Chuyển đổi số: Doanh nghiệp chuyển mình, “đổi phận”

28/11/2022, 16:08

TCDN - Chuyển đổi số được xem là giải pháp căn cơ nhất để doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng chuyển đổi mô hình kinh doanh mới, thay đổi số phận. Theo đó, thay vì thụ động trước thách thức đặt ra, doanh nghiệp thay đổi cách thức vận hành để tạo ra giá trị đột phá, từ đó tăng năng suất.

3-4

Lấy lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn

Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, nhưng chúng ta lại phải đối mặt với các khó khăn khác như lạm phát, suy thoái, khủng hoảng năng lượng... nên doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp đều phải cắt giảm chi phí. Vậy tại sao lại phải chuyển đổi số? Nhiều người cho rằng chuyển đổi số là phải tăng chi phí, trong khi khó khăn như vậy, nhưng thực tế câu chuyện lại rất khác. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới và sớm vượt qua khủng hoảng.

“Kinh nghiệm cho thấy, những doanh nghiệp có áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số khi gặp khủng hoảng, họ cũng suy yếu nhưng có khả năng phục hồi nhanh hơn, và sau khủng hoảng họ đã lấy lại tốc độ tăng trưởng với tỷ suất lợi nhuận trên tổng doanh thu cao hơn.

Những doanh nghiệp dù rất lớn mạnh, nhưng không chuyển đổi số thì khi lao dốc trong khủng hoảng cũng như nhau, nhưng khả năng phục hồi chậm hơn và sau khủng hoảng rất khó để đạt được trạng thái đã có trước đó. Riêng những doanh nghiệp nhỏ không có khả năng chuyển đổi số sẽ bị rơi vào tầng rất sâu và khó bật trở lại. Như vậy, cắt giảm chi phí là cần thiết nhưng không phải cắt tất cả, chúng ta cần phải chi tiêu cho chuyển đổi số”, ông Đường phân tích.

Các số liệu cho thấy, có 69% doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đẩy nhanh chuyển đổi số để đối phó với đại dịch, nhưng con số này ở Việt Nam là 47%, cho nên chuyển đổi số là một nhu cầu cấp thiết đối với nước ta.

Ông Nguyễn Trọng Đường cho biết thêm, 94% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, công nghệ số là một giải pháp mà họ không thể bỏ, chỉ có 6% cho rằng công nghệ số cần phải cắt giảm khi khủng hoảng. Ở dịch vụ mà các doanh nghiệp đang sử dụng, có 95% các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, hoặc các dịch vụ khác như thương mại điện tử... Đây là những tỷ lệ cao cho thấy các doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ số. Trong khi Việt Nam có 71% dân số đang sử dụng Internet, trung bình mỗi người dùng Internet sẽ sử dụng 9 dịch vụ số và con số này gần gấp đôi so với trước đại dịch. Các dịch vụ số, thương mại điện tử, mua bán trực tuyến, gọi xe, gọi đồ ăn được rất nhiều người dùng, trong khi trước đó mọi người chỉ sử dụng dịch vụ truyền thông như nhắn tin, gọi điện, truy cập internet dùng mạng xã hội. Đến nay đã sử dụng thêm nhiều dịch vụ khác, thống kê cho thấy những người đã sử dụng dịch vụ này thì xu hướng không dùng nữa sau đại dịch rất ít. Ví dụ, 60% những người sử dụng thương mại điện tử sẽ giữ tần suất sử dụng như cũ còn 30% có xu hướng sử dụng nhiều hơn sau đại dịch. Ngay cả mua hàng tạp hóa trên mạng cũng vậy, có 54% giữ nguyên mức độ còn 29% là mua nhiều hơn.

Qua đó các số liệu cho thấy, thói quen thay đổi trong đại dịch và sau đại dịch đã được giữ nhiều hơn, vì vậy, bán hàng online, quảng cáo trực tuyến, đặc biệt chuyển đổi số để cung cấp các dịch vụ tiếp cận nhanh hơn đến khách hàng là xu hướng tất yếu. Nhưng làm thế nào để chuyển đổi số thực chất hiệu quả, các doanh nghiệp phải tính toán căn cơ.

