Các yếu tố tác động đến sự hội nhập của người dân nhập cư quận Bình Tân - TP. Hồ Chí Minh

03/05/2021, 16:24

TCDN - Tại quận Bình Tân - nơi có tỷ lệ người dân nhập cư cao nhất TPHCM và cao hơn cả số người dân thường trú, theo ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận, cho hay trong năm 2018 quận có hơn 731.000 người, trong đó người nhập cư chiếm hơn 58%.

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định các yếu tố kinh tế, xã hội tác động đến sự hội nhập của người dân nhập cư vào quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Dữ liệu nghiên cứu thực nghiệm được thu thập thông qua việc khảo sát 200 người dân nhập cư tại địa bàn nghiên cứu. Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA cho thấy có 7 yếu tố ảnh hưởng đến sự hội nhập của người dân nhập cư vào quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, bao gồm: (i) Giao tiếp cộng đồng, (ii) Sinh hoạt cộng đồng, (iii) Các yếu tố về dịch vụ công ích, (iv) Việc làm, (v) Môi trường sống, (vi) Thu nhập, (vii) Các yếu tố thuộc về dịch vụ hành chính và giáo dục. Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính chỉ còn 5 yếu tố ảnh hưởng được sắp xếp theo thứ tự mức độ giảm dần như sau: (i) Sinh hoạt cộng đồng, (ii) Thu nhập, (iii) Dịch vụ hành chính và giáo dục, (iv) Môi trường sống, (v) Các dịch vụ công ích. Cuối cùng nghiên cứu cũng trình bày một số hàm ý chính sách và hướng nghiên cứu tiếp theo.

1. Mở đầu

Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) nói chung và quận Bình Tân nói riêng, là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa và giáo dục quan trọng của Việt Nam. Sức hút của một thành phố đang phát triển cùng với xu hướng đô thị hóa đã tạo nên những dòng người từ nhiều nơi chuyển đến sinh sống tại đây. Lâu nay vẫn có định kiến rằng nhập cư chỉ toàn những người có học vấn thấp, nhưng theo số liệu của Cục thống kê TPHCM, năm 2004, tỉ lệ đại học và cao đẳng chiếm 9,15% người đang tạm trú tại thành phố, trong khi tỉ lệ đại học và cao đẳng của cư dân lâu đời tại TPHCM chỉ đạt 7,8%.

Báo cáo phát triển con người của Liên Hiệp Quốc năm 2009 cho thấy dân nhập cư đã đóng góp đến 30% GDP của TPHCM và tỉ lệ đó không giảm đi mà ngày càng tăng theo tốc độ di dân. Tại quận Bình Tân - nơi có tỷ lệ người dân nhập cư cao nhất TPHCM và cao hơn cả số người dân thường trú, theo ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận, cho hay trong năm 2018 quận có hơn 731.000 người, trong đó người nhập cư chiếm hơn 58%, vì vậy đóng góp của người nhập cư vào GDP của quận nói riêng và của TPHCM là rất lớn. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng chỉ ra người nhập cư là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội, song cho đến nay, những đóng góp của họ chưa được ghi nhận đầy đủ. Ngoài ra, nhiều người nhập cư rất khó thích nghi, dễ bị tổn thương và cần được sự quan tâm đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách.

