Chính sách phát triển nền kinh tế xanh của Singapore - giá trị tham khảo cho Việt Nam

25/07/2024, 20:11
báo nói -

TCDN - Việc nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm chính sách, chiến lược của các quốc gia trên thế giới trong đó có Singapore để tập trung phát triển nền kinh tế xanh của Việt Nam là điều rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực giúp Việt Nam “đi tắt, đón đầu” hội nhập quốc tế.

12-1

TÓM TẮT:

Với bản chất cộng gộp của các yếu tố: Kinh tế - Môi trường - Xã hội tạo thành nền kinh tế xanh, một nền kinh tế tạo ra việc làm, bảo đảm tăng trưởng kinh tế một cách bền vững và bảo vệ môi trường. Việc nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm chính sách, chiến lược của các quốc gia trên thế giới trong đó có Singapore để tập trung phát triển nền kinh tế xanh của Việt Nam là điều rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực giúp Việt Nam “đi tắt, đón đầu” hội nhập quốc tế.

1. Chính sách phát triển nền kinh tế xanh của Singapore

1.1. Kế hoạch xanh

Ngay từ rất sớm, Chính phủ Singapore đã ban hành nhiều chính sách có hiệu quả để nhằm phát triển kinh tế xanh. Cụ thể vào năm 1992, với Kế hoạch Xanh, sau đó tiếp tục thay đổi ban hành Kế hoạch vào năm 2012 và gần đây nhất là vào năm 2021, ban hành Kế hoạch Xanh hướng tới năm 2030. Kế hoạch Xanh vạch ra các mục tiêu đầy tham vọng và cụ thể trong thập kỷ tới, củng cố các cam kết của Singapore theo Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 của Liên Hợp Quốc và Thỏa thuận Paris.

Kế hoạch xanh có năm trụ cột chính với sự quản lý của 05 cơ quan là Bộ Giáo dục, Bộ Phát triển Quốc gia, Bộ Môi trường và Bền vững, Thương mại và Công nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải - và được hỗ trợ bởi toàn bộ Chính phủ với các nội dung:

(i) Thành phố trong tự nhiên, nhằm tạo ra những ngôi nhà xanh, đáng sống và bền vững cho người dân;

(ii) Cuộc sống bền vững, nhằm hướng tới việc giảm lượng khí thải carbon, giữ cho môi trường trong sạch, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng trở thành một phong cách sống;

(iii) Tái tạo năng lượng, nhằm sử dụng năng lượng sạch hơn và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng để giảm khí thải carbon;

(iv) Nền kinh tế xanh, nhằm tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng xanh để tạo việc làm mới, chuyển đổi các ngành công nghiệp và khai thác tính bền vững như một lợi thế cạnh tranh;

(v) Tương lai kiên cường, nhằm xây dựng khả năng phục hồi khí hậu và tăng cường an ninh lương thực

. Để đạt được những trụ cột này, chính phủ Singapore đã đưa ra một loạt các sáng kiến và biện pháp hỗ trợ trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, năng lượng, tài chính xanh, du lịch bền vững và giao thông đường bộ. Có ba trọng tâm trong việc phát triển kinh tế xanh (Singapore Government Agency Website, 2023) đó là: Chuyển đổi các lĩnh vực hiện có và khử carbon: Chính phủ đã đưa ra các biện pháp khuyến khích để giúp các công ty áp dụng các phương pháp tốt nhất trong ngành về năng lượng và hiệu quả carbon, rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh lâu dài. Ví dụ, EDB, quản lý hiệu quả tài nguyên cho năng lượng và trợ cấp đầu tư để giảm phát thải giúp các công ty sản xuất và trung tâm dữ liệu giảm lượng khí thải của họ. Hoặc ví dụ, Quỹ hiệu quả năng lượng của NEA hỗ trợ các công ty xây dựng năng lực và khử carbon sớm bằng cách áp dụng các công nghệ hiệu quả năng lượng bằng cách tài trợ tới 70% chi phí đủ điều kiện. Ngành Năng lượng và Hóa chất cũng là một đối tác chính trong việc phát triển các công nghệ carbon thấp mới nổi, chẳng hạn như thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon. Những công nghệ này có thể đóng vai trò then chốt trong việc cho phép khử cacbon ở quy mô lớn và rất quan trọng trong việc giúp Singapore đạt được tham vọng khí hậu dài hạn của mình.

