Cần làm rõ dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích tại 76 Nguyễn Trãi

03/06/2020, 09:53

TCDN - Thời gian gần dây, Tài chính Doanh nghiệp có nhận được thông tin phản ánh về dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích của công ty TNHH MTV Cơ khí Hà Nội tại địa 76 Nguyễn Trãi, Hà Nội.

Cụ thể, theo thông tin phản ánh, Công ty TNHH MTV Cơ khi Hà Nội (Hameco) đã cho Công ty Cổ phần Pico thuê lại một phần diện tích để làm siêu thị điện máy và bãi giữ xe tại địa chỉ số 76 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nôi. 

Địa chỉ số 76 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội là vị trí đắc địa trên trục đường Nguyễn Trãi khá sầm uất. Liền khu đất này là tổ hợp Royal City với khu căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí..

Được biết, Hameco là 1 trong 7 công ty con của Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp và là 1  công ty con chưa thực hiện cổ phần hóa. Tiền thân của Hameco là Nhà máy Cơ khí Hà Nội được thành lập năm 1958. Sau nhiều lần đổi tên, đến năm 2004, Công ty chuyển đổi thành Công ty TNHH NN MTV Cơ khí Hà Nội. Hiện Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp nắm giữ 100% vốn tại Hameco.

Hameco hiện đang được giao quản lý, sử dụng trả tiền thuê đất hàng năm gần 200.000m2 đất tại nhiều vị trí. Trong đó, khu đất rộng 4.456,2 m2 tại 76 Nguyễn Trãi đang được làm trụ sở Công ty theo Quyết định số 7196/QĐ-UBND ngày 28/12/2015 của UBND Thành phố Hà Nội. 

Trụ sở công ty Cơ khí Hà Nội tại 76 Nguyễn Trãi, Quận Thanh Xuân được công ty Pico sử dụng một phần diện tích làm siêu thị điện máy

Trụ sở công ty Cơ khí Hà Nội tại 76 Nguyễn Trãi, Quận Thanh Xuân được công ty Pico sử dụng một phần diện tích làm siêu thị điện máy

Tuy nhiên, theo phản ánh cũng như quan sát của PV, hiện tại một phần mặt tiền của khu đất 76 Nguyễn Trãi được công ty CP Pico sử dụng để làm siêu thị kinh doanh điện máy và bãi đỗ xe cho khách. 

Để rộng đường dư luận, Pv đã có buổi làm việc với ông Trần Phan Mỹ, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Đình. Tại buổi làm việc ông Mỹ cho biết: "Theo phía công ty thông tin lại thì Công ty Cơ khí và Pico hợp tác kinh doanh, chứ không phải cho thuê đất, còn thẩm quyền xác minh thì phải xem xét".

Tuy nhiên, khi được hỏi hợp tác kinh doanh theo phương thức gì và như thế nào thì ông Mỹ lại không trả lời được. Đồng thời khi được đề nghị cung cấp các văn bản làm việc, kiểm tra xác minh thông tin mà PV phản ánh thì ông Mỹ cũng trả lời "không có". 

Có một điều vô cùng lạ là trong suốt quá trình làm việc với PV, vị Phó chủ tịch phường Thượng Đình không hề đưa ra được bất kì căn cứ nào chứng minh việc hợp tác kinh doanh giữa hai đơn vị nói trên. Tất cả đều dựa trên câu trả lời "đơn phương" từ phía Công ty cơ khí Hà Nội.

Theo Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính: Việc sử dụng tài sản là đất, công trình sự nghiệp và các tài sản gắn liền với đất vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết, Bộ Tài chính đề nghị căn cứ quy định tại Điều 55, 56, 57, 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Điều 42, 43, 44, 45, 46, 47 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ để thực hiện.

“Theo quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công, DVSNCL sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết thì ĐVSNCL phải lập Đề án báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định”, văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ. 

Như vậy, với việc "hợp tác kinh doanh" với công ty Cổ phần Pico của Công ty Cơ khí Hà Nội trong việc sử dụng tài sản công là đất đã đúng quy định của pháp luật? Phía Hameco đã có đề án báo cáo cơ quan thẩm quyền quyết định việc hợp tác kinh doanh hay không? Việc lập sổ sách, thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước đối với "hợp tác" này được tiến hành như thế nào? Hay việc "hợp tác kinh doanh" chỉ là câu trả lời đối phó của Hameco trước báo chí?

Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định:

Điều 55. Quy định chung về việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết

1. Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 1 Điều 57 và khoản 1 Điều 58 của Luật này.

2. Việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Được cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 57 và khoản 2 Điều 58 của Luật này cho phép;

b) Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao;

c) Không làm mất quyền sở hữu về tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao;

d) Sử dụng tài sản đúng mục đích được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị;

đ) Phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản;

e) Tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật;

g) Nhà nước không cấp kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa đối với tài sản công chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn thu được từ việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công theo quy định;

h) Thực hiện theo cơ chế thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

3. Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết có trách nhiệm:

a) Lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định;

b) Tổ chức thực hiện đề án đã được phê duyệt;

c) Cập nhật thông tin về việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công;

d) Thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 19 của Luật này có trách nhiệm:

a) Thẩm định để trình cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 57 và khoản 2 Điều 58 của Luật này quyết định hoặc có ý kiến về đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

b) Tiếp nhận, quản lý và công khai thông tin về việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

5. Số tiền thu được từ hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được hạch toán riêng và kế toán đầy đủ theo quy định của pháp luật về kế toán và được quản lý, sử dụng như sau:

a) Chi trả các chi phí có liên quan;

b) Trả nợ vốn vay, vốn huy động (nếu có);

c) Thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước;

d) Phần còn lại được quản lý, sử dụng theo quy định của Chính phủ.

Điều 56. Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh

1. Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh trong các trường hợp sau đây:

a) Tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất;

b) Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để phục vụ hoạt động kinh doanh mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.

2. Thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh được quy định như sau:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt đề án đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp; tài sản khác có giá trị lớn theo quy định của Chính phủ;

b) Hội đồng quản lý hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt đề án đối với tài sản không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản này.

Điều 57. Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê

1. Đơn vị sự nghiệp công lập được cho thuê tài sản công trong các trường hợp sau đây:

a) Tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất;

b) Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để cho thuê mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.

2. Thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đề án cho thuê đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp; tài sản khác có giá trị lớn theo quy định của Chính phủ;

b) Hội đồng quản lý hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt đề án cho thuê đối với tài sản không thuộc quy định tại điểm a khoản này.

3. Phương thức và giá cho thuê tài sản được quy định như sau:

a) Đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp và tài sản khác có giá trị lớn theo quy định của Chính phủ thực hiện theo phương thức đấu giá; giá cho thuê là giá trúng đấu giá;

b) Đối với tài sản không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản này thực hiện theo phương thức thoả thuận; giá cho thuê tài sản do người cho thuê và người đi thuê tài sản thoả thuận theo giá thuê trên thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ.

Điều 58. Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết

1. Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước trong các trường hợp sau đây:

a) Tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất;

b) Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để phục vụ hoạt động liên doanh, liên kết mà không do ngân sách nhà nước đầu tư;

c) Việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương phê duyệt đề án sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý vào mục đích liên doanh, liên kết sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đề án sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương vào mục đích liên doanh, liên kết sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.

3. Trường hợp tài sản được tính thành vốn góp khi liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật, việc xác định giá trị tài sản phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Đối với tài sản là quyền sử dụng đất đủ điều kiện góp vốn theo quy định của pháp luật về đất đai, giá trị quyền sử dụng đất được xác định theo giá thị trường tại thời điểm góp vốn liên doanh, liên kết;

b) Đối với tài sản gắn liền với đất đủ điều kiện góp vốn theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan, giá trị tài sản được xác định phù hợp với giá trị thực tế còn lại theo kết quả đánh giá lại tại thời điểm góp vốn liên doanh, liên kết;

c) Đối với tài sản là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập, việc xác định giá trị thương hiệu để góp vốn liên doanh, liên kết được thực hiện theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan;

d) Đối với tài sản không thuộc quy định tại các điểm a, b và c khoản này, giá trị tài sản được xác định phù hợp với giá thị trường tại thời điểm liên doanh, liên kết của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ.

An Tú
Bạn đang đọc bài viết Cần làm rõ dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích tại 76 Nguyễn Trãi tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Kiến nghị điều tra, xử lý hình sự các trường hợp bán nhà, đất hai giá để trốn thuế
Câu chuyện bán nhà, đất hai giá (bán giá cao, ghi trong hợp đồng giá thấp để trốn thuế) được các đại biểu mổ xẻ sâu tại buổi khảo sát tình hình thực hiện Luật đất đai 2013 sáng 24/4 của đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. Riêng tại TPHCM, tình trạng này dẫn đến thất thu ngân sách 2.000 tỉ đồng mỗi năm.