Chủ tịch Nghệ An ra "tối hậu thư" về giải ngân vốn đầu tư công

24/08/2021, 20:13

TCDN - Không có khả năng giải ngân, sớm đề xuất điều chuyển giảm vốn ngay, tuyệt đối không có tư tưởng giữ vốn làm chậm tiến độ giải ngân chung của tỉnh -  Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2021.

Dự án đường ven biển ở Nghệ An.

Dự án đường ven biển ở Nghệ An.

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công điện 26/CĐ-UBND do đích thân ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh ký yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Ban quản lý dự án và các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) năm 2021.

Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2021, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2021 đạt 100% kế hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Ban quản lý dự án và các chủ đầu tư xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021, là ý thức thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn ĐTC.

Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn ĐTC, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ đầu tư và Giám đốc các Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn ĐTC của cơ quan, đơn vị mình.

Các chủ đầu tư cần kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm chất lượng công trình, chậm tiến độ và vi phạm hợp đồng. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý ĐTC. Kết quả giải ngân dự án ĐTC là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị…

Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đến ngày 10/8/2021 dưới mức bình quân cả tỉnh (dưới 39,13%) tổ chức kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đồng thời, thực hiện rà soát chi tiết các khó khăn, vướng mắc của từng dự án, nguyên nhân giải ngân chậm, giải pháp khắc phục và dự kiến khả năng giải ngân đến ngày 30/9/2021 và 31/01/2022.

Đặc biệt, trường hợp không có khả năng giải ngân, sớm đề xuất điều chuyển giảm vốn ngay, tuyệt đối không có tư tưởng giữ vốn làm chậm tiến độ giải ngân chung của tỉnh. Báo cáo gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/9/2021 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng trên cơ sở kiện toàn Tổ công tác số 1 về lĩnh vực ĐTC để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công. Trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, Tổ công tác đặc biệt thành lập đường dây nóng tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (qua số điện thoại 0868378172) để tiếp nhận thông tin và chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền liên quan giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị nhằm đạt hiệu quả cao nhất về giải ngân vốn ĐTC.

Được biết, kết quả giải ngân vốn ĐTC toàn tỉnh đến ngày 10/8/2021 mới đạt 39,13% so với kế hoạch vốn năm 2021 đã được giao chi tiết, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (46,73%), đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (13,63%).

Một số địa phương có kết quả giải ngân đạt cao (trên 60%) như: Tương Dương (89,97%), thành phố Vinh (83,53%), Kỳ Sơn (82,16%), Thanh Chương (77,13%), Nghĩa Đàn (67,45%), Diễn Châu (62,8%). Bên cạnh đó vẫn còn nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như: Anh Sơn (29,62%), Nghi Lộc (28,24%), Con Cuông (27,91%), Hưng Nguyên (24,07%), TX Cửa Lò (23,43%), TX Hoàng Mai (20%).

Đặc biệt, một số cơ quan, đơn vị chưa giải ngân (0%), như: Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Trung tâm giống cây trồng Nghệ An, Trường THPT Nam Đàn 2, Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An.

Ngọc Tuấn
Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch Nghệ An ra "tối hậu thư" về giải ngân vốn đầu tư công tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan