Chuyên gia WB: Việt Nam còn dư địa tài khóa dồi dào để hành động

14/03/2023, 11:10
báo nói -

TCDN - Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa dồi dào để hành động. Trước mắt, trọng tâm cần nhằm vào triển khai dự toán đầu tư, bao gồm các dự án được xác định trong chương trình chính sách phục hồi và phát triển kinh tế.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới trả lời phỏng vấn Tạp chí Tài chính doanh nghiệp liên quan đến triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách tài khóa đã và đang là trụ cột của nền kinh tế. Bà đánh giá như thế nào về tình hình thực hiện ngân sách và chính sách tài khóa của Việt Nam trong năm qua?

Chính phủ dự kiến bội chi ngân sách ở mức 4,2% GDP, nhưng số liệu cho thấy ngân sách bội thu trong hầu hết các tháng của năm 2022, dẫn đến tổng bội thu ngân sách ước lên đến 1,4% GDP. Bội thu là do số thu ngân sách cao hơn dự kiến (18,9% GDP) và chi tiêu thấp hơn dự toán (17,5% GDP), còn chi trả lãi nợ vay chiếm 1,1% GDP. Bội thu ngân sách cơ bản ước đạt 2,5% GDP.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới.

Bội thu có được  một phần nhờ kết quả thu ngân sách đạt cao hơn dự toán (+26,4%). Các thủ tục và chính sách dẫn đến ngân sách được thực hiện thấp hơn dự toán cũng góp phần dẫn đến bội thu.

Chính phủ vẫn còn dư địa tài khóa dồi dào và nợ vẫn ở mức bền vững. Dư địa tài khóa có được một phần do thực hiện thấp dự toán chi đầu tư trong vài năm qua, qua đó giảm nợ công và nợ được khu vực công bảo lãnh từ đỉnh 50,9% GDP (tính theo phương pháp GFS) năm 2016 xuống còn khoảng 39,3% GDP (tính theo phương pháp GFS) trong năm 2021 - thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 60% nợ trên GDP do Quốc hội đề ra. Cơ quan có thẩm quyền cũng thực hiện các biện pháp nhằm kéo dài kỳ hạn nợ và giảm phụ thuộc vào nợ nước ngoài (giảm từ 14,7% GDP năm 2021 xuống còn 12,3% GDP năm 2022). Trong năm 2022, do vượt thu và các vấn đề trong thực hiện ngân sách, chúng tôi ước tính tổng cân đối ngân sách sẽ bội thu một khoản 1,4% GDP. Số bội thu này - kết hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, dư nợ được khu vực công bảo lãnh và chi trả nợ nước ngoài giảm - sẽ góp phần giảm tỷ lệ nợ công và được khu vực công bảo lãnh xuống còn 35,7% GDP.

Trước tình hình biến động thế giới, trong năm 2023, theo bà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với rủi ro như thế nào?

Tôi cho rằng rủi ro về cơ bản là cân bằng. Trước mắt, Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro tăng cao liên quan đến những trở ngại bên ngoài và nguy cơ dễ tổn thương trong nước. Áp lực lạm phát kéo dài và viễn cảnh chính sách tiền tệ còn bị thắt chặt hơn nữa, nhất là ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển khác có thể gây ra biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu và cản trở tăng trưởng kinh tế thậm chí còn hơn nữa vào thời điểm suy giảm vốn đã xảy ra. Quá trình phục hồi không đồng đều hoặc không đầy đủ ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng hơn đến tăng trưởng và diễn biến thương mại ở Việt Nam.

Ngoài ra, rủi ro phi toàn cầu hóa vẫn đang lơ lửng trước mắt, khi xung đột và căng thẳng địa chính trị gia tăng làm dấy lên bất định về hướng đi của tăng trưởng và thương mại toàn cầu trong tương lai, ảnh hưởng đáng kể đến các nền kinh tế mở quy mô nhỏ như Việt Nam.

Nhìn từ trong nước, lạm phát cao và rủi ro tài chính gia tăng, dẫn đến áp lực mất ổn định về chi phí sản xuất và lương danh nghĩa. Lạm phát cao hơn và kéo dài hơn có xu hướng làm giảm động lực tiêu dùng trong nước do giá cả các mặt hàng cao hơn, đồng thời giảm động lực đầu tư trong nước do bất định về tình hình kinh tế gia tăng. Những yếu kém trong cơ chế chính sách và giám sát khu vực tài chính cùng những yếu kém trên bảng cân đối tài sản của khu vực ngân hàng, doanh nghiệp và hộ gia đình có thể làm tăng thêm rủi ro, qua đó ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và người tiêu dùng trong nước.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Với nhưng rủi ro như trên, bà đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023?

Triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi theo dự báo cơ sở. Với những khó khăn trong nước và ngoài nước, GDP dự kiến tăng trưởng 6,3% trong năm 2023. Mặc dù lĩnh vực du lịch tiếp tục phục hồi (nhờ du khách Trung Quốc dần quay lại với đóng góp khoảng 30% tổng lượt du khách đến Việt Nam trước đại dịch), tăng trưởng của khu vực dịch vụ sẽ chững lại do hiệu ứng xuất phát điểm thấp sau Covid-19 yếu đi.

