Bộ Tài chính nói gì việc Hiệp hội Du lịch Tp.HCM kiến nghị miễn giảm 50% thuế GTGT?

02/03/2021, 08:58

TCDN - Bộ Tài chính vừa thông tin về việc Hiệp hội Du lịch Tp.HCM gửi kiến nghị về việc miễn hoặc giảm 50% thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành và khu du lịch đến hết năm 2021.

Cụ thể, ngày 2/3, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Thuế GTGT thì thuế GTGT gồm 3 mức thuế suất: thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; thuế suất 5% chỉ áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như nước sạch, sản phẩm nông nghiệp; mức thuế suất phổ biến là 10% áp dụng đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ chịu thuế còn lại và không có quy định miễn, giảm thuế GTGT.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang theo dõi sát sao tình hình diễn biến dịch bệnh cũng như tác động của dịch Covid-19 đến tình hình sản xuất kinh doanh và đối tượng bị ảnh hưởng tại các địa phương trên cả nước.

Bộ Tài chính nói gì việc Hiệp hội Du lịch TP. HCM kiến nghị miễn giảm 50% thuế?

Bộ Tài chính nói gì việc Hiệp hội Du lịch TP. HCM kiến nghị miễn giảm 50% thuế?

Đồng thời, tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí phù hợp với diễn biến thực tế thời gian tới.

Theo Hiệp hội Du lịch Tp.HCM, các ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng một lần nữa gây khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch. Trong bối cảnh doanh nghiệp vừa phải hoàn tiền cọc hoặc dời ngày vô thời hạn cho khách, nhưng vẫn phải thanh toán tiền cho các đơn vị cung ứng dịch vụ hoặc thương lượng để cùng chia sẻ rủi ro.

Hiệp hội Du lịch Tp.HCM cho rằng, vừa qua các chính sách ứng phó của Chính phủ với đại dịch đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên thực tiễn triển khai cho thấy các chính sách này vẫn đang phát sinh một số bất cập, hạn chế.

Cụ thể, hiện nay doanh nghiệp du lịch được áp dụng quy định thời gian nộp thuế GTGT trong đợt dịch của tháng 3/2020 được giãn 6 tháng, còn hiện nay vẫn phải đóng đủ, đúng thời gian. Ngoài ra đối với thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạt động lỗ nên cũng không áp dụng chính sách này.

Đối với thuế thu nhập cá nhân cũng chưa nhận được chính sách hỗ trợ nào, vẫn phải đóng đủ và đúng thời gian. Việc giảm giá điện đối với cơ sở kinh doanh nhà hàng - khách sạn chỉ áp dụng đến hết năm 2020. Về Bảo hiểm xã hội, hiện cho giãn nộp với điều kiện phải cắt giảm trên 50% lao động. Doanh nghiệp nào không cắt giảm lao động thì xem như vẫn đóng bình thường.

Trước những thiệt hại dồn dập và nặng nề của doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch Tp.HCM kiến nghị với các ngành chức năng có chủ trương linh hoạt hơn nữa để giúp doanh nghiệp cầm cự và vượt qua đại dịch.

Các hỗ trợ gồm, miễn hoặc giảm 50% thuế GTGT cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, khu du lịch đến hết năm 2021. Vì hiện nay đa số doanh nghiệp lữ hành không có doanh thu, phải bù lỗ do phát sinh lãi vay và các chi phí khác…

Trúc Nhi
Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính nói gì việc Hiệp hội Du lịch Tp.HCM kiến nghị miễn giảm 50% thuế GTGT? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT?
Cùng với các chính sách gia hạn về thuế, tiền thuế đất, các chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng cần xem xét giảm thuế TNDN, thuế VAT để hỗ trợ, giúp doanh nghiệp sống sót và dần hồi phục sau dịch Covid-19.
Philippines xem xét giảm thuế với thịt lợn nhập khẩu
Bộ Nông nghiệp Philippines đang đề nghị giảm thuế đối với thịt lợn nhập khẩu cho khối lượng nhập khẩu tối thiểu (MAV) từ mức thuế hiện tại là 30% xuống 5% trong 6 tháng tới và 10% trong 6 tháng tiếp theo đó.