Chênh lệch giá trong gói thầu cao thể hiện sự bất thường

19/05/2022, 10:06

TCDN - Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về luật đấu thầu, phóng viên nhận thấy, chênh lệch giá sản phẩm trong một gói thầu so với giá thị trường là điều có thể xảy ra.

Bởi, giá thiết bị cao hay thấp đôi khi còn phụ thuộc và ảnh hưởng bởi các yếu tố: tính năng, công suất của hàng hóa, linh phụ kiện theo kèm, chế độ bảo hành, bảo trì, chi phí vận chuyển…

Công tác đấu thầu sẽ thực sự hiệu quả nếu sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của chủ đầu tư với mức giá tốt nhất, tiết kiệm tối đa nguồn đầu tư công.

Thế nhưng, theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu thì việc chênh lệch giá tại các gói thầu thời gian qua thường ở mức cao hơn giá thành sản phẩm ngoài thị trường, thậm chí có những gói thầu đội giá rất cao khiến nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước là điều cần phải xem xét. Rất có thể xảy ra hiện tượng “thổi” giá trị sản phẩm, nâng khống giá thiết bị, khoản tiền chênh lệch sẽ đi đâu, vào túi ai là điều cần làm rõ.

Sẽ thiếu căn cứ nếu chỉ nhìn vào mức giá cao mà suy luận, phán xét việc đội giá hay nâng khống giá trị gói thầu. Tuy nhiên nếu cùng một sản phẩm, cùng ký hiệu, xuất xứ, cùng hãng sản xuất, thậm chí là yêu cầu kỹ thuật giống hệt như chủ đầu tư đưa ra tại E-HSMT nhưng giá dự thầu được phê duyệt cao hơn rất nhiều lần so với giá thị trường thì rất đáng băn khoăn và cần được làm sáng tỏ lý do vì sao.

Chênh lệch giá gói thầu so với giá thị trường là một trong những dấu hiệu bất thường, đáng lưu ý như vậy.

Trao đổi với phóng viên Đời sống Pháp luật về dấu hiệu đội giá gói thầu, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, trường đại học Kinh tế quốc dân - cho rằng: “Khi đã có dư luận, dù là từ người dân hay các kênh thông tin truyền thông khác, tôi nghĩ cần có giải trình để minh bạch thông tin.

Từng trao đổi với phóng viên về vấn đề đấu thầu mua sắm, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhìn nhận: “Thời gian qua, công tác đấu thầu trong các lĩnh vực đầu tư công xảy ra nhiều sai phạm. Cơ quan thanh tra, điều tra phát hiện và đã xử lý với nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nhiều người đã bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ...

Bởi vậy, với những gói thầu có dư luận phản ánh, có dấu hiệu bất minh thì cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật”.

“Trường hợp quá trình thanh tra, kiểm tra các gói thầu có dấu hiệu vi phạm mà cơ quan chức năng phát hiện có vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước từ 100.000.000 đồng trở lên thì có thể khởi tố vụ án hình sự”, luật sư Đặng Văn Cường nói thêm.

Còn theo ý kiến của luật sư Nguyễn Cao Đạt, Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự: “Quy trình, thủ tục đấu thầu theo luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay vẫn còn những bất cập, kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm hoạt động đấu thầu, tiêu cực trong đấu thầu.

Đặc biệt, vấn đề thẩm định giá và thẩm định năng lực của nhà thầu còn nhiều bất cập; có những kẽ hở đã bị lợi dụng triệt để trong các gói thầu hàng hóa, do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn..., từ đó sinh ra rất nhiều tiêu cực trong quá trình lựa chọn nhà thầu”.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: Qua các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Cơ quan điều tra của Bộ Công an phát hiện trong thời gian qua cho thấy, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực. Các sai phạm này gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân. Thông qua các hành vi thông thầu với nhà thầu có mối quan hệ “sân sau”, không dựa trên uy tín và năng lực thực sự của nhà thầu, hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Việc phân biệt, đối xử “bất bình đẳng” trong đấu thầu kéo dài, sai phạm trở nên phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương sẽ dẫn đến không đảm bảo tính công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đầu tư, làm thui chột động lực phát triển kinh tế, suy giảm lòng tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, làm méo mó chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; không phát huy hết được vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Việc gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước.

Theo điều 222, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, người nào thực hiện một trong những hành vi được quy định tại khoản 1, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Như vậy, đối với vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.

Hoàng Tâm
Bạn đang đọc bài viết Chênh lệch giá trong gói thầu cao thể hiện sự bất thường tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Quảng Nam: Nhiều bất thường trong đấu thầu gói thiết bị y tế
Gói thầu chuẩn đoán hình ảnh X-quang có giá dự thầu là 12,45 tỷ đồng, nhưng giá trúng thầu lại là 12,435 tỷ đồng (giảm 15 triệu đồng). Tuy nhiên, tại kết quả lựa chọn nhà thầu được Sở Y tế tỉnh Quảng Nam phê duyệt, giá trúng thầu của gói thầu này lại giảm sâu xuống chỉ còn 9,15 tỷ đồng.