1.2. Thuế carbon

Từ tháng 1 năm 2019, Singapore cũng đã áp dụng thuế carbon, trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á áp dụng thuế này. Thuế này nhằm khuyến khích các công ty trong tất cả các lĩnh vực giảm lượng khí thải, tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi của Singapore sang nền kinh tế với hàm lượng carbon thấp. Nguồn thu từ thuế được chính phủ Singaporetái đầu tư để tài trợ cho các biện pháp giảm phát thải. Thuế suất được ấn định thấp và áp dụng trong phạm vi hẹp để thị trường có thời gian thích nghi. Thuế carbon của Singapore sẽ tăng dần từ mức 5 đô la Singapore/tấn khí thải carbon hiện tại lên tới 25 đô la vào năm 2024, 2025; 45 đô la vào năm 2026, 2027 và 50-80 đô la Singapore vào năm 2030. Các khoản thanh toán đầu tiên theo các mức thuế mới được đề xuất sẽ đến hạn vào năm 2025, dựa trên lượng khí thải năm 2024. Thuế được đánh trực tiếp vào các cơ sở trực tiếp thải ra ít nhất 25.000 tấn khí thải nhà kính hàng năm.

Đối tượng chịu tác động bởi thuế carbon là:

(1) Các cơ sở lớn tạo ra >25.000 tấn khí thải trực tiếp mỗi năm là đối tượng nộp thuế theo chương trình thuế carbon. Đây thường là các nhà máy lọc dầu và nhà máy điện;

(2) Người tiêu dùng năng lượng cuối cùng - trong khi người tiêu dùng nói chung không phải là nhà sản xuất khí thải quy mô lớn, thì những người mua điện hoặc năng lượng qua lưới điện (ngay cả khi người tiêu dùng không kích hoạt ngưỡng 25.000 tấn), cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Các nhà bán lẻ năng lượng sẽ chịu trách nhiệm trả thuế carbon cao hơn và do tác động tài chính đã lường trước, chi phí này sẽ chuyển sang người tiêu dùng là điều không thể tránh khỏi. Trong khi ngành điện sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nhất, thì chính người tiêu dùng của ngành này chắc chắn sẽ phải trả hóa đơn thông qua giá tiêu thụ năng lượng cao hơn.

(3) Phát triển các ngành mới và giúp các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế xanh nhằm đưa Singapore trở thành quốc gia dẫn đầu trong các lĩnh vực. Cụ thể, chương trình doanh nghiệp bền vững: Là một phần trong nỗ lực của chính phủ.

