Bộ Tài chính lên tiếng về đề xuất miễn, giảm thuế, phí

19/05/2020, 10:11

TCDN - Bộ Tài chính vừa có ý kiến góp ý đối với các đề xuất miễn, giảm các chính sách thuế, phí tại dự thảo nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo.

việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất, hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 và áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế TTĐB đối với ngành ôtô nội là vi phạm cam kết quốc tế

việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất, hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 và áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế TTĐB đối với ngành ôtô nội là vi phạm cam kết quốc tế

Theo Bộ Tài chính, việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất, hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 và áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế TTĐB đối với ngành ôtô nội theo dự thảo Nghị quyết là vi phạm cam kết không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới.

Đối với đề nghị giảm 50% thuế TNDN cho DN vừa và nhỏ trong năm 2020, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bỏ nội dung này, vì có điểm trùng lắp với một số chính sách dự kiến áp dụng thời gian tới. Trong đó, có cả ưu đãi thuế TNDN đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ (thuế suất 15% và 17%), đồng thời miễn thuế 2 năm liên tục với DN nhỏ và siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.

Riêng với đề xuất giảm 50% thuế GTGT (hiện nay là 10%) cho các hàng hóa, nguyên liệu để giảm chi phí sản xuất cho DN, Bộ Tài chính cho rằng không phù hợp, vì đây là thuế gián thu, người tiêu dùng là người trả thuế. Đối với DN, toàn bộ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ khi xác định thuế phải nộp, không ảnh hưởng đến chi phí của DN. Hơn nữa, Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và Luật Quản lý thuế đã quy định cụ thể các trường hợp được hoàn thuế GTGT. Chưa kể, nếu giảm sẽ không tạo sự bình đẳng đối với các ngành nghề khác. Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu và không quy định theo hướng giảm, mà thay vào đó cho phép hoãn nộp thuế GTGT đến tháng 9/2020 đối với nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhằm tạo điều kiện cho các DN có thêm nguồn vốn lưu động để tiếp tục đầu tư vào các hoạt động sản xuất khác trong thời gian chưa tiêu thụ được hàng hóa, dịch vụ đầu ra.

Một nội dung khác đó là kiến nghị giảm thuế cho mặt hàng thịt lợn tươi, hoặc ướp lạnh, Bộ Tài chính đề nghị bỏ, do đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP và Nghị định 125/2017/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hoá và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trong đó có đề xuất giảm thuế MFN đối với mặt  hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh từ 25% xuống 22%.

Tham gia ý kiến về các nội dung lùi thời hạn khai, nộp lệ phí môn bài vào ngày 30/1 của năm kế tiếp; miễn 100% tiền thu từ lệ phí môn bài năm 2020 cho các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng dịch Covid-19, đối với các hộ kinh doanh đã nộp sẽ được khấu trừ vào số lệ phí môn bài phải nộp các năm sau, Bộ Tài chính cho hay, quy định hiện hành đã miễn lệ phí môn bài đối với hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập mới trong năm đầu. Đối với các đối tượng còn lại, việc bổ sung quy định miễn lệ phí môn bài năm 2020 là không phù hợp, vì đến thời điểm này các đối tượng này đều đã nộp theo quy định (chậm nhất là ngày 30/1 hàng năm).

Đối với yêu cầu miễn, giảm phí cảng biển, phí sử dụng đường bộ, giá dịch vụ hàng không như phí bãi đậu, phí cất, hạ cánh, phí điều hành bay, phí an sinh soi chiếu, phí thẩm định cấp phép khai thác, sử dung tài nguyên nước…, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Điều 10 Luật Phí và lệ phí, thì việc miễn thu phải gắn với đối tượng cụ thể (trẻ em, hộ nghèo…), chứ không có quy định miễn chung cho tổ chức, cá nhân. Riêng việc điều chỉnh giá dịch vụ hàng không thì thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải. 

Hà Quyên
Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính lên tiếng về đề xuất miễn, giảm thuế, phí tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan