Bất chấp Covid-19, trái phiếu bằng đồng nội tệ khu vực Đông Á mới nổi gia tăng

25/09/2020, 09:39
báo nói -

TCDN - Theo báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố, trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành trên các thị trường Đông Á mới nổi đạt 17,2 nghìn tỉ USD vào cuối tháng 6, tăng 5,0% so với tháng 3 năm nay và cao hơn 15,5% so với tháng 6 năm 2019.

Tính theo tỉ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội khu vực, trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành của khu vực Đông Á mới nổi đã đạt tới 91,1% vào cuối tháng 6, so với mức 87,8% hồi tháng 3, chủ yếu là do lượng tiền lớn cần thiết để chống lại đại dịch và giảm thiểu tác động của nó. Lượng phát hành trái phiếu trong khu vực đạt 2 nghìn tỉ trong quý II, tăng 21,3% so với quý I năm nay. Trung Quốc vẫn là nơi có thị trường trái phiếu lớn nhất của khu vực, chiếm tới 76,6% tổng lượng trái phiếu của khu vực tính tới cuối tháng 6.

Đáng chú ý theo báo cáo, việc cải thiện tâm lý của các nhà đầu tư và điều kiện tài chính toàn cầu đã tạo ra sự gia tăng hết sức cần thiết cho các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ tại khu vực Đông Á mới nổi, bất chấp những nguy cơ từ đại dịch vi-rút corona (COVID-19).

Trái phiếu bằng đồng nội tệ khu vực Đông Á mới nổi đang có dấu hiệu tăng trưởng.

Trái phiếu bằng đồng nội tệ khu vực Đông Á mới nổi đang có dấu hiệu tăng trưởng.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định: “Các chính phủ trong khu vực đã rất linh hoạt khi ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 thông qua một loạt các giải pháp chính sách, bao gồm nới lỏng tiền tệ và kích thích tài chính. Điều hết sức quan trọng là các chính phủ và ngân hàng trung ương cần duy trì lập trường chính sách tiền tệ mang tính thích ứng và bảo đảm đủ thanh khoản để hỗ trợ sự ổn định tài chính và phục hồi kinh tế”.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của ADB, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam đã giảm 1,7% tại thời điểm cuối tháng 6 năm nay, đạt 58,2 tỉ USD, sau khi có được mức tăng trưởng hằng quý lành mạnh là 10,4% trong quý I. Điều này chủ yếu là do khối lượng trái phiếu đang lưu hành thấp hơn trong khu vực chính phủ, ngay cả khi lượng trái phiếu doanh nghiệp gia tăng.

Tính tới cuối tháng 6 năm 2020, trái phiếu chính phủ Việt Nam đã thu hẹp 7,8% so với quý trước, đạt mức 50,1 tỉ USD – chiếm 86,2% tổng lượng trái phiếu toàn quốc. Tuy nhiên, trong quý II, trái phiếu doanh nghiệp đã tăng mạnh ở mức 65,6% so với quý trước, đạt 8 tỉ USD. Nếu tính theo năm, mức tăng trưởng trái phiếu doanh nghiệp đạt 76% vào cuối tháng 6 năm 2020.

Lượng trái phiếu chính phủ đang lưu hành của khu vực đã đạt 10,5 nghìn tỉ USD vào cuối tháng 6, bằng 60,8% tổng giá trị trái phiếu của khu vực. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp đạt 6,7 nghìn tỉ USD.

Khu vực Đông Á mới nổi bao gồm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc); Hồng Kông, Trung Quốc; Indonesia; Hàn Quốc; Malaysia; Philippines; Singapore; Thái Lan và Việt Nam.

ADB đang dự báo mức giảm 0,7% cho Châu Á đang phát triển trong năm 2020 do rủi ro tiêu cực lớn nhất đối với sự ổn định tài chính là đại dịch COVID-19 kéo dài và tồi tệ hơn, có thể làm suy yếu triển vọng kinh tế của khu vực. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm khả năng bất ổn xã hội do tác động kinh tế của đại dịch, cũng như những căng thẳng tiếp tục giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng làm ảnh hưởng tới sự phát triển của khu vực.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Bất chấp Covid-19, trái phiếu bằng đồng nội tệ khu vực Đông Á mới nổi gia tăng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Rủi ro khi chuyển từ tiết kiệm sang trái phiếu doanh nghiệp
Lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đang có xu hướng giảm khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân chuyển sang kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây có thể là kênh đầu tư đầy rủi ro nếu như nhà đầu tư không phân tích thông tin tốt.
Tháng 8, huy động trái phiếu Chính phủ giảm 61%
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tháng 8/2020 đã tổ chức 16 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành, huy động được 22.850 tỷ đồng, giảm 61% so với tháng trước.