Singapore nhằm trao quyền, đầu tư vào các công ty đối tác cũng như cộng đồng trong quá trình chuyển đổi xanh, Enterprise Singapore ("ESG") đã khởi động Chương trình bền vững doanh nghiệp trị giá 180 triệu đô la Singapore để hỗ trợ các công ty Singapore, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong hành trình phát triển bền vững của họ và nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế xanh để duy trì tính cạnh tranh trong nền kinh tế địa phương và toàn cầu. Sự hỗ trợ như vậy sẽ tập trung vào phát triển các năng lực bền vững trong doanh nghiệp, tăng cường các năng lực cụ thể của ngành và thúc đẩy một hệ sinh thái bền vững sôi động và thuận lợi. ESG cũng đang làm việc với các đối tác trong ngành để phát triển các hội thảo đào tạo và các dự án phát triển sản phẩm hoặc năng lực. Hoặc ví dụ, Kế hoạch hành động Tài chính xanh Singapore của MAS nhằm phát triển Singapore thành một trung tâm tài chính xanh hàng đầu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi của Singapore sang nền kinh tế carbon thấp và thúc đẩy Singapore phát triển thành một trung tâm tài chính xanh, chính phủ Singapore đã công bố tại Ngân sách 2022 rằng khu vực công sẽ phát hành 35 tỷ đô la Singapore trái phiếu xanh vào năm 2030 để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh của khu vực công. Singapore cũng có tiềm năng trở thành một trung tâm dịch vụ carbon bằng cách hợp tác và hỗ trợ các công ty cũng như các bên liên quan khác trong việc quản lý lượng khí thải carbon của họ, từ các lĩnh vực như tài chính xanh đến tư vấn bền vững, xác minh, giao dịch tín dụng và quản lý rủi ro. Công việc cũng đang được tiến hành để phát triển hệ sinh thái các dịch vụ liên quan đến carbon của Singapore như phát triển dự án, cấp vốn, kinh doanh carbon và các dịch vụ tư vấn carbon thấp. Ví dụ, lực lượng đặc nhiệm ngành tài chính xanh đã ban hành một hướng dẫn triển khai chi tiết về việc công bố thông tin liên quan đến khí hậu của các tổ chức tài chính, một khuôn khổ giúp các ngân hàng đánh giá các giao dịch tài trợ thương mại xanh đủ điều kiện và một sách trắng phác thảo các khuyến nghị và đưa ra lộ trình mở rộng quy mô tài chính xanh trong lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng, quản lý quỹ và chuyển đổi. 

1.3. Trái phiếu xanh

Tháng 6 năm 2022, chính phủ Singapore đã công bố Khuôn khổ trái phiếu xanh Singapore, một khuôn khổ quản trị cho các đợt phát hành trái phiếu xanh có chủ quyền. Các cơ quan chính phủ là các nhà cung cấp dịch vụ cố định cung cấp tư vấn liên quan đến tính bền vững, phát triển dự án carbon, kinh doanh carbon và dịch vụ đảm bảo cho các tổ chức tài chính và công ty. Vào tháng 5 năm 2021, Ngân hàng DBS, Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX), Ngân hàng Standard Chartered và Temasek Holdings đã công bố một liên doanh, Climate Impact X, để thiết lập thị trường và trao đổi carbon toàn cầu cho các công ty tiếp cận các khoản tín dụng carbon chất lượng cao sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp địa phương cũng là giải pháp để thúc đẩy phát triển trong lĩnh vực này, bao gồm Kế hoạch nghiên cứu, đổi mới doanh nghiệp 2025. Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển và thương mại hóa các giải pháp đổi mới liên quan đến tính bền vững, chẳng hạn như năng lượng sạch và tái tạo, nền kinh tế tuần hoàn và các giải pháp ít carbon.

1.4. Chính sách phát triển lực lượng lao động trong nền kinh tế xanh

Chính phủ Singapore tập trung thực hiện biện pháp nhằm trang bị cho lực lượng lao động những kỹ năng và bí quyết cần thiết để thích ứng phù hợp trong nền kinh tế xanh. Ví dụ, cơ quan thị trường năng lượng đã làm việc với Viện công nghệ Singapore để phát triển chương trình cử nhân kỹ thuật điện chuyên dụng đầu tiên của Singapore. Điều này sẽ trang bị cho sinh viên tốt nghiệp năng lực kỹ thuật, kỹ năng và kiến thức cho các giải pháp năng lượng mới của Singapore. Trung tâm tài chính xanh Singapore và Viện tài chính xanh và bền vững cũng đang phát triển các khóa học nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực tài năng tài chính xanh trong mọi lĩnh vực nghề nghiệp.

1.5. Hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế xanh

Vào ngày 18/10/2022, Singapore và Úc đã ký kết Hiệp định Kinh tế xanh (GEA) giữa hai nước (Australian Government, 2023). Chính phủ Úc và Singapore hy vọng GEA sẽ đóng vai trò là người mở đường cho các thỏa thuận quốc tế trong tương lai về thương mại và bền vững môi trường. Thông qua GEA, Úc và Singapore đang đặt nền móng cần thiết cho các hoạt động kinh tế xuyên biên giới nhằm thúc đẩy tăng trưởng và giảm phát thải. Điều này bao gồm tạo thuận lợi cho dòng hàng hóa và dịch vụ môi trường, tài chính xanh và chuyển đổi, và năng lượng sạch. Việc triển khai GEA sẽ có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức và các bên liên quan khác hỗ trợ quá trình chuyển đổi kinh tế sang mức phát thải ròng bằng không.