Các doanh nghiệp cần có chuyển đổi số để phục hồi và phát triển, trong đó công nghệ không quan trọng mà phải ra được bài toán đúng, khi đó công nghệ mới giải quyết được câu chuyện này cho chúng ta. Trong đó, có các lĩnh vực mà một doanh nghiệp phải quan tâm như tiếp thị bán hàng, tài chính, thanh toán, hoạt động chuỗi cung ứng hành chính nhân sự, hệ thống thông tin...

Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp cần phân biệt sự khác nha giữa công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Ứng dụng công nghệ thông tin là ứng dụng một quy trình có sẵn, còn khi chuyển đổi số thì chúng ta phải thay đổi cách thức làm việc, tự động hóa thông tin và quy trình thay đổi phương thức hoạt động. Nói cách khác, ứng dụng công nghệ thông tin tập trung vào phục vụ nội bộ, nhưng chuyển đổi số tập trung vào cung cấp dịch vụ khách hàng, phục vụ người dùng.

Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện chiến lược chuyển đổi số, trong thời đại kinh tế số, quy mô lớn hay nhỏ không quan trọng mà quan trọng là “đi nhanh hay đi chậm”. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, chuyển đổi số không còn là viễn cảnh xa vời, mà là một nhu cầu tất yếu, quyết định sự sống còn đối với mỗi doanh nghiệp.

Chuyên gia cho rằng, chuyển mình và đổi số là sự chuyển đổi mô hình kinh doanh mới để thay đổi số phận doanh nghiệp. Thay vì chịu tác động trực tiếp, thụ động trước thách thức đặt ra, doanh nghiệp thay đổi cách thức vận hành để tạo ra giá trị đột phá, từ đó tăng năng suất.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang nhầm lẫn việc ứng dụng các công nghệ, dữ liệu hiện nay vào hoạt động và coi đó là chuyển đổi số. Thực tế, chuyển đổi số là cách thức sử dụng công nghệ để tạo sự chuyển đổi trong hoạt động doanh nghiệp. Nếu chỉ áp dụng công nghệ, mà kết quả năng suất vẫn thấp, không tạo đột phá thì chưa thể coi là chuyển mình - đổi số.

Để làm được điều đó, ông Lê Trường Giang khuyến nghị bản thân doanh nghiệp cần nhìn nhận chính mình, định hình lại, với nguồn lực và điều kiện của mình, để từ đó lựa chọn cách tiếp cận, cả về tài chính, quản lý nhân sự, marketing, mô hình thứ bậc sang mô hình nền tảng...; làm sao tối ưu được nguồn lực, công cụ doanh nghiệp đang có. “Chúng ta hay nói, chuyển đổi số là thách thức với doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi yếu tố nhân lực, công nghệ... Nhưng quan trọng là doanh nghiệp đó có biết các ứng dụng, thích ứng với công nghệ họ đang có, lựa chọn công nghệ, ứng dụng một cách hợp lý, hiệu quả và tránh lãng phí hay không?”, ông Lê Nguyễn Trường Giang cho biết thêm.

Để chuyển đổi số, việc phân bổ nguồn lực cũng đang là thách thức lớn với doanh nghiệp và mang tính quyết định cho việc có hay không chuyển đổi số ở doanh nghiệp. Dù đây là bài toán khó với doanh nghiệp lần đầu tiên bước vào quá trình chuyển đổi số song theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ nếu giải quyết được vấn đề này, doanh nghiệp sẽ đạt được lợi ích lâu dài trong tương lai.

8 xu hướng chuyển đổi số

Ông Lưu Nhật Quang - Giám đốc sản xuất Công ty 1C Việt Nam dự báo sẽ có 8 xu hướng chuyển đổi số đối với doanh nghiệp sản xuất trong năm 2023 bao gồm: Chuyển đổi tập trung tối ưu chi phí; chiến lược cải thiện chuỗi cung ứng; tự động hóa quy trình; Low code (mã hóa người sử dụng cuối); Ecosytem (hệ sinh thái); tư vấn độc lập; nền công nghiệp 4.0 và máy tính học; Driven và CX (thiết bị kiểm soát).

Năm 2023 được dự báo sẽ là một năm đầy khác biệt, áp lực lạm phát, những khó khăn trong chuỗi cung ứng và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm đều đang châm ngòi cho ngọn lửa này. Do đó, các doanh nghiệp có xu hướng thay đổi quan điểm từ chuyển đổi tập trung vào tăng trưởng sang tiết kiệm chi phí. Xu hướng chuyển đổi số sẽ được thúc đẩy bởi điều đó. Chuyển từ cạnh tranh công nghệ sang cạnh tranh về dịch vụ hệ sinh thái, low-code, nền công nghiệp 4.0 và máy học…

Thực tế cho thấy, việc thiếu những giải pháp cho phép tùy chỉnh linh hoạt là nguyên nhân của những rào cản trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp hiện nay. Các giải pháp này thường không thể hoặc rất khó để mở rộng và tùy chỉnh theo nhu cầu của công ty. Điều này có nghĩa là phần mềm không thể đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt vòng đời kinh doanh, đặc biệt là khi doanh nghiệp muốn phát triển và mở rộng, do đó có thể tốn thời gian và không hiệu quả về chi phí.

Cụ thể, khi nói đến việc lập trình riêng một phần mềm dành riêng cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể gặp phải nhiều vấn đề kỹ thuật và chi phí, có thể làm chậm quá trình và dẫn đến thất bại trong việc khởi chạy, triển khai và kết hợp phần mềm vào cấu trúc kinh doanh đã tồn tại. Hơn nữa, các phần mềm truyền thống với thiết kế mã nguồn mở có thể tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ dữ liệu và tạo ra các lỗ hổng bảo mật, đây là mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp. Trong kỷ nguyên số bảo mật dữ liệu là điều hết sức quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp.

Trong khi đó, một số giải pháp hiện có trên thị trường được thiết kế với chức năng cố định, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi quy trình làm việc hiện có để phù hợp với quy trình vận hành của phần mềm.

Trong thời đại kỹ thuật số, tốc độ thay đổi và đổi mới vô cùng chóng mặt. Chiến lược lựa chọn nhà cung cấp với một hệ sinh thái chuyển đổi số giúp cho các doanh nghiệp có một mô hình chuyển đổi cần thiết cho sự thành công và bảo mật bền vững.

Một hệ sinh thái bao gồm các giải pháp, ứng dụng và hệ thống nội bộ, các đối tác, và các công nghệ liên quan sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số. Phần lớn doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số hiện nay thường tập trung vào hệ sinh thái nội bộ hoặc hệ sinh thái dựa trên quan hệ đối tác.

Các chuyên gia đầu ngành trong chuyển đổi số cho rằng, mức độ cạnh tranh của một doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến khả năng quản lý các quy trình hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đó. Muốn tồn tại, doanh nghiệp phải áp dụng kỹ thuật số hóa như một phần cơ bản cốt lõi của họ. Chuyển đổi số trong ngành sản xuất từ chỗ là một lựa chọn có thể mang lại cho các công ty lợi thế cạnh tranh thì nay trở thành một điều thiết yếu để tồn tại trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp sản xuất đang gặp nhiều khó khăn trong hành trình lựa chọn con đường chuyển đổi số phù hợp với mô hình doanh nghiệp của mình. Vậy chuyển đổi số là gì và làm sao để doanh nghiệp vượt qua thách thức, khủng hoảng bằng chuyển đổi số, để họ thực sự “chuyển mình và đổi số” là vấn đề rất quan trọng với doanh nghiệp.

Hoàng Hà
Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi số: Doanh nghiệp chuyển mình, “đổi phận” tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Giải nỗi lo thiếu chi phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số
Lo ngại thiếu chi phí đang là rào cản lớn nhất khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa coi chuyển đổi số là “sân chơi” của những ông lớn. Phần lớn các doanh nghiệp chưa ứng dụng giải pháp số cho hệ thống phê duyệt nội bộ trực tuyến cũng như phần mềm quản lý văn bản và điều hành trực tuyến.