Để đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của quận Bình Tân và của TPHCM, người nhập cư cần phải thích nghi và hòa nhập với cuộc sống đô thị nhộn nhịp của TPHCM. Hiện nay, theo khảo cứu của tác giả, ở thành phố Hồ Chí Minh phần lớn các nghiên cứu về người nhập cư là các nghiên cứu định tính, chưa có nghiên cứu định lượng nào đo lường mức độ tác động của các yếu tố kinh tế xã hội đến sự hội nhập của người nhập cư, cũng như đóng góp của họ vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Chính vì thế, việc nghiên cứu “Các yếu tố kinh tế, xã hội tác động đến sự hội nhập của người dân nhập cư vào quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh” là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nghiên cứu này có ý nghĩa đối với các nhà hoạch định chính sách trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, cũng như chính với bản thân người nhập cư nhằm giúp những người nhập cư nâng cao khả năng thích nghi khi đến sống tại quận Bình Tân, TPHCM, để từ đó góp phần hiệu quả hơn vào sự phát triển của quận và của thành phố.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Về nhập cư và người nhập cư, cho đến nay vẫn còn nhiều quan niệm khác nhau. Theo Từ điển Tiếng Việt năm 2004, nhập cư là hành động di chuyển chỗ ở đến, vào một vùng hay một quốc gia mới. Người nhập cư là người di chuyển từ một vùng đến một vùng khác để định cư hoặc tạm trú. Theo quan niệm của tác giả Gary L. Peters, nhập cư là hiện tượng dân số tăng cơ học nhờ dân di chuyển đến khu vực mới, một đơn vị hành chính mới; dân cư mới đến được gọi là dân nhập cư [60, tr.141]. Trong khi đó, theo một nghiên cứu của tác giả Lê Văn Thành (2005), được thực hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có lượng nhập cư cao nhất cả nước thì, dân nhập cư ở Thành phố Hồ Chí Minh được xác định là những người từ các tỉnh khác về sinh sống, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và chưa có hộ khẩu thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh. Còn những người từ các tỉnh về Thành phố Hồ Chí Minh nhưng đã được giải quyết hộ khẩu thường trú vì đủ tiêu chuẩn quy định không nằm trong phạm vi này. Như vậy, ở đây lại căn cứ vào việc nhập hộ khẩu để tính là người nhập cư hay không phải là người nhập cư. Liên Hiệp Quốc thì quan niệm: “Người nhập cư dài hạn là những người ở lại nước tiếp nhận trong thời gian hơn một năm, mặc dù họ không liên tục sinh sống tại nước đó trong vòng hơn một năm”. Mặc dù vẫn còn những ý kiến khác nhau nhưng có thể thấy một số điểm chung trong nội hàm khái niệm này, đó là: (i) Sự di chuyển của một người hay một nhóm người đến một đơn vị hành chính mới với mục đích thay đổi nơi cư trú, làm việc hoặc với mục đích khác; (ii) Sự chuyển đến này có thể là tự nguyện hoặc bắt buộc; (iii) Việc cư trú tại nơi tiếp nhận có thể dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú. Như vậy, cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm thống nhất về người nhập cư có thể áp dụng một cách phổ biến trong phạm vi quốc gia cũng như trên toàn cầu. Nội dung của khái niệm này thường được các quốc gia, các nhà nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp với các mục đích nghiên cứu của mình. Từ những phân tích trên cho thấy, nhập cư là hành động di chuyển chỗ ở đến một địa phương khác của một người hoặc một nhóm người để sinh sống lâu dài hoặc tạm thời. Người nhập cư là người từ một địa phương, một nước hay vùng lãnh thổ này di chuyển đến một địa phương, một nước hay vùng lãnh thổ khác để sinh sống, làm việc. Nội hàm của khái niệm này có đề cập đến mối quan hệ giữa người nhập cư và nơi nhập cư.

Di cư, nhập cư, các yếu tố ảnh hưởng đến sự thích nghi của người nhập cư, sự hòa nhập xã hội của người nhập cư đã được nghiên cứu bởi nhiều tác giả, điển hình như: Everett S. Lee (1966), De Haan & Arjan (1998), J. Cok Vrooman & Stella J.M. Hoff (2001), Nguyễn Quốc Tuấn (2009), William A.Scott (2013), Phạm Văn Quyết & Trần Văn Kham (2015)…Các tác giả này đã đi sâu nghiên cứu các chủ đề liên quan đến người nhập cư, các yếu tố kinh tế xã hội ảnh hưởng đến sự hòa nhập xã hội của người nhập cư. Dựa trên sự tổng hợp các nghiên cứu trước đây và kết quả của việc nghiên cứu định tính, nhóm tác giả đã đề xuất mô hình các yếu tố kinh tế xã hội ảnh hưởng đến sự hội nhập của người nhập cư tại quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh gồm 6 yếu tố: Việc làm, giao tiếp cộng đồng, môi trường sống, thu nhập, tiếp cận các dịch vụ, tham gia sinh hoạt cộng đồng.

Mô hình nghiên cứu được trình bày theo hình 1.

Bai6_hinh1

Việc làm: Các nhà nghiên cứu trước đã khẳng định rằng, việc dễ dàng tìm kiếm việc làm và việc làm mang lại thu nhập đủ để trang trải cuộc sống thì tsự hội nhập của người nhập cư sẽ càng thuận lợi (Everett S. Lee (1966), De Haan & Arjan (1998), Phạm Văn Quyết & Trần Văn Kham (2015)). Giả thuyết H1: Việc làm có tác động cùng chiều (+) đến sự hội nhập.

Thu nhập: Người nhập cư đa phần là những người có thu nhập thấp và không ổn định, mục đích của họ khi di cư đến các thành phố lớn là để tìm kiếm mức thu nhập ổn định hơn. Các nghiên cứu của Everett S. Lee (1966), De Haan & Arjan (1998), J. Cok Vrooman & Stella J.M. Hoff (2001), Nguyễn Quốc Tuấn (2009), William A.Scott (2013), Phạm Văn Quyết & Trần Văn Kham (2015) cũng chỉ ra rằng thu nhập ổn định là động lực để người nhập cư gắn bó với nơi mình đến. Vì vậy ta có giả thuyết H2: Thu nhập có tác động cùng chiều (+) đến sự hội nhập.

Giao tiếp cộng đồng: Nơi nào người dân bản địa thân thiện, giúp đỡ lẫn nhau sẽ góp phần làm cho sự hội nhập của người nhập cư càng tốt hơn (Nguyễn Quốc Tuấn (2009), William A.Scott (2013)). Ta có giả thuyết H3: Giao tiếp cộng đồng có tác động cùng chiều (+) đến sự hội nhập.

Môi trường sống: Việc thích nghi với môi trường sống mới sẽ giúp cho sự hội nhập của người nhập cư tăng (De Haan & Arjan (1998), J. Cok Vrooman & Stella J.M. Hoff (2001), Nguyễn Quốc Tuấn (2009)). Giả thuyết H4: Môi trường sống có tác động cùng chiều (+) đến sự hội nhập.

Tiếp cận các dịch vụ: J. Cok Vrooman & Stella J.M. Hoff (2001) đã khẳng định rằng, rào cản lớn nhất để người nhập cư hòa nhập nhanh chóng vào cộng đồng mới là việc tiếp cận các dịch vụ y tế, hành chính cũng như giáo dục. Vì vậy ta có giả thuyết H5: Tiếp cận các dịch vụ có tác động cùng chiều (+) đến sự hội nhập.

Tham gia sinh hoạt cộng đồng: được hiểu là người nhập cư được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, họp tổ dân phố tại địa phương giống như người dân bản địa. Everett S. Lee (1966), De Haan & Arjan (1998), J. Cok Vrooman & Stella J.M. Hoff (2001), Nguyễn Quốc Tuấn (2009), William A.Scott (2013) đều khẳng định việc tham gia sinh hoạt cộng đồng có tác dụng rất quan trọng đến việc hội nhập của người nhập cư. Vì vậy ta có giả thuyết H6: Tham gia sinh hoạt cộng đồng có tác động cùng chiều (+) đến sự hội nhập.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu trải qua hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là nghiên cứu định tính nhằm mục đích xây dựng và củng cố mô hình nghiên cứu lý thuyết thông qua trao đổi trực tiếp với một số cán bộ quản lý tại địa bàn nghiên cứu và các chuyên gia về lĩnh vực dân số, cũng như nghiên cứu từ các bài báo khoa học có cùng chủ đề nghiên cứu. Giai đọan thứ hai là nghiên cứu định lượng nhằm mục đích xác định các nhân tố ảnh hưởng và đo lường mức độ ảnh hưởng của chúng đến sự hội nhập của người nhập cư. Tất cả các thang đo trong mô hình đều là thang đo đa biến. Các thang đo này sử dụng dạng Likert 5 mức độ với: 1 là hoàn toàn không đồng ý, cho đến 5 là hoàn toàn đồng ý. Nghiên cứu này sử dụng kỹ thuật phỏng vấn trực tiếp bằng bảng câu hỏi chi tiết với những người nhập cư vào quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh. Kích thước của mẫu áp dụng trong nghiên cứu dựa trên yêu cầu của phân tích nhân tố khám phá EFA. Theo nghiên cứu của Hair & cộng sự (1998), theo nhận định của Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008) thì cỡ mẫu ít nhất phải bằng 5 lần số biến quan sát. Với mô hình nghiên cứu có 24 biến quan sát, kích thước mẫu tố thiểu là 120 mẫu. Đối với phân tích hồi quy đa biến theo Tabachnich & Fidell (2007) kích cỡ mẫu tối thiểu phải đạt theo công thức N>= 50 + 8p (N: kích thước mẫu, p: số biến độc lập) nên với số biến độc lập là 6 thì kích cỡ mẫu tối thiểu của nghiên cứu phải là 98. Do đó, kích cơ mẫu áp dụng cho nghiên cứu này là 220. Tổng số phiếu phát ra là 220, thu về sau khi loại bỏ phiếu không hợp lệ để đưa vào thực hiện nghiên cứu chính thức là 200 (thỏa mãn điều kiện kích thước mẫu cần thiết) được mã hóa và phân tích dữ liệu bằng phần mềm SPSS 20.