GEA bao gồm bảy lĩnh vực chính: (i) thương mại và đầu tư ; (ii) tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp ; (iii) tài chính xanh và chuyển đổi ; (iv) thị trường carbon ; (v) năng lượng sạch, khử cacbon và công nghệ ; (vi) kỹ năng và năng lực ; và (vii) cam kết và hợp tác. Theo GEA, Australia và Singapore sẽ cùng thực hiện 17 sáng kiến thiết thực. Được nêu bật trong các Phụ lục GEA, những sáng kiến này nhằm mang lại những kết quả hữu hình để mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhiều sáng kiến trong số này đã bắt đầu. GEA sẽ được cập nhật thường xuyên và các hoạt động mới và bổ sung có thể được thêm vào theo thời gian. GEA sẽ phục vụ như một mô hình hợp tác với các đối tác khác để hỗ trợ quá trình chuyển đổi khu vực sang các nền kinh tế phát thải ròng bằng không.

Tháng 01 năm 2023, Singapore đã ký kết một thỏa thuận song phương với Malaysia về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế xanh và kỹ thuật số. Thỏa thuận tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như thiết lập tiêu chuẩn và triển khai các điểm sạc cho xe điện, đồng thời cùng khám phá các dự án về giải pháp carbon thấp, đặc biệt là thu hồi, sử dụng và lưu trữ hydro và carbon. Hai bên cũng sẽ trao đổi thông tin về thị trường carbon, khám phá sự hợp tác giữa các công ty của họ trong các dự án tín chỉ carbon và xem xét phát triển các tiêu chuẩn công nghệ mới và năng lượng tái tạo để hỗ trợ quá trình khử carbon trong nước và khu vực.

Tháng 2 năm 2023, Singapore đã ký kết với Việt Nam một Biên bản ghi nhớ về quan hệ đối tác kinh tế số, kinh tế xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hợp tác trong các lĩnh vực mới và tiềm năng như kinh tế số, kinh tế xanh và tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu...Theo đó, Việt Nam và Singapore sẽ đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm quản lý, các sáng kiến, nền tảng trong chuyển đổi số trên 3 trụ cột, gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Phía Singapore sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực ưu tiên, như quản lý dân cư, tài chính ngân hàng, đất đai, thương mại điện tử... Về kinh tế xanh, Singapore sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, hướng tới giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050. Việc thúc đẩy kết nối lưới điện giữa Việt Nam - Singapore được kỳ vọng là hình mẫu cho hợp tác về thương mại, kết nối điện trong ASEAN, phục vụ các mục tiêu bền vững.

Ngày 1 tháng 3 năm 2023, Chính phủ Cộng hòa Singapore và Chính phủ Vương quốc Anh đã ký Biên bản ghi nhớ để thiết lập Khung kinh tế xanh song phương (GEF). Khung kinh tế xanh Anh-Singapore đổi mới kết hợp các yếu tố của chính sách khí hậu, kinh tế và thương mại. Điều này sẽ cho phép cả hai quốc gia đạt được các mục tiêu khử cacbon quốc gia phù hợp với Thỏa thuận Paris đồng thời tăng cường an ninh năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua đầu tư mới, tạo việc làm và cơ hội xuất khẩu. Sự hợp tác này sẽ diễn ra trên ba trụ cột chính: giao thông xanh, công nghệ năng lượng carbon thấp, tài chính bền vững và thị trường carbon.

2. Bài học phát triển kinh tế xanh của Singapore và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam

Có thể nói, để phát triển kinh tế xanh, Singapore đã chú ý:

Thứ nhất, Singapore quan tâm đến vấn đề phát triển nền kinh tế xanh từ rất sớm và thực hiện mạnh mẽ trong những năm gần đây. Chính phủ Singapore đã ban hành Chính sách phát triển nền kinh tế xanh với biện pháp cụ thể, đầu tư vốn thực hiện và tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế xanh.

