Bài 1: “Mở đường” cho khoa học và công nghệ phát triển
TCDN - Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định tới sự phát triển của mỗi quốc gia. Nhưng để thúc đẩy được “động lực” đó đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách tài chính, thuế đặc biệt để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông giúp khoa học, công nghệ bứt phá.
Chủ trương đúng
Thời gian qua, Đảng, nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển…
Một trong những nguyên nhân được Tổng bí thư Tô Lâm chỉ ra đó là điểm nghẽn của thể chế. Chính vì vậy, ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị khẳng định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.

(Ảnh minh họa)
Để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, Bộ Chính trị yêu cầu khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về khoa học, công nghệ, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế… để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, phát triển nguồn nhân lực; cải cách phương thức quản lý, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phù hợp với từng loại hình nghiên cứu; cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đơn giản hoá tối đa các thủ tục hành chính; giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp bằng việc có cơ chế, chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển một số doanh nghiệp công nghệ số chiến lược trong nước quy mô lớn để phát triển hạ tầng số, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia và đủ năng lực cạnh tranh quốc tế; cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ số thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm về chuyển đổi số; cơ chế ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế trong nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng, phát triển, sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số. Phát triển một số khu công nghiệp công nghệ số. Thúc đẩy doanh nghiệp tái đầu tư hạ tầng, đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D).
Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong đó có chính sách thuế đối với khoa học và công nghệ. Cụ thể, bổ sung các chính sách tháo gỡ điểm nghẽn và hoàn thiện Luật Công nghiệp công nghệ số trình Quốc hội ban hành trong đó thí điểm có sự giám sát của nhà nước; cơ chế miễn trừ trách nhiệm trong việc thử nghiệm công nghệ số mới, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số; cơ chế ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế trong nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng, phát triển công nghệ số chiến lược, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp dữ liệu lớn, công nghiệp an toàn, an ninh mạng, công nghiệp Internet vạn vật (IoT).
Xây dựng chính sách ưu đãi về thuế đối với các hoạt động đầu tư, mua, thuê các sản phẩm, dịch vụ số.
Rà soát, sửa đổi quy định về thuế TNDN theo hướng loại bỏ đối tượng áp dụnglà các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận; sửa đổi các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng giao quyền tự chủ cao cho các cơ sở giáo dục đại học công lập. Rà soát, sửa đổi các quy định về ưu đãi thuế và tín dụng cho các hoạt động đầu tư, tài trợ, hợp tác đào tạo và nghiên cứu của doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục đại học, tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi về thuế, cơ chế tài chính để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các mô hình hợp tác công tư (PPP) trong đào tạo nhân lực công nghệ số, xây dựng quy chế phối hợp giữa các bên (nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu).
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã được ban hành cuối năm 2024, nhưng để đi vào cuộc sống không thể chờ đợi sửa đổi các luật liên quan (dự kiến đến cuối năm 2025 mới hoàn thành), khi đó không còn ý nghĩa của tinh thần của Nghị quyết số 57 đã nêu.
Vì vậy, đòi hỏi phải có một văn bản để khẩn trương đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống. Quy trình sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ và các luật liên quan mất nhiều thời gian, có thể mất cả năm. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường.
Theo đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tại Nghị quyết này, Quốc hội đã đồng ý, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ: Các khoản tài trợ của doanh nghiệp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, khoản chi dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được tính vào các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế TNCN.
Nhiều chính sách ưu đãi thuế hỗ trợ phát triển
Tại Việt Nam, quan điểm, định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và được cụ thể hóa tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 năm 2011 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa 11 đã xác định: Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách, có vai trò then chốt phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả…

(Ảnh minh họa)
Ngân sách nhà nước dành từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm và tăng dần theo sự phát triển khoa học và công nghệ với nhiều chính sách quan trọng nhằm phát triển khoa học và công nghệ. Bên cạnh các chính sách nêu trên nhà nước còn quy định các chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ để phát triển khoa học và công nghệ như ưu đãi về thuế suất thuế Thuế TNDN, ưu đãi miễn, giảm và các ưu đãi về thuế TNDN khác có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian hoạt động của dự án; Miễn giảm thuế xuất nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và chính sách khấu hao nhanh, tăng chi phí được trừ khi tính thuế TNDN...
Đáng chú ý, lĩnh vực khoa học và công nghệ được áp dụng với những chính sách ưu đãi đặt biệt cho một số dự án nếu đáp ứng điều kiện nhằm thu hút đầu tư và FDI với mức thuế suất thuế TNDN từ 5% đến 9% trong 30 đến 37 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 06 năm đến 10 năm tiếp theo cũng như các ưu đãi về miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước từ 18 năm đến 22 năm và giảm 55% đến 75% cho thời gian còn lại và nhiều chính sách ưu đãi khác.
Song song với các ưu đãi đặc biệt về thuế thì khoa học và công nghệ còn được hưởng các chính sách ưu đãi phổ thông với mức ưu đãi cao nhất áp dụng cho nhiều đối tượng như thuế suất thuế TNDN là 10% trong thời hạn 15 năm và miễn thuế 04 năm, giảm thuế 50% trong 09 năm tiếp theo hoặc thu nhập từ Chuyển giao công nghệ tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được giảm 50% số thuế TNDN phải nộp tính trên phần thu nhập từ Chuyển giao công nghệ và; Thu nhập của Doanh nghiệp khoa học và công nghệ đáp ứng điều kiện và tiêu chuẩn của Luật Khoa học và Công nghệ cũng được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN trong 9 năm tiếp theo.
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn được miễn giảm tiền thuê đất theo Pháp luật đất đai và được ưu đãi thuế xuất nhập khẩu, được hỗ trợ kinh phí mua nguyên, nhiên vật liệu, chi phí nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ... được hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ hoặc được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo Pháp luật về lệ phí trước bạ.
Ngoài ra, nhà nước còn có nhiều chính sách lĩnh vực khoa học và công nghệ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT, hỗ trợ vay vốn, tiếp cận tín dụng, ưu đãi lãi suất, ưu tiên xử lý thủ tục hành chính…
Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ gặp rất nhiều khó khăn như ưu đãi chưa bao phủ các đối tượng, mức ưu đãi còn hạn chế, chưa thực chất và hiệu quả, cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ chưa được như kỳ vọng…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899