Cần bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu

22/04/2022, 19:30

TCDN - Đó là một trong những kiến nghị được các đại biểu, chuyên gia đưa ra tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Vietcombank (VCB) đánh giá, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là yêu cầu chính đáng và tất yếu của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là thị trường tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển.

Để giúp thị trường vốn nói chung và thị trường TPDN nói riêng phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, VCB cho rằng, xếp hạng tín nhiệm độc lập là một nền tảng hạ tầng quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường vốn nói chung và thị trường TPDN nói riêng.

“Do đó, một mặt rất cần khuyến khích sự hình thành và phát triển của các công ty xếp hạng tín nhiệm. Mặt khác cần sớm yêu cầu xếp hạng tín nhiệm độc lập bắt buộc đối với doanh nghiệp phát hành và trái phiếu phát hành”, ông Dũng kiến nghị.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Vietcombank (VCB).

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Vietcombank (VCB).

Theo ông Dũng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với doanh nghiệp và trái phiếu phát hành là một trong các yếu tố then chốt giúp thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả. Xếp hạng tín nhiệm một mặt giúp bảo vệ các nhà đầu tư, mặt khác giúp doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, có dự án tốt, huy động được vốn với chi phí thấp (việc xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành và TPDN phát hành hiện nay là chưa bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP).

Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch VCB, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, việc đánh giá tín nhiệm bắt buộc là cách tiếp cận rất phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển cũng như quốc gia láng giềng của Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia… Hệ thống này giúp đẩy mạnh minh bạch cũng như môi trường phát triển ổn định. Nó cũng rất tốt cho nhà đầu tư.

Theo đại diện ADB, các nhà đầu tư không nên ra quyết định đầu tư chỉ riêng qua định mức tín nhiệm nhưng đấy là thông tin tham khảo để các nhà đầu tư ra quyết định. Nó cũng không khuyến khích các bên phát hành phát hành trái phiếu không bảo vệ đảm bảo cho nhà đầu tư. Nó cũng cũng tốt cho bên phát hành.

“Qua đánh giá tín nhiệm sẽ khiến cho rủi ro tín dụng, kinh phí rủi ro tín dụng giảm xuống, kỳ hạn dài hơn được phát hành. Việt Nam hiện nay mới có 1 đơn vị đánh giá tín nhiệm. ADB khuyến khích sự tham gia của các cơ quan hiện tại và có các cơ quan mới đánh giá định mức tín nhiệm”, giám đốc ADB chia sẻ.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, quy mô vốn ở Việt Nam còn nhỏ và tiềm năng thì rất lớn thể hiện ở nền kinh tế nước ta đang bước vào giai đoạn phục hồi, đang có nhu cầu vốn rất lớn. Đây chính là cơ sở đặt ra để nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin vào nhu cầu vốn ở Việt Nam.

Tuy nhiên theo ông Cường điểm yếu của chúng ta là 80% số nhà đầu tư cá nhân Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân trực tiếp, còn ở nước ngoài thì 80% nhà đầu tư là đầu tư thông qua những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

“Đây chính là điểm mà thị trường Việt Nam kém chuyên nghiệp hơn thị trường thế giới. Mà chính vì kém chuyên nghiệp hơn nên các nhà đầu tư tư nhân dễ có tâm lý "bầy đàn", rất dễ bị dẫn dắt. Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm trên 90% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, về mặt nguyên lý, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu này cần xếp hạng tín dụng, cần tăng cường các tổ chức xếp hạng doanh nghiệp. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay chỉ có 2 tổ chức xếp hạng, nhưng các tổ chức tham gia xếp hạng lại là doanh nghiệp không phát hành trái phiếu, những doanh nghiệp phát hành trái phiếu lại không tham gia xếp hạng.

Do đó, ông Cường cho rằng, một mặt cần đẩy mạnh xếp hạng tín dụng doanh nghiệp, cần nêu trách nhiệm của các tổ chức đứng ra làm trung gian môi giới để kiểm soát thông tin, để bảo đảm các thông tin đó tuân thủ pháp luật, tránh những rủi ro; đồng thời chính là những cơ quan cảnh báo về khả năng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Cần bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan