Bài 1: Đầu tư tiền ảo: Lừa đảo khắp nơi, nhận ngay trái đắng

21/01/2025, 10:39
báo nói -

TCDN - Trước lời mời chào lãi suất cao, thời gian gần đây một dòng tiền không nhỏ của người dân đang tìm đến các kênh đầu tư như chứng khoán quốc tế, Forex, tiền ảo... nhưng lại chỉ nhận được trái đắng.

Ngậm đắng nuốt cay vì món lời cao

Phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đồng Nai vừa triệt phá bắt 4 đối tượng gồm Trần Minh Quang (41 tuổi), Nguyễn Trung Nam (42 tuổi), Lương Hoài Nam (39 tuổi) cả 3 đều ngụ TP. Biên Hòa và Nguyễn Xuân Toàn (32 tuổi) quê tỉnh Bình Thuận do Trần Minh Quang cầm đầu để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kêu gọi đầu tư tiền ảo đa cấp.

Theo đó, để thực hiện việc lừa đảo huy động vốn, các đối tượng đã lập trang Website đặt tên là “BITMINER”, tiền ảo là: “BINCOIN”. Tiếp đó, Trần Minh Quang cùng đồng bọn lập trang Website lên mạng internet (địa chỉ: https://bitminer.lol), đăng ký tên miền tại Singapore; viết bài giới thiệu và cắm mốc vị trí công ty trên google maps tại DUBAI (các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất) để lừa người chơi là dự án tiền ảo của tổ chức đầu tư nước ngoài, khả năng sinh lợi cao, dễ thu hồi vốn.

lua-dao-1

Với các chiêu trò để tạo lòng tin cho các nạn nhân sập bẫy, các đối tượng phân nhóm quản trị và nhóm phát triển thị trường và chia sẻ lợi nhuận “khủng” để tuyển chọn cộng tác viên kêu gọi người chơi nạp tiền tham gia rồi lập ra các nhóm kín “ĐÀO KIM CƯƠNG”; “TÀI LIỆU BITMINER”; “TIÊU DÙNG THÔNG MINH”; chia sẻ các tài liệu và cài đặt các tài khoản giả lập cho cộng tác viên để lừa người chơi… Ngoài ra, chúng còn tổ chức nhiều buổi hội thảo trực tiếp như như: “ĐÓN ĐẦU XU HƯỚNG KHAI THÁC MỚI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ AI”; “OFFLINE CHIA SẺ CƠ HỘI” …để dẫn dụ, lôi kéo người chơi tham gia tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc, trong đó có TP. Biên Hòa, Tp.HCM, Hà Nội. Bước đầu cơ quan công an đã xác định chúng đã chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng của hơn 200 nạn nhân.

Trước đó, bà T (Hà Nội) thông qua mạng xã hội Facebook kết bạn, trò chuyện với tài khoản "Nguyễn Thị Thùy Dung". Một thời gian sau, người này mời bà T. tham gia đầu tư tiền ảo 5 tỷ đồng sẽ nhận lại được 350.000 USD (khoảng 9 tỷ đồng) thông qua website: mcprimetrusted.com.

Khi bà T. muốn rút số tiền lãi trên, đối tượng lừa đảo yêu cầu trong vòng 5 tiếng phải đóng tiếp 20% tổng số dư tài khoản tương ứng 1,8 tỷ đồng. Đồng thời yêu cầu bà đóng 15% tiền mua bảo hiểm tiền gửi tương ứng 1,6 tỷ đồng và nộp tiếp 3% tương ứng 360 triệu đồng tiền phí để chuyển nhanh tiền về tài khoản cá nhân. Tin tưởng, bà T. tiếp tục nộp 1,2 tỷ đồng nhưng vẫn không rút được ra.

Tình trạng lừa đảo thông qua đầu tư tài sản ảo, tiền ảo… không phải mới xảy ra. Đã rất nhiều nạn nhân bị lừa đảo với số tiền lớn. Gần đây nhất, công an Hà Nội khởi tố vụ án với Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips) (sinh năm 1990, ở Bà Rịa-Vũng Tàu), Lê Khắc Ngọ (sinh năm 1990, ở Hà Nội) và 24 người khác về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Không tố giác tội phạm" và "Rửa tiền". Phó Đức Nam liên kết với 1 đối tượng quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ lập 44 văn phòng tại Việt Nam trong đó 24 văn phòng tại Hà Nội, 20 văn phòng tại các tỉnh, thành phố khác và 1.000 nhân viên hoạt động, các đối tượng đã dụ dỗ khách hàng đầu tư tài chính, chứng khoán quốc tế với lãi suất cao.