Nhu cầu trong nước dự kiến bị ảnh hưởng do lạm phát dự kiến cao hơn (bình quân 4,5%) trong năm 2023. Trong nửa đầu năm 2023, tốc độ tăng xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến sẽ chậm lại do nhu cầu tại Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro yếu đi, trong khi lộ trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn nhiều bất định. Mặc dù vậy, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi từ nửa cuối năm, qua đó đem lại tác động tích cực cho xuất khẩu. Tăng trưởng dự kiến đạt 6,5% từ năm 2024 trở đi nhờ xuất khẩu khởi sắc hơn khi cả ba thị trường chính của Việt Nam (Hoa Kỳ, khu vực đồng euro và Trung Quốc) đều được phục hồi.

Theo kịch bản cơ sở, cán cân tài khóa dự kiến sẽ ghi nhận thâm hụt nhỏ trong khi chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục thận trọng. Cân đối tài khóa sẽ tiếp tục được xác định trên cơ sở số thực hiện thu ngân sách cao hơn kế hoạch và các thách thức phát sinh trong triển khai thực hiện ngân sách, gây ảnh hưởng đến số thực chi đầu tư công.

Tài khoản vãng lai dự kiến sẽ thặng dư ở mức nhỏ trong trung hạn nhờ kết quả xuất khẩu hàng hóa, lượt du khách nước ngoài được phục hồi và nguồn kiều hối vẫn đứng vững.

Lạm phát CPI bình quân dự kiến rơi vào khoảng 4,5% trong năm 2023. Con số dự kiến này dựa trên giả định là lạm phát trong nửa đầu năm sẽ bị ảnh hưởng do cú sốc giá nhiên liệu hồi tháng 3/2022 vẫn chưa hết hẳn dư chấn và việc dừng chính sách giảm 2% thuế suất GTGT trong gói hỗ trợ kinh tế năm 2021. Đến nửa cuối năm 2023, giá điện dự kiến được nâng lên và đợt tăng lương công chức sẽ gây ảnh hưởng đến lạm phát. CPI dự kiến giảm còn 3,5% trong năm 2024 và 3,0% trong năm 2025, quay về các mức trước đại dịch.

Ngân hàng Thế giới có gợi ý chính sách gì giúp Việt Nam tiếp tục hồi phục và phát triển?

Với triển vọng trong nước và toàn cầu như trên, quan điểm chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ là cách để tự phòng vệ với những rủi ro về suy giảm tăng trưởng.

Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa để hành động, nhưng yếu kém trong triển khai đã và đang làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa. Trước mắt, trọng tâm cần nhằm vào triển khai dự toán đầu tư, bao gồm các dự án được xác định trong chương trình chính sách phục hồi và phát triển kinh tế, bao gồm đầu tư vào hạ tầng cơ sở vật chất và hạ tầng số. Những dự án này sẽ giúp đẩy mạnh nhu cầu trong nước trong ngắn hạn, đồng thời góp phần cho tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn của Việt Nam.

Trong trung hạn, xử lý những trở ngại thể chế dẫn đến chưa đảm bảo tiến độ chương trình đầu tư công là cách để nâng cao hiệu quả của chính sách tài khóa.

Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng mạng lưới an sinh xã hội theo cách có mục tiêu sẽ giúp chống đỡ hệ quả của lạm phát tăng cao đối với các hộ nghèo và dễ bị tổn thương, đồng thời tạo ra lớp đệm chống đỡ tác động đối với tiêu dùng tư nhân.

Tiếp sau những biện pháp thắt chặt các năm trước, chính sách tiền tệ cũng cần tiếp tục mục tiêu cân bằng lạm phát, ổn định tài chính, và tăng trưởng.

Tuy nhiên, nếu lạm phát cơ bản và toàn phần tiếp tục gia tăng, công tác phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ trở nên hết sức cần thiết. Trong hoàn cảnh đó, NHNN có thể cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ để giảm áp lực lạm phát thông qua tiếp tục tăng lãi suất, nhưng tiếp tục tăng lãi suất có thể làm trầm trọng hơn các điểm yếu hiện có trong lĩnh vực tài chính. Do đó, việc duy trì tính thanh khoản cần thiết hỗ trợ các thị trường vốn chính là tối quan trọng để tránh lạm phát bùng lên.

Bên cạnh đó, nâng cao bền vững cho tăng trưởng trong trung và dài hạn đòi hỏi phải có những cải cách cơ cấu sâu sắc. Cải cách về quản lý nhà nước sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh và chuyển sang sản xuất kinh doanh trong khu vực chính thức, qua đó nâng cao tăng trưởng năng suất và giúp khu vực tư nhân tiếp tục phát triển để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh.

Thanh Phương (thực hiện)
Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia WB: Việt Nam còn dư địa tài khóa dồi dào để hành động tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thủ tướng: Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, bảo đảm tăng thu, tiết kiệm chi
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, tăng thu, tiết kiệm chi, điều chỉnh các công cụ chính sách một cách phù hợp thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.