4. Kết luận và một số hàm ý chính sách

Nghiên cứu “Các yếu tố kinh tế, xã hội tác động đến sự hội nhập của người dân nhập cư vào Quận Bình Tân - Tp. Hồ Chí Minh” có kết quả nghiên cứu định tính đưa ra mô hình chính thức gồm 6 nhân tố với 21 biến quan sát: (1) Việc làm, (2) Thu nhập, (3) Giao tiếp cộng đồng, (4) Môi trường sống và (5) Tiếp cận các dịch vụ, (6) Tham gia sinh hoạt cộng đồng. Nghiên cứu định lượng sử dụng thang đo Likert 5 mức độ để đánh giá các biến quan sát. Mẫu hợp lệ trong nghiên cứu định lượng là 200. Phần mềm SPSS 20 được sử dụng để xử lý số liệu. Kết quả phân tích nhân tố EFA có 18 biến được giữ lại và nhóm thành 7 nhân tố mới gồm: Giao tiếp cộng đồng, sinh hoạt cộng đồng, dịch vụ công ích, việc làm, môi trường sống, thu nhập, dịch vụ hành chính và giáo dục. Tuy nhiên, kết quả phân tích hồi quy tuyến tính cho thấy chỉ có 5 nhân tố tác động đến sự hội nhập của người nhập cư vào quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh là: Sinh hoạt cộng đồng, Dịch vụ công ích, Môi trường sống, Thu nhập, Dịch vụ hành chính và giáo dục. Các nhân tố này được sắp xếp theo mức độ ảnh hưởng từ cao xuống thấp là: Sinh hoạt cộng đồng, Thu nhập, Dịch vụ hành chính và giáo dục, Môi trường sống, Dịch vụ công ích. Dựa vào kết quả trên, các tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao mức độ hội nhập của người nhập cư vào quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh như sau:

Về sinh hoạt cộng đồng: người nhập cư đến quận Bình Tân phần lớn là từ các vùng nông thôn, ở đó họ đã hình thành lối sống đặc thù riêng, việc hòa nhập vào môi trường đô thị hoàn toàn xa lạ là một điều hết sức khó khăn. Vì vậy, chính quyền địa phương nên vận động người nhập cư tham gia vào các hoạt động xã hội, điều này không chỉ là cơ hội để họ làm quen với môi trường mới, mà còn giúp họ làm việc tốt và tự tin hơn.

Về thu nhập: người nhập cư vào quận Bình Tân phải thừa nhận rằng mục tiêu kinh tế là chủ yếu. Đó là yếu tố đầu tiên, đồng thời cũng là thước đo không thể thiếu trong các nghiên cứu về hòa nhập xã hội của người nhập cư. Vì vậy, chính quyền địa phương nên hoàn thiện các chính sách theo nội dung tiếp cận việc làm và nghề nghiệp cho người nhập cư. Nhà nước nên hoàn thiện chính sách tiền lương sao cho bảo vệ quyền lợi của lao động nhập cư. Nên có các chương trình dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực theo từng nghề nghiệp, đảm bảo độ chính xác cao để người nhập cư có kế hoạch trang bị nghề nghiệp cho bản thân trước khi chuyển cư đến.

