Bộ Tài chính “giục” địa phương khẩn trương phân bổ vốn đầu tư công năm 2023

15/01/2023, 13:39
báo nói -

TCDN - Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, cơ quan trung ương, địa phương về việc đôn đốc phân bổ, nhập dự toán và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023.

Theo công văn, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công cho từng nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện. Theo Thông tư số 123/2014/TT-BTC ngày 27/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức vận hành, khai thác hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) thì thời hạn nhập dự toán không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhập văn bản giao dự toán, trường hợp giao bổ sung và điều chỉnh không quá 5 ngày làm việc.

Bộ Tài chính cũng đề nghị đối với số vốn bố trí để thu hồi số vốn ứng trước: hoàn thành việc nhập dự toán cho các dự án ngay sau khi phân bổ. Đồng thời, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp với Kho bạc Nhà nước triển khai ngay các thủ tục thu hồi vốn ứng trước, hạch toán thanh toán cho các dự án theo quy định.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Đối với số vốn bố trí để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, bố trí cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành năm 2023, Bộ Tài chính đề nghị hoàn thành việc nhập dự toán cho các dự án ngay sau khi phân bổ. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư căn cứ kế hoạch được giao, hoàn thiện các thủ tục thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát, thanh toán.

Đối với các dự án khởi công mới, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục mở tài khoản và cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách để có cơ sở nhập dự toán cho các dự án đủ điều kiện phân bổ theo quy định.

Để Thực hiện thống nhất việc quản lý, thanh toán, quyết toán các dự án theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động đăng ký tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án định kỳ hằng tháng, quý. Ngay sau khi có khối lượng được nghiệm thu hoặc có nhu cầu tạm ứng theo tiến độ hợp đồng, khẩn trương hoàn thiện thủ tục để gửi Kho bạc Nhà nước kiểm soát và giải ngân, không để dồn thanh toán vào cuối năm. Đẩy mạnh việc thanh toán theo hình thức trực tuyến trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước để chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí..

Về vốn tạm ứng, để tăng cường công tác quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đúng mục đích, đúng đối tượng và sử dụng vốn tạm ứng có hiệu quả, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định của hợp đồng; hoàn thành nghiệm thu khối lượng để thực hiện thu hồi số vốn đã tạm ứng theo đúng thời hạn đã được quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Riêng đối với vốn nước ngoài, đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ đề nghị rút vốn gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại) để thực hiện rút vốn theo quy định.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính “giục” địa phương khẩn trương phân bổ vốn đầu tư công năm 2023 tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Hết năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chỉ đạt 67%
Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân 12 tháng năm 2022 đạt 67,27% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 75,11%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (77,30%); trong đó vốn trong nước đạt 77,74%, vốn nước ngoài đạt 33,65%.
Samsung sẽ nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỷ USD
Tại buổi gặp mặt Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ông Han Jong-hee, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Samsung Electronics cho biết, Tập đoàn đang có kế hoạch nâng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam lên 20 tỷ USD trong thời gian tới.
Hết tháng 1/2023, 6 địa phương không giải ngân hết phải hoàn trả lại vốn
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu 6 địa phương là Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Bình Dương đến hết ngày 31/1/2023, dự án không giải ngân được hết vốn kế hoạch năm 2022 đã giao, không thuộc diện được phép kéo dài theo quy định, đề nghị thực hiện hủy dự toán, hoàn trả ngân sách Trung ương.