Cần đánh giá kỹ tác động việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn
TCDN - Nhiều chuyên gia đề xuất cơ quan soạn thảo cần nghiên kỹ, đánh giá tác động một cách thấu đáo, toàn diện khi đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, hiện nay bức tranh kinh tế toàn cầu suy giảm, phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19, môi trường kinh doanh quốc tế có nhiều rủi ro, bất định và đều tác động khá mạnh đối với nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng.
Tình hình kinh tế, kinh doanh tại Việt Nam 2020-2024, ghi nhận phục hồi không đồng đều, hành vi tiêu dùng, lối sống thay đổi, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, ngành đồ uống lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10-12% so với năm trước).
“Với tác động của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi có thể tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung - dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế VAT và thuế TNDN… như vậy, tổng hòa về việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ? Cần đánh giá tác động một cách thấu đáo và toàn diện, để từ đó lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế của Việt Nam”, ông Cấn Văn Lực đề nghị.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nói rằng, nguyên tắc của việc đánh thuế là cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa nhà nước và người nộp thuế.
Chuyên gia Ngô Trí Long đặt ra băn khoăn, nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người dân lao động không được đảm bảo, nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp, nguy cơ trốn thuế rất tiềm tàng… Với tỷ lệ tăng cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm trong các phương án do Bộ Tài chính đề xuất hiện nay có thể sẽ dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng, nguy cơ sẽ thất thu thuế.
Do đó, ông Long đề nghị cần xem xét cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, với 2 phương án đề xuất của Bộ Tài chính chưa rõ khả tăng nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh xem xét chung với tỷ trọng các nguồn thu thuế khác như Thuế VAT, Thuế TNDN và Thuế TNCN.
Ông Việt đề nghị cần đánh giá toàn diện hơn và có bằng chứng cụ thể cả tiêu cực khi tăng thuế đến kinh tế - xã hội, qua đó cơ sở đảm bảo tăng thu ngân sách được bền vững.
Trong điều kiện kinh tế- xã hội có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước Covid-19 và đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng, theo TS Nguyễn Quốc Việt cần xác định mức thuế suất tạm thời để theo dõi mức độ đạt được kết quả phù hợp mục tiêu và các yếu tố liên quan. Nếu chưa rõ mọi tác động tổng thể toàn diện chỉ tăng thuế suất 1 lần vào 2026 rồi giãn cách 2 - 3 năm để có thời gian xem xét các mục tiêu lẫn tác động khác nhau.
Chia sẻ từ kinh nghiệm thế giới, bà Bùi Thị Việt Lâm, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam đồ uống có cồn trên thế giới được đánh thuế theo các phương pháp khác nhau, khi so sách thuế tiêu thụ đặc biệt ở các quốc gia trên thế giới có thể thấy việc so sánh mức thuế cao thấp giữa các quốc gia là rất khó. Vì vậy, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh mà các quốc gia lựa chọn phù hợp: dễ áp dụng, hiệu quả, đạt được mục tiêu.
Bà Lâm nhấn mạnh, một trong những yêu tố cần lưu ý khi tăng thuế là tình trạng rượu bia bất hợp pháp trên thế giới, khu vực và các nước gần với Việt Nam đã gây thất thu thu ngân sách, rủi ro sức khỏe cho người tiêu dùng, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hợp pháp, coi thường pháp luật… đã và đang cần sự chung tay phối hợp của các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực ASEAN.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899