Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT đối với xăng dầu
TCDN - Nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế GTGT đối với xăng dầu.
Mới đây, Bộ Tài chính cho hay, cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 và giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất thêm các giải pháp về thuế để góp phần giảm giá xăng dầu bao gồm giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế GTGT đối với xăng dầu.
Bộ Tài chính cho biết, qua nghiên cứu phản ứng chính sách của các nước cho thấy, để giảm thiểu tác động tiêu cực do giá xăng dầu tăng cao, các nước đã thực hiện điều chỉnh chính sách thuế tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể. Đối với biện pháp thuế GTGT, tại Bỉ thực hiện giảm thuế GTGT khí đốt xuống 6% từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/9/2022. Trong khi đó tại Croatia thực hiện giảm thuế GTGT đối với khí đốt và nhiệt từ 25% xuống 13%. Ba Lan giảm thuế suất thuế GTGT đối với xăng và dầu diesel giảm từ 23% xuống 8% trong 6 tháng từ ngày 1/2/2022);... theo Tạp chí Thuế.
Đối với việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cũng được một số nước triển khai như Australia, Hà Lan, Ai Len…
Ngoài các biện pháp ứng phó về thuế, một số quốc gia đưa ra biện pháp trợ giá năng lượng khi giá năng lượng tăng cao. Biện pháp này như một khoản trợ cấp từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng cao và người dân, đặc biệt là những người thuộc nhóm thu nhập thấp và trung bình.
Bộ Tài chính cho hay, tại Việt Nam, theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt thì chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.
Luật thuế tiêu thụ đặc biệt không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia,...), ảnh hưởng đến môi trường và cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hoá thạch) hoặc hàng hoá, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi gôn,...). Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trước đó, Bộ Tài chính liên tục có đề xuất trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh thuế BVMT đối với xăng dầu.
Tại dự thảo tờ trình gửi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung. Theo đó, đề xuất giảm thuế BVMT đối với xăng từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờngiảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg. Riêng với dầu hỏa, Bộ Tài chính đề nghị giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Cùng với đó, để đa dạng hóa nguồn cung xăng, tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN, đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các FTA mà Việt Nam đã ký kết, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Dự thảo đang được gửi xin ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất MFN đối với xăng từ mức 20% xuống mức 12% (chênh 4% so với thuế suất FTA từ Hàn Quốc và ASEAN). Đối với mặt hàng dầu hiện đang áp dụng mức thuế suất MFN là 7% đã đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899