Theo đó, khi khách hàng giao dịch thua lỗ, thậm chí thua hết tiền trong tài khoản (các đối tượng gọi là "cháy" tài khoản), các đối tượng cung cấp các thông tin sai sự thật để khách hàng tiếp tục có niềm tin, chuyển thêm tiền để "gỡ". Đến khi khách hàng không còn khả năng về tài chính thì các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách đã chuyển. Cơ quan công an đã xác định được 2.661 bị hại trên toàn quốc; đã thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản của các đối tượng, ước tính hơn 5.200 tỷ đồng.

Không để Việt Nam trở thành nơi trốn thuế của các nhà kinh doanh tiền số

Thủ đoạn lừa đảo này của các đối tượng như Tiktoker Mr Pips đã nhiều lần được Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo khi kịch bản chung đều nhắm đến lòng tham, sự nhẹ dạ cả tin và thiếu cẩn trọng của nạn nhân để dụ dỗ, từng bước chiếm đoạt tài sản.

lua-dao

Mới đây nhất, sau vụ Tiktoker Mr Pips, Cục An toàn Thông tin cho biết, để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng đã cung cấp thông tin sai sự thật liên quan đến các sàn đầu tư chứng khoán. Ban đầu, nhóm đối tượng dùng các thủ đoạn để dụ dỗ khách hàng giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp, có lãi và rút tiền được, sau đó thúc đẩy tăng vốn giao dịch. Khi khách hàng không còn khả năng về tài chính thì các đối tượng can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách đã chuyển.

Bên cạnh đó, các sàn giao dịch lừa đảo không có giấy phép hoạt động rõ ràng, lợi nhuận hứa hẹn quá cao và thường yêu cầu nạp tiền liên tục. Khi người dân đầu tư bị thua lỗ, các đối tượng lừa đảo sẽ tiếp tục thuyết phục nạn nhân nạp thêm tiền để "gỡ gạc". Đây chính là một lời cảnh tỉnh về những mối nguy hiểm khi tham gia các hoạt động đầu tư trực tuyến.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay các đồng tiền ảo đang được giao dịch tại các sàn ngoại hối có trụ sở ở nước ngoài và không có đại diện tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa công nhận tài sản số. Do đó, khi xảy ra rủi ro, nhà đầu tư phải tự chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, việc Việt Nam chưa công nhận tài sản ảo, tiền ảo cũng có thể xảy ra nguy cơ thất thu thuế hoặc gian lận, thao túng thị trường…

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, trên thị trường có hiện tượng một số cá nhân tự nhận là nhân viên của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ gọi điện thoại để mời chào người dân đầu tư chứng khoán thông qua việc tham gia vào các diễn đàn, hội nhóm trên các mạng xã hội như facebook, zalo…hoặc tải, cài đặt, sử dụng các ứng dụng (app) giao dịch.

Theo đó, các đối tượng này giới thiệu cho người dân về cơ hội đầu tư chứng khoán, đồng thời mời gọi tham gia vào các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội để nhận được tư vấn đầu tư chứng khoán, giao dịch chứng khoán hoặc thực hiện tải, cài đặt, sử dụng các ứng dụng (app) giao dịch.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến cáo người dân nâng cao ý thức cảnh giác khi nhận cuộc gọi điện thoại của người lạ; cẩn trọng, cân nhắc tránh bị lôi kéo, tham gia các ứng dụng (app), diễn đàn, hội nhóm trên không gian mạng với mục đích đầu tư chứng khoán.

Khi tham gia thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cần trang bị cho mình kiến thức về chứng khoán, thị trường chứng khoán và tìm hiểu thông tin liên quan đến thị trường chứng khoán tại các kênh chính thống của cơ quan quản lý, đơn vị vận hành thị trường và các tổ chức kinh doanh chứng khoán có chức năng tư vấn, môi giới chứng khoán đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về đầu tư tiền ảo, chỉ sau Mỹ. Việc để trống hành lang pháp lý cho tiền số khiến Việt Nam đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho những người kinh doanh tiền ảo.

“Với tiền số, chúng ta cần phải có thái độ rõ ràng, cần nghiên cứu, tính toán để có định hướng thu thuế, nhiều nước trong khu vực đã có quy định về vấn đề này, không để Việt Nam trở thành nơi trốn thuế của các nhà kinh doanh tiền số. Tất nhiên, đây là vấn đề khó nhưng cần phải tập trung giải quyết”, ông Nguyễn Văn Thân đề nghị.   

Bài 2: Thiếu hụt khung pháp lý tạo môi trường “màu mỡ” cho lừa đảo 

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Bài 1: Đầu tư tiền ảo: Lừa đảo khắp nơi, nhận ngay trái đắng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan