Chủ tịch Bamboo Airways rời khỏi FLC

12/08/2023, 09:12
báo nói -

TCDN - Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vừa công bố thông tin bất thường về việc ông Lê Thái Sâm, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways đã từ nhiệm, không còn là thành viên HĐQT của FLC.

Cụ thể, ngày 10/8, ông Lê Thái Sâm đã nộp đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của CTCP Tập đoàn FLC. Trong ngày 11/8, HĐQT FLC đã họp và thống nhất trình đại hội đồng cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT của ông Sâm tại doanh nghiệp này. 

Ông Lê Thái Sâm sinh năm 1964, tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân Tp.HCM năm 1986, có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ, tài chính - ngân hàng.

Ông Lê Thái Sâm, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airway đã từ nhiệm, không còn là thành viên HĐQT của FLC.

Ông Lê Thái Sâm, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airway đã từ nhiệm, không còn là thành viên HĐQT của FLC.

Tháng 7/2022, ông Lê Thái Sâm được bầu làm Thành viên HĐQT FLC cùng với ông Lê Bá Nguyên và ông Doãn Hữu Đoàn. Đến tháng 8/2022, ông Sâm tiếp tục tham gia làm thành viên HĐQT Bamboo Airways. Hồi đầu tháng 7/2023, ông Lê Thái Sâm được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways sau khi ông Oshima Hideki xin từ nhiệm. Ông Sâm hiện sở hữu số cổ phần tương đương trên 50% vốn điều lệ của hãng bay này. 

Trước đây, ông Sâm từng là Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Sắt thép Cửu Long. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang làm thủ tục giải thể. Ông Sâm cũng là “ông chủ” của Công ty cổ phần Sắt thép Thăng Long, thế nhưng doanh nghiệp này cũng đang ngừng kinh doanh và đóng mã số thuế. 

Ông Sâm cũng là Tổng giám đốc của Công ty TNHH Sun, thành lập năm 2006 tại Đà Nẵng; thành viên HĐQT Công ty cổ phần Khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Bên cạnh đó, ông Sâm từng là Ủy viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại DIC (mã chứng khoán: DIG).

Ông Sâm ngồi lên “ghế nóng” cầm lái cho Bamboo Airways trong bối cảnh doanh nghiệp này đang liên tục thua lỗ. Năm 2022, Bamboo Airways báo lỗ giảm so với năm 2021, song hãng bay này vẫn đang lỗ gộp 3.209 tỷ đồng.  

Đáng chú ý, theo lý giải của lãnh đạo Bamboo Airways tại cuộc họp cổ đông giữa tháng 6, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên 12.750 tỷ đồng (năm 2022 hơn 158 tỷ đồng). Lý do, hãng đã trích lập dự phòng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi gần 9.700 tỷ đồng và trích lập dự phòng cho các khoản phải thu dài hạn khó đòi 2.800 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến Bamboo Airways lỗ lũy kế sau thuế 17.619 tỷ đồng, tăng vọt so với mức lỗ của năm 2021 là 2.281 tỷ đồng. 

Tổng tài sản của Bamboo Airways tại ngày 31/12/2022 là 18.008 tỷ đồng, giảm 8.849 tỷ đồng so với năm trước. Vốn chủ sở hữu âm 836 tỷ đồng, dù phần vốn góp của chủ sở hữu vẫn là 18.500 tỷ đồng. Nợ phải trả của Bamboo Airways thời điểm cuối năm 2022 ở mức 18.843 tỷ đồng; trong đó tổng nợ vay ở mức 10.623 tỷ đồng, tăng 5.830 tỷ đồng so với 2021, chủ yếu là tăng các khoản nợ vay ngắn hạn. 

Mặc dù chưa có báo cáo tài chính cho hai quý đầu năm 2023, nhưng theo báo cáo của ban điều hành Bamboo Airways, tình hình kinh doanh 5 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu tích cực. Tổng doanh thu thuần 5 tháng đầu năm đạt bằng 51% tổng doanh thu năm 2022. Trong đó, tháng 1, Bamboo Airways đã đạt điểm hòa vốn nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi là hàng không. 

Tuy nhiên, năm 2023, hoạt động kinh doanh của Bamboo Airways dự kiến vẫn sẽ lỗ, dù mức lỗ được kỳ vọng sẽ giảm tương đối so với năm 2022. 

Kể từ khi người sáng lập Bamboo Airways là ông Trịnh Văn Quyết vướng vòng lao lý, hãng bay này liên tục có những biến động trong dàn nhân sự cấp cao.

Trước thềm đại hội cổ đông thường niên vào tháng 6/2023, toàn bộ thành viên HĐQT Bamboo Airways đã xin từ nhiệm, gồm các ông: Nguyễn Ngọc Trọng, Doãn Hữu Đoàn, Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm và Nguyễn Mạnh Quân.  

Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 2 tháng có dàn nhân sự mới, ngày 11/7, Bamboo Airways bất ngờ thông báo thay đổi nhân sự trong HĐQT. Theo đó, HĐQT đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm của 4 thành viên, gồm: Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, ông Hideki Oshima; Phó chủ tịch thường trực HĐQT Bamboo Airways, ông Nguyễn Ngọc Trọng; 2 Phó chủ tịch HĐQT Bamboo Airways là ông Doãn Hữu Đoàn và  ông Phan Đình Tuệ. 

Sau đó, HĐQT Bamboo Airways cũng thông qua quyết định bầu các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028 thay thế các thành viên từ nhiệm. Ông Lê Thái Sâm sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT; ông Oshima Hideki giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực HĐQT; ông Lê Bá Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Trọng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch HĐQT. 

Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Trọng kiêm đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Bamboo Airways thay thế ông Nguyễn Minh Hải đã từ nhiệm trước đó. Ông Hải từng là Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, đã đưa ra các cam kết tái cấu trúc mạnh mẽ với Bamboo Airways vào thời điểm nhậm chức. Đáng nói, ông Hải từ nhiệm chỉ sau chưa đầy 2 tháng giữ cương vị Tổng giám đốc Bamboo Airways.  

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch Bamboo Airways rời khỏi FLC tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Ông Lê Thái Sâm làm Chủ tịch Bamboo Airways
HĐQT Công ty cổ phần hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) vừa thông qua các nội dung liên quan đến cơ cấu mới của ban lãnh đạo và điều hành. Theo đó, ông Lê Thái Sâm được bầu làm Chủ tịch Bamboo Airways.
Bamboo Airways đề cử thành viên Sacombank vào HĐQT
Bamboo Airways công bố danh sách ứng viên HĐQT gồm 7 thành viên với 3 người mới, trong đó có một thành viên HĐQT Ngân hàng Sacombank là ông Phan Đình Tuệ, nguyên Phó tổng giám đốc Sacombank.