Thứ hai, Singapore là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á thực hiện việc định giá carbon, ban hành thuế carbon để áp dụng nhằm làm giảm khí thải, tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi của Singapore sang nền kinh tế với hàm lượng carbon thấp. Việc định giá carbon theo một lộ trình hợp lý, tạo sự thích nghi dần dần với mức thuế từ thấp đến cao.

Thứ ba, Singapore tích cực ký kết các thỏa thuận song phương liên quan đến phát triển nền kinh tế xanh với các đối tác thương mại lớn của quốc gia này như Vương quốc Anh hoặc Australia, Việt Nam, Malaysia. Chẳng hạn như Vương quốc Anh là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Singapore và là điểm đến đầu tư lớn thứ hai ở châu Âu đối với các công ty Singapore. Qua những thỏa thuận song phương này sẽ giúp Singapore khử carbon cũng như giúp doanh nghiệp và người lao động nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế xanh.

Từ kinh nghiệm của Singapore nghiên cứu ở trên, để phát triển nền kinh tế xanh mang lại nhiều kết quả hơn nữa trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cần xem xét những giải pháp sau đây:

Thứ nhất, đẩy mạnh xúc tiến ký kết các thỏa thuận song phương với các đối tác thương mại lớn để tăng cường hợp tác phát triển nền kinh tế xanh với hàm lượng carbon thấp.

Thứ hai, tập trung đầu tư nguồn vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhằm phát triển bền vững, tìm kiếm và tạo cơ hội việc làm cho người lao động. Phát triển các hệ thống sản xuất sử dụng năng lượng hiệu quả nhất; Đầu tư và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, carbon thấp để cung cấp năng lượng cho các nhà máy và máy móc; Tái chế càng nhiều càng tốt và sử dụng bao bì tái chế để phân phối sản phẩm. Chính phủ nên xây dựng Dự thảo Luật tái chế để trình Quốc hội xem xét, thông qua nhằm điều chỉnh cụ thể về việc tái chế, phục vụ bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xanh.

Thứ ba, tập trung xây dựng chương trình đào tạo, đổi mới đào tạo của ngành nghề như năng lượng và tài tạo năng lượng tạo nguồn nhân lực cao cho nền kinh tế xanh; hoàn thiện khung pháp lý cho nền kinh tế xanh như ban hành văn bản áp dụng thuế carbon, vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính vừa sử dụng nguồn thu này quay trở lại đầu tư cho bảo vệ môi trường.

Thứ tư, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường; tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường như đổi mới sáng tạo trong sản xuất; thực hiện các biện pháp nhằm tận dụng những mặt tích cực của biến đổi khí hậu, giảm thiểu những rủi ro để phát triển kinh tế hài hòa với thiên nhiên. Tăng cường hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Xây dựng cơ cấu kinh tế xanh trong đó chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ sinh học và môi trường cho hạ tầng xã hội, thúc chuyển dịch tăng trưởng xanh bằng tín dụng vi mô.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Singapore Government Agency Website (2023), Growing Singapore’s Green Economy, https://www.sg101.gov.sg/economy/case-studies/growing-sg-greeneconomy/.

2. MTI (2021), Economic survey of Singapore 2021, https://www.mti.gov.sg/2021 /ch1_AES2021.

3. Lê Việt Anh (2020), Nhìn lại 5 năm thực hiện tăng trưởng xanh ở Việt Nam: Thành tựu và những cơ hội xanh hóa, Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 01+02 tháng 01/2020.

4. Khánh Nam (2022), Phát triển kinh tế xanh cần nhiều giải pháp gỡ khó, https://vietnamfinance.vn/phat-trien-kinh-te-xanh-can-nhieu-giai-phap-go-kho-20180504224277896.htm

TS. Bùi Thị Thùy Nhi

Học viện Hành chính Quốc gia

Tạp chí in số tháng 7/2024
Bạn đang đọc bài viết Chính sách phát triển nền kinh tế xanh của Singapore - giá trị tham khảo cho Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899