Ba Lan muốn xuất khẩu thêm nhiều nông sản sang Việt Nam

25/02/2023, 16:06
báo nói -

TCDN - Đất nước Ba Lan với thế mạnh về sản xuất nông sản, thực phẩm như thịt heo, thịt gà, thịt bò, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa mong muốn gia tăng xuất khẩu vào Việt Nam.

Tại hội thảo Kết nối kinh doanh Việt Nam – Ba Lan diễn ra tại Tp.HCM, ông Alexander Nowakowki, Bí thư thứ hai – Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) đã giúp cho việc giao thương của hai nước trở nên rất thuận lợi.

Mối quan hệ hợp tác 70 năm cộng với việc nhiều người Việt sinh sống, học tập tại Ba Lan rồi sau đó về Việt Nam phát triển kinh tế càng góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên.

“Tôi mong muốn một ngày nào đó, bánh mì, phở của Việt Nam sẽ được chế biến từ các sản phẩm của Ba Lan như thịt heo, thịt bò, thịt gà. Đây là những sản phẩm vô cùng thơm ngon, chất lượng và an toàn của chúng tôi”, ông Alexander Nowakowki nói.

Ba Lan và Việt Nam liên tục triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên. Ảnh: Đại Việt.

Ba Lan và Việt Nam liên tục triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên. Ảnh: Đại Việt.

Còn theo ông Lech Kolakowski, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ba Lan, quốc gia này đang khuyến khích các doanh nghiệp Ba Lan phát triển, hợp tác với Việt Nam để xuất khẩu thực phẩm, nông sản. Việt Nam là đối tác quan trọng và lâu dài của Ba Lan.

Bộ Nông nghiệp Ba Lan đã trao đổi với ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tăng cường việc xuất khẩu thịt bò, thịt ngỗng trong thời gian tới.

“Tôi hi vọng sẽ có nhiều thực phẩm của Ba Lan trên bàn ăn của người Việt Nam. Chúng tôi đang là quốc gia dẫn đầu Liên minh Châu Âu về sản xuất thịt heo, bò, gà và các sản phẩm sữa, chế biến từ sữa. Ba Lan đang xuất khẩu sang 200 thị trường trên toàn thế giới”, ông Lech Kolakowski nói.

Theo ông Lech Kolakowski, các sản phẩm của Ba Lan và Việt Nam không hề cạnh tranh nhau, bởi nhiều sản phẩm do Ba Lan sản xuất thì Việt Nam không có và ngược lại. Ba Lan cũng ủng hộ hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Châu Âu nhiều hơn để người dân Châu Âu có thể biết đến hàng hóa chất lượng của Việt Nam.

Ba Lan là quốc gia sản xuất thịt lớn hàng đầu của Liên minh Châu Âu.

Ba Lan là quốc gia sản xuất thịt lớn hàng đầu của Liên minh Châu Âu.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Tp.HCM đánh giá, Ba Lan hiện là bạn hàng số 1 của Việt Nam tại khu vực Đông Âu và nước ta là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài Liên minh châu Âu (EU)

Ông Nam cho rằng, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ba Lan tuy có bước phát triển đáng kể nhưng vẫn chưa xứng tầm với quan hệ hữu nghị truyền thống và tiềm năng phát triển của hai bên. Một trong những "rào cản" cơ bản chính là việc hai bên thiếu thông tin về thị trường của nhau.

Do vậy, việc các cơ quan xúc tiến thương mại của Ba Lan thường xuyên phối hợp cùng VCCI tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nối sẽ là kênh thông tin hiệu quả và thiết thực về tiềm năng và cơ hội hợp tác kinh doanh giữa hai nước.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, ông Nam đánh giá, Việt Nam và Ba Lan đều là hai quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực này, nhưng sản phẩm của hai bên về cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà hỗ trợ hiệu quả cho nhau. Ba Lan có nhu cầu lớn với các mặt hàng của Việt Nam như: cá tra, cá basa, tôm, cà phê, hạt tiêu, gạo, chè, sản phẩm xoài, dứa, chanh leo…

Ngược lại, Ba Lan có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều mặt hàng như thực phẩm tươi - chế biến, trái cây tươi - đóng hộp, chiết xuất trái cây đậm đặc, thịt bò, thịt cừu, thịt heo... Với kinh nghiệm phát triển nông nghiệp bằng công nghệ cao nhiều năm của Ba Lan, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm để cải tiến công nghệ nông nghiệp bao gồm đầu tư vào nông nghiệp chuyên ngành, phân bón và máy móc.

Theo VCCI, năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ba Lan đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Ba Lan xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam với tổng trị giá đạt trên 375 triệu USD, giảm 26,4% so với cùng kỳ năm 2021. Chiều ngược lại, Ba Lan nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam với tổng trị giá đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong thương mại hai chiều, Ba Lan luôn nhập siêu hàng hóa từ Việt Nam, trong đó năm 2022 nhập siêu lớn nhất, đạt trên 1,9 tỷ USD tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh nghiệp của hai nước rất mong muốn Chính phủ, các cơ quan chức năng, các tổ chức xúc tiến thương mại tăng cường nhiều hơn nữa các hoạt động giao thương, kết nối kinh doanh để đẩy mạnh quan hệ thương mại Việt Nam – Ba Lan.

Đại Việt
Bạn đang đọc bài viết Ba Lan muốn xuất khẩu thêm nhiều nông sản sang Việt Nam tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan