Chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí hỗ trợ nền kinh tế phục hồi
TCDN - Báo cáo Quốc hội, Chính phủ khẳng định, một số chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện trong năm 2023, 2024.
Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Chính phủ, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận. Một số chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện trong năm 2023, 2024.
Đồng thời, mặc dù Quốc hội đã cho phép sử dụng nguồn lực lớn với tổng quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng để thực hiện Chương trình, tuy nhiên vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn; đồng thời đóng góp không nhỏ vào quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế sau dịch Covid-19.
Với chính sách tài khóa đã miễn thuế VAT đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, thuế suất thuế VAT và một số khoản thuế, phí, lệ phí khác trong phạm vi của Chương trình trong năm 2022 là 61.036 tỷ đồng, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, góp phần giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao.
Đã gia hạn thời gian nộp các loại thuế, tiền thuê đất trong năm 2022 là 114.523 tỷ đồng, thông qua đó hỗ trợ chi phí cơ hội cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 7,4 nghìn tỷ đồng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh linh hoạt, chủ động sử dụng dòng tiền phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, tiền thuê đất với nhà nước.
Bên cạnh đó, trước tình hình giá xăng dầu trong nước và thế giới tăng cao đột biến, để kiểm soát giá cả, giảm bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn. Kết quả thực hiện các chính sách này trong năm 2022 khoảng 38.057 tỷ đồng.
Qua đánh giá tính khả thi, kết quả thực hiện, hiệu quả và sự cần thiết của chính sách, Chính phủ đã trình Quốc hội tại các kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 15 cho phép tiếp tục áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT tương tự như quy định tại Nghị quyết 43 trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 và từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
Chính phủ đánh giá, việc khẩn trương xây dựng, ban hành/trình cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện kịp thời các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã giúp giảm các nghĩa vụ tài chính, giảm chi phí sản xuất, góp phần quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định, khôi phục và mở rộng sản xuất, ổn định đời sống và trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, chính sách giảm thuế suất thuế VAT áp dụng trong năm 2022 và nửa cuối năm 2023 và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó làm tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; đồng thời vừa góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện lạm phát, giá cả và chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao.
Báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định, tình hình thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn triển khai Chương trình được bảo đảm, có vượt thu so với dự toán, tạo dư địa và nguồn lực để thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899