng (Cost to fulfill a contract). Trước đây, các khoản này có thể bị ghi nhận ngay vào chi phí hoạt động, nhưng IFRS 15 yêu cầu phân bổ dần vào chi phí theo thời gian thực hiện hợp đồng.

Tiếp theo sẽ ảnh hưởng đến nợ phải trả của DN như: nghĩa vụ hợp đồng (Contract Liabilities), Dự phòng hoàn trả khách hàng (Refund Liabilities). Theo IFRS 15 yêu cầu ghi nhận nghĩa vụ hợp đồng khi DN đã nhận tiền từ khách hàng nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng. Điều này dẫn đến việc gia tăng doanh thu chưa thực hiện (Deferred Revenue) trong bảng CĐKT. Trước đây, nhiều DN có thể đã ghi nhận ngay phần doanh thu này, nhưng IFRS 15 yêu cầu hoãn lại cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng. Ngoài ra, IFRS 15 yêu cầu DN ghi nhận một khoản dự phòng hoàn trả nếu có khả năng hoàn trả một phần doanh thu cho khách hàng (ví dụ: chương trình khuyến mãi, chính sách đổi trả..). Trước đây, các khoản này có thể được ghi nhận khi thực sự phát sinh, nhưng IFRS 15 yêu cầu ước tính và ghi nhận trước, làm tăng tổng nợ phải trả trên bảng CĐKT.

Tiếp đó sẽ ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu của DN như : Lợi nhuận giữ lại (Retained Earnings), Biến động trong ROA và ROE … IFRS 15 yêu cầu điều chỉnh lại doanh thu trong các kỳ trước, điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận giữ lại. Một số DN có thể phải ghi nhận điều chỉnh hồi tố (Retrospective adjustment), làm thay đổi giá trị vốn chủ sở hữu. Khi tài sản hợp đồng tăng lên và các khoản phải thu giảm, tổng tài sản có thể bị điều chỉnh, ảnh hưởng đến chỉ số ROA (Return on Assets). Khi lợi nhuận ròng thay đổi do cách ghi nhận doanh thu mới, tỷ suất ROE (Return on Equity) có thể biến động, ảnh hưởng đến đánh giá tài chính của DN.

Cuối cùng sẽ tác động đến tỷ lệ tài chính và báo cáo quản trị của DN. Do những thay đổi trong cách ghi nhận tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu, IFRS 15 có thể ảnh hưởng đến một số chỉ số tài chính quan trọng: như Tỷ lệ nợ trên vốn (Debt-to-Equity Ratio), Chỉ số thanh khoản (Current Ratio), Tỷ lệ doanh thu trên tài sản (Asset Turnover Ratio)… Tỷ lệ nợ trên vốn có thể thay đổi nếu doanh thu chưa thực hiện tăng lên, làm tăng tổng nợ phải trả. Chỉ số thanh toán có thể bị ảnh hưởng nếu tài sản hợp đồng tăng lên, nhưng DN không có quyền thu ngay tiền mặt. Và tỷ lệ doanh thu trên tài sản củ DN có thể thay đổi do biến động trong ghi nhận doanh thu và tài sản hợp đồng.

2.3 Ảnh hưởng của IFRS 15 đến BCLLTT

BCLLTT (Cash Flow Statement) phản ánh dòng tiền ra, vào DN, phân loại thành dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính. Mặc dù IFRS 15 không thay đổi lượng tiền thực tế DN thu và chi, nhưng có thể ảnh hưởng đến cách trình bày dòng tiền, đặc biệt là trong dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Cụ thể như: ảnh hưởng đến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (Operating Cash Flows), dòng tiền từ hoạt động đầu tư (Investing Cash Flows), dòng tiền từ hoạt động tài chính (Financing Cash Flows),...

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ảnh hưởng từ thay đổi doanh thu và khoản phải thu. IFRS 15 yêu cầu doanh thu được ghi nhận khi nghĩa vụ hợp đồng được hoàn thành, thay vì khi nhận thanh toán. Điều này có thể làm thay đổi sự tương quan giữa doanh thu và dòng tiền mặt, đặc biệt trong các DN có hợp đồng dài hạn hoặc chính sách thanh toán trả chậm có thể giảm, nhưng tài sản hợp đồng (Contract Assets) có thể tăng, ảnh hưởng đến thay đổi vốn lưu động và dòng tiền kinh doanh. Ảnh hưởng từ nghĩa vụ hợp đồng và doanh thu chưa thực hiện sẽ được ghi nhận là nghĩa vụ hợp đồng (Contract Liabilities) nếu DN nhận tiền trước nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng. Điều này có thể làm tăng dòng tiền kinh doanh nhưng không làm tăng doanh thu ngay lập tức, khiến sự chênh lệch giữa dòng tiền và lợi nhuận kế toán trở nên rõ rệt hơn.

Ở dòng tiền từ hoạt động đầu tư, IFRS 15 yêu cầu DN ghi nhận một số chi phí hợp đồng (Contract Costs) như tài sản và phân bổ dần theo thời gian. Điều này có thể khiến một số khoản chi phí được chuyển từ chi phí hoạt động kinh doanh sang dòng tiền đầu tư, làm thay đổi cấu trúc dòng tiền giữa các hoạt động.

Ở dòng tiền từ hoạt động tài chính, IFRS 15 không tác động trực tiếp đến dòng tiền tài chính. Tuy nhiên, nếu doanh thu bị trì hoãn hoặc doanh thu chưa thực hiện tăng lên, DN có thể cần vay thêm vốn ngắn hạn để đảm bảo dòng tiền, từ đó làm thay đổi dòng tiền tài chính.

3. Thực trạng và thách thức khi áp dụng IFRS 15 tại Việt Nam

3.1 Thực trạng áp dụng IFRS 15 tại Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam chưa bắt buộc áp dụng IFRS trong lập BCTC mà vẫn chủ yếu sử dụng Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Tuy nhiên, theo khảo sát của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Deloitte Việt Nam, hơn 50% DN tham gia khảo sát đã áp dụng hoặc có kế hoạch chuyển đổi sang IFRS, chủ yếu là DN ODA, DN niêm yết và tập đoàn kinh tế nhà nước.

Từ năm 2025, IFRS sẽ trở thành bắt buộc đối với một số loại hình DN như công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước, công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn. Các DN khác có thể tự nguyện áp dụng IFRS để nâng cao tính minh bạch trong BCTC và tăng cường khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.

IFRS 15 – Chuẩn mực về doanh thu từ hợp đồng với khách hàng, có ảnh hưởng lớn đến việc ghi nhận và trình bày doanh thu của DN. Các công ty niêm yết, công ty có vốn đầu tư nước ngoài và DN lớn đang tiên phong trong việc triển khai IFRS 15 để nâng cao tính minh bạch và đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, đa số DN Việt Nam vẫn đang áp dụng IFRS theo hình thức bút toán chuyển đổi từ VAS sang IFRS thay vì áp dụng trực tiếp từ đầu. Điều này cho thấy mức độ hội nhập IFRS còn hạn chế, đặc biệt với DN vừa và nhỏ.

3.2. Thách thức khi áp dụng IFRS 15 tại Việt Nam

Việc áp dụng IFRS 15 tại Việt Nam hiện nay còn gặp mặt số khó khăn từ những nguyên nhân sau:

- Sự khác biệt giữa IFRS và VAS

VAS được mô phỏng từ các chuẩn mực kế toán quốc tế trước năm 2003 và đã điều chỉnh theo bối cảnh kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, IFRS, đặc biệt là IFRS 15, yêu cầu DN ghi nhận doanh thu dựa trên bản chất giao dịch thay vì các nguyên tắc kế toán truyền thống.

- Thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn cao

Việc triển khai IFRS 15 đòi hỏi đội ngũ kế toán, kiểm toán phải có kiến thức chuyên sâu và khả năng sử dụng tiếng Anh để hiểu và áp dụng các quy định của IFRS. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thiếu hụt nhân sự có trình độ IFRS, gây khó khăn trong việc triển khai.

