Cơ hội nào cho ô tô điện tại Việt Nam?
TCDN - Vietnam Motor Show 2022 chứng kiến cuộc “đổ bộ” lớn chưa từng có của các hãng xe điện. Bên cạnh đó, việc VinFast công bố dừng sản xuất xe xăng, chỉ tập trung phát triển xe điện càng khiến người tiêu dùng kỳ vọng về một tương lai sáng cho xe điện tại Việt Nam.
Cuộc cạnh tranh của những “ông lớn”
Giữa năm 2022, hãng xe VinFast bất ngờ tuyên bố dừng sản xuất xe xăng. Đại diện ô tô duy nhất của Việt Nam khẳng định sẽ dành toàn bộ nguồn lực để tập trung sản xuất và phát triển xe điện.
Theo lý giải của VinFast, xe điện dự báo là tương lai của ngành công nghiệp ô tô, hãng này muốn “đi tắt, đón đầu” xu hướng. Tuy nhiên thời điểm công bố, người tiêu dùng vẫn hoài nghi về tính khả thi của dự án này. Cho đến khi VinFast bất ngờ thông báo: “999 ô tô điện đầu tiên sẽ xuất khẩu sang Mỹ” - thị trường cực kỳ khó tính. Các lô xe VF8 tiếp theo cũng được nhà sản xuất ô tô này lên kế hoạch xuất khẩu tới thị trường Canada, châu Âu và dự kiến bàn giao cho khách đặt xe tại thị trường Việt Nam từ 2023.
Trước đó, VinFast đã cho ra mắt mẫu ô tô điện VinFast VF e34 - SUV hạng C tại thị trường Việt Nam. Sau 8 tháng mở bán đã có tổng cộng 2.293 chiếc VF e34 đến tay người tiêu dùng.
Đến cuối năm 2022, khi Triển lãm ô tô Việt Nam - Vietnam Motor Show 2022 được tổ chức, hàng loạt tên tuổi lớn như: Toyota, Lexus, Mercedes-Benz, Audi, MG,... đã tham gia vào cuộc chơi xe điện này.
Đối thủ sẵn sàng “đấu” VinFast trong những năm tới cũng dần lộ diện. Đó là 2 mẫu MG4 và MG Marvel R thuộc phân khúc “giá rẻ” của hãng xe MG.
Đại diện MG cho rằng, hai mẫu xe điện trên sẽ góp phần giúp người xem phần nào định giá chuẩn xác hơn những chiếc xe điện đã có mặt tại Việt Nam như VinFast VF e34, VF8 hay Hyundai Ioniq 5.
Trong khi đó, Tập đoàn Thành Công cùng hãng xe Hyundai đã ra mắt mẫu xe điện Ioniq 5, với tốc độ đạt đến 185 km/h, vận hành được tối đa khoảng 450 km cho mỗi lần sạc điện. Tuy nhiên, mẫu xe này mới chỉ đang ở bước thăm dò thị trường.
Một chiếc xe khác cũng đến từ nhà sản xuất Hàn Quốc là Kia EV6 được thiết kế với nhiều phiên bản động cơ, trong đó có phiên bản sở hữu khả năng tăng tốc lên 100 km/h chỉ trong 3,5s (tương đương với nhiều loại siêu xe).
Riêng Mercedes-Benz EQS 580 và Audi e-Tron, hai mẫu xe này có mức giá khá cao. Đối tượng hướng đến là khách hàng có điều kiện về kinh tế và bắt đầu tiếp nhận những thông tin về sự phát triển của xe điện.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam - VAMA dự báo: Việt Nam sẽ đạt mức 1 triệu xe điện vào khoảng năm 2028 và tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2030 - 2040. Đến năm 2040, thị trường trong nước sẽ có khoảng 3,5 triệu xe ô tô điện...
Cơ hội và thách thức
Nếu như 2022 được giới chuyên gia đánh giá là năm bước ngoặt của xe điện tại Việt Nam thì 2023 dự báo sẽ là năm bùng nổ của xe điện trong nước. Chính phủ Việt Nam cũng ra động thái tích cực thúc đẩy thị trường xe điện.
Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành quy định miễn lệ phí trước bạ các loại ô tô điện chạy pin trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022. Trong 2 năm tiếp theo, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số ghế ngồi.
Trước đó, Quốc hội cũng đã đồng thuận với việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô điện. Các loại ô tô điện chạy bằng pin từ 9 chỗ trở xuống sẽ có thuế suất là 3%; từ ngày 1/3/2027, mức thuế sẽ là 11%. Loại chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ là 2%; từ ngày 1/3/2027 là 7%.
Hai chính sách ưu tiên cho xe điện cùng lúc được áp dụng là cơ hội thúc đẩy việc phát triển ô tô điện. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, thị trường ô tô điện tại Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề về cơ sở hạ tầng và hệ thống sạc điện.
Về hệ thống trạm sạc, hiện tại VinFast đang chiếm ưu thế hơn các đối thủ khác. Hãng ô tô này hiện đang triển khai xây dựng hơn 140 nghìn cổng sạc trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố. Trong khi đó, các hãng khác mới xuất hiện ở Việt Nam hiện còn chưa có hệ thống trạm sạc hoặc lộ trình phát triển cụ thể.
Chuyên gia ô tô Phạm Ngọc Thân - TGĐ Công ty CP Bến Thành ô tô cho biết: “Việc VinFast tận dụng lợi thế sân nhà để phát triển mạnh cơ sở hạ tầng dành riêng cho xe điện tại Việt Nam là tín hiệu đáng mừng. Các hãng ô tô khác muốn phát triển và kinh doanh xe điện tại Việt Nam cần đầu tư đồng bộ những hệ thống trạm sạc như vậy. Ngoài ra, có thể tính đến phương án kết hợp với VinFast để ‘sạc chung’. Tuy nhiên, phương án này sẽ không mấy khả thi”.
Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ có quy chuẩn/tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống/thiết bị bảo vệ trạm sạc. Bên cạnh đó, còn một số khó khăn khác đến từ các vấn đề pháp lý, việc hướng dẫn lắp đặt trạm sạc ở mỗi địa phương cụ thể có hướng dẫn lắp đặt khác nhau, nguồn điện cũng như mức độ cung cấp điện không đồng đều,... cũng ảnh hưởng đến việc phủ rộng các trạm sạc.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kiến nghị: “Bộ Công Thương nên có trách nhiệm thiết kế chiến lược cụ thể liên quan đến chính sách dành cho ô tô điện để không bị chậm nhịp so với xu hướng phát triển của thế giới. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến chính sách hỗ trợ thiết thực để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực phụ trợ cho sản xuất xe điện, đồng thời hỗ trợ, khuyến khích nhiều doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất ô tô điện. Nếu không, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều mất cơ hội và phải nhường “sân” cho xe nhập khi thời của ôtô điện đang đến gần”.
Quang Linh
email: [email protected], hotline: 086 508 6899