Về vấn đề tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế, có thể nói rằng trong điều kiện cơ chế thị trường thì người nào có tiền cũng có thể tiếp cận các dịch vụ đô thị. Theo số liệu của Sở Giáo dục, có nhiều lớp mở ra để thu nhận con em KT3. Việc chữa bệnh cũng vậy, cổng bệnh viện rộng mở và người nhập cư có thể nhận những dịch vụ tốt. Tuy nhiên đối với người nhập cư, có thể họ sử dụng một số dịch vụ như điện, nước với giá cao hơn (vì phải câu nhờ, trả luỹ tiến theo phần vượt) và có những vấn đề cơ bản khác mà họ còn gặp khó khăn đó là việc mua nhà và đứng tên sở hữu, mở kinh doanh, vay vốn tín dụng làm ăn và việc trả chi phí điện nước có thể cao hơn người dân tại chỗ. Chương trình xóa đói giảm nghèo cũng nỗ lực vươn tới những người nhập cư nhưng phần lớn họ chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ như cho vay vốn làm ăn. Một số thủ tục về hộ tịch như khai sinh, chứng minh nhân dân, chứng nhận đăng ký kết hôn… còn một số khó khăn nhất định. Nhà nước và cán bộ địa phương nên quan tâm hướng dẫn các thủ tục đăng ký tạm trú tạm vắng, xác nhận tình trạng cư trú KT3 cho họ khi cần làm các thủ tục hành chính khác.

Về môi trường sống: mặc dù thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường sống của người dân nói chung và người nhập cư nói riêng, nhưng do dân số tăng quá nhanh, tình trạng nhập cư vào quận Bình Tân cũng gia tăng khá nhanh trong thời gian gần đây làm cho việc cải thiện môi trường sống càng trở nên khó khăn. Chính quyền địa phương nên tiếp tục cải thiện môi trường trong sạch hơn nữa với hệ thống xử lý rác thải, đồng thời nâng cấp và đầu tư công nghệ xử lý rác hiện đại hơn. Tình trạng ngập nước mỗi khi có triều cường hay mưa lớn nên được xử lý triệt để bằng các biện pháp như khai thông hệ thống kênh rạch, vận động người dân không xả rác, phân loại rác thải nhựa tại nguồn. Hạn chế tai nạn giao thông và kẹt xe kéo dài bằng các biện pháp phân luồng giao thông hợp lý, điều chỉnh hướng tuyến, xây dựng cầu vượt nhằm kéo giảm ùm tắc giao thông.

Hạn chế và hướng nghiên cứu tiếp theo: Nghiên cứu này có một số hạn chế nhất định. Một là, nghiên cứu chỉ thực hiện tại địa bàn quận Bình Tân, khả năng tổng quát của nghiên cứu sẽ tốt hơn nếu được tiến hành trên toàn địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng như tại một số tỉnh thành phố khác của Việt Nam. Hai là, nghiên cứu này chỉ xem xét một số yếu tố kinh tế, xã hội tác động đến sự hội nhập của người nhập cư, trên thực tế có thể có rất nhiều yếu tố khác nữa mà nghiên cứu này chưa xem xét hết.

Tài liệu tham khảo:

1. Everret S.Lee (1996). A theory of Migration, Demography, Vol.3, No.1, Population Association of America, USA, pp. 47-57.

2. J. Cok Vrooman & Stella J.M. Hoff (2013). The Promotion of Social Inclusion.

3. William A.Scott (2013). Adaptation of Immigrants, Pergamon Press.

4. Phạm Văn Quyết & Trần Văn Kham (2015). Sự tham gia xã hội của lao động nhập cư tại các đô thị ở Việt Nam: một phân tích định lượng, Viện Xã hội học 2 (130).

5. Lê Bạch Dương, Nguyễn Thanh Liêm (Chủ biên). 2011. Từ nông thôn ra thành phố: Tác động kinh tế - xã hội của di cư ở Việt Nam. Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS).

ThS. Tiêu Nguyên Thảo

ThS. Khúc Đình Nam

ThS. Nguyễn Thị Bình Minh

Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh

Tạp chí in số tháng 4/2021
Bạn đang đọc bài viết Các yếu tố tác động đến sự hội nhập của người dân nhập cư quận Bình Tân - TP. Hồ Chí Minh tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giải pháp phát triển ngành du lịch y tế tại TP. Hồ Chí Minh
Du lịch y tế là một hiện tượng tiêu tốn nhiều tỉ đô-la trên toàn thế giới, theo dự báo trong những thập niên tới, loại hình này còn tiếp tục phát triển mạnh. Những ai quan tâm đến việc đi nước ngoài để tiếp cận các loại hình dịch vụ y tế, thì chi phí vẫn là yếu tố mang tính quyết định.