- Chi phí áp dụng cao

DN cần đầu tư lớn để đào tạo nhân sự, nâng cấp hệ thống phần mềm kế toán, thay đổi quy trình hạch toán và trình bày BCTC theo IFRS 15. Quá trình chuyển đổi từ VAS sang IFRS có thể kéo dài từ 3 – 6 tháng, tạo gánh nặng tài chính cho DN.

- Thách thức về hệ thống công nghệ thông tin

IFRS 15 yêu cầu DN có hệ thống thu thập và xử lý dữ liệu chính xác, đồng thời phải có phần mềm kế toán phù hợp để đáp ứng các yêu cầu báo cáo mới. Tuy nhiên, nhiều DN Việt Nam chưa có hệ thống phần mềm đủ mạnh để hỗ trợ quá trình chuyển đổi.

- Thiếu hướng dẫn và khung pháp lý cụ thể

Mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành Đề án áp dụng IFRS, nhưng vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết cho từng lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, DN gặp khó khăn trong việc giải thích và vận dụng IFRS 15 vào thực tiễn.

4. Khuyến nghị cho DN Việt Nam

+     Xây dựng kế hoạch chuyển đổi: DN nên có lộ trình rõ ràng để áp dụng IFRS 15 nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực đến BCTC.

+     Đào tạo nhân sự: DN cần tập trung vào việc đánh giá trình độ hiện tại của đội ngũ kế toán từ đó đề ra kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ của đội ngũ kế toán và kiểm toán về IFRS 15. Tăng cường tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho nhân viên kế toán, tài chính và quản lý cấp cao.

+     Nâng cấp hệ thống kế toán: DN cần đánh giá lại hệ thống kế toán hiện tại. Từ đó đưa ra kế hoạch nâng cấp hoặc thay đổi phần mềm kế toán để hỗ trợ xử lý dữ liệu doanh thu phù hợp với chuẩn mực mới. sử dụng hệ thống ERP để đáp ứng các yêu cầu BCTC theo IFRS.

+     Tăng cường minh bạch trong BCTC: IFRS 15 yêu cầu DN cung cấp thêm thông tin bổ sung về hợp đồng, ảnh hưởng đến doanh thu, do đó DN cần cải thiện chất lượng thuyết minh BCTC, tăng cường hệ thống kiểm soát nội bộ trong DN..

5. Kết luận

Việc áp dụng IFRS 15 tại Việt Nam là một xu hướng tất yếu nhằm nâng cao tính minh bạch và chuẩn hóa BCTC. Tuy nhiên, DN vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức về nhân lực, chi phí và hệ thống quản lý. Để quá trình chuyển đổi hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa DN, cơ quan quản lý và tổ chức đào tạo chuyên môn. Việc hiểu và triển khai đúng chuẩn mực này sẽ giúp các công ty nâng cao độ tin cậy của BCTC và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bằng cách áp dụng kế hoạch chuyển đổi có cấu trúc, đầu tư vào đào tạo nhân viên, nâng cấp hệ thống kế toán và đảm bảo BCTC minh bạch, các DN Việt Nam có thể tuân thủ hiệu quả IFRS 15 trong khi tối ưu hóa hiệu quả tài chính của mình. Việc chuẩn bị kỹ càng sẽ giúp DN Việt Nam giảm thiểu rủi ro khi chuyển đổi sang IFRS 15, đồng thời tận dụng được các lợi ích mà chuẩn mực này mang lại như tăng cường tính minh bạch và cải thiện khả năng huy động vốn trên thị trường quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.       IFRS Foundation. (2018). IFRS 15: Revenue from Contracts with Customers.

2.       Bộ Tài chính Việt Nam. (2023). Đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam.

3.       KPMG, PwC, Deloitte, EY (2022). Báo cáo tác động của IFRS 15 đến DN Việt Nam.

ThS. Tô Thị Thư Nhàn

Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TPHCM

Báo in số tháng 4/2025

Bạn đang đọc bài viết Ảnh hưởng của IFRS 15 đến các doanh nghiệp Việt Nam khi lập báo cáo tài chính tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

x