Chiến lược "bóp nghẹt đối tác" để vươn lên của ứng dụng kết nối phòng tập thể dục

07/10/2020, 19:37

TCDN - "Kỳ lân" kết nối phòng tập Class Pass luôn khoe rằng họ đang cứu ngành tập thể thao nhờ mô hình sáng tạo mới mẻ, song các đối tác của họ lại đang cảm thấy nghẹt thở và lần lượt rời bỏ công ty.

ClassPass thông báo họ đã huy động 285 triệu USD trong vòng gọi vốn Series E và chính thức đạt mức định giá 1 tỉ USD, trở thành "kì lân" đầu tiên của thập niên mới, theo TechCrunch.

Ra đời năm 2013, ClassPass tạo ra một giải pháp đơn giản để mọi người tập thể dục. Công ty liên kết với các phòng tập gym để mọi người có thể đặt lịch tập thể dục ở một phòng tập mà họ muốn.

Sau khi ra đời, ClassPass liên tục thử nghiệm những mô hình kinh doanh mới để tìm ra mô hình phù hợp nhất. Vào thời điểm trở thành "kì lân", ClassPass có hơn 1.000 khách hàng doanh nghiệp, bao gồm nhiều tập đoàn lớn như Stanley, Goldman Sachs, Google và Facebook.

Fritz Lanman, giám đốc điều hành ClassPass, tuyên bố công ty sẽ xây dựng mô hình kinh doanh lành mạnh và bền vững.

Song đối với hàng nghìn đối tác phòng tập của ClassPass, tình hình đang chuyển biến theo chiều hướng xấu. Hồi tháng 10 năm ngoái, Leila Burrows, chủ sở hữu của chuỗi phòng tập The Pad, đã gửi một email tới học viên để báo tin xấu. Leila nói cô không còn đủ khả năng tiếp tục duy trì quan hệ đối tác với ClassPass vì ClassPass muốn tăng mức độ kiểm soát đối với hoạt động của chuỗi. 

Hai tháng sau, chuỗi phòng tập Yoga Vida cũng gửi email tới toàn thể học viên trên khắp nước Mỹ để thông báo quyết định tương tự.

Yoga Vida

"Chúng tôi nhận thấy mô hình kinh doanh của chúng tôi không thể tồn tại lâu dài nếu tiếp tục hợp tác với ClassPass. Trong khi chi phí vận hành tăng, doanh thu của chúng tôi lại giảm khi số lượng người tập tăng", Yoga Vida nhấn mạnh.

Để tiến tới vị thế của "kì lân", ClassPass từng phải nhờ cậy mối quan hệ hợp tác với hàng nghìn phòng tập như The Pad và Yoga Vida, nơi chấp nhận thành viên ClassPass vào lớp vài lần mỗi tháng với mức phí thấp hơn rất nhiều so với khách hàng của họ. 

Đổi lại, ClassPass sẽ tiếp thị miễn phí cho phòng tập. Nhiều chủ phòng tập hi vọng những thành viên của ClassPass sẽ trở thành khách hàng của họ sau một thời gian và trả phí theo tháng, đồng thời giới thiệu thêm những khách hàng mới.

Ban đầu, quan hệ hợp tác kiểu đó mang lại lợi ích cho cả ba bên. Hội viên mua gói tập của ClassPass có cơ hội tập thể dục với mức phí rẻ, phòng tập có thêm khách hàng, còn ClassPass tăng trưởng thần tốc. Nhưng khi công ty hướng tới mục tiêu trở thành "kì lân" và phát hành cổ phiếu (IPO), họ liên tục thay đổi qui định khiến nhiều đối tác phòng tập hoảng sợ. 

"Quả thực ClassPass đang bóp nghẹt các phòng tập, đẩy họ tới nguy cơ phá sản", một chủ phòng tập ở thành phố New York bình luận. 

Một chủ phòng tập kể rằng ClassPass yêu cầu ông mở phòng tập gần như cả ngày để đáp ứng nhu cầu của hội viên.

"Hoạt động gần như cả ngày là việc bất khả thi với những phòng tập đơn lẻ như chúng tôi", người này thổ lộ.

18 chủ phòng tập từng và đang hợp tác với ClassPass thừa nhận rằng công ty muốn tước quyền kiểm soát phòng tập của họ, và áp dụng một mô hình vận hành dựa trên thuật toán mà họ không tin tưởng. Thuật toán đó khiến hội viên có thể trả mức phí thấp đến 7 USD - mức phí mà các phòng tập đánh giá là "không thể tồn tại".

Ngoài ra, ClassPass tìm mọi cách để hội viên có thể đóng mức phí thấp, vì việc đó sẽ giúp họ mở rộng thị phần, dù làm giảm doanh thu của các đối tác phòng tập.

Chính sách của ClassPass khiến nhiều phòng tập cảm thấy họ không thể tồn tại nếu tiếp tục đồng hành cùng công ty.

"Họ đang khiến chúng tôi bước tới bờ vực phá sản. ClassPass phải biến mất khỏi mô hình kinh doanh của chúng tôi", Paula Tursi, giám đốc chuỗi Reflections Yoga, tuyên bố.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Chiến lược "bóp nghẹt đối tác" để vươn lên của ứng dụng kết nối phòng tập thể dục tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Đường sắt mở bán vé tàu qua ứng dụng di động từ 15/7
Từ 15/7, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai bán vé tàu trên ứng dụng (app) di động với tên gọi “Vé Tàu” và thanh toán trực tuyến. Đây được xem là một trong những bước đi đầu tiên của đường sắt, chấm dứt sự độc quyền.