Cổ phiếu HAH ngược dòng thị trường chứng khoán trước ngày công bố cổ tức
TCDN - Trong khi phần lớn cổ phiếu lao dốc mạnh trong hai phiên 7 và 8/6, cổ phiếu HAH của Vận tải và Xếp dỡ Hải An vẫn tăng nhẹ.
Kết phiên giao dịch chứng khoán ngày 8/6, giá cổ phiếu HAH tạm dừng ở mức27.600 đồng, tăng 0,55% so với phiên trước. Trong phiên giao dịch ngày 7/6, giá cổ phiếu HAH cũng tăng 1,29% bất chấp đà giảm của thị trường. 5,5% là mức tăng của cổ phiếu HAH trong vòng một tuần qua.
Ngày 8/6, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An chốt ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức tiền mặt năm 2020 với tỷ lệ 10% (1.000 đồng mỗi cổ phiếu) là 15/6.
Với gần 47,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Hải An sẽ chi hơn 47 tỷ đồng để trả cổ tức, dự kiến thanh toán vào ngày 1/7. CTCP Đầu tư và Vận tải Hải Hà - nắm khoảng 11,75% vốn - sẽ nhận cổ tức 5,5 tỷ đồng.
Năm 2021, Hải An đặt kế hoạch tổng doanh thu dự kiến 1.661 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 158 tỷ đồng, lần lượt tăng 39% và tăng 8% so với kết quả năm ngoái. Công ty dự kiến giữ nguyên mức cổ tức như năm 2020 với 1.000 đồng.
Năm nay, Hải An sẽ đầu tư thêm một tàu loại 1.000 - 1.500 TEU với số vốn khoảng 200 tỷ đồng để đảm bảo tăng số chuyến tuyến nội địa lên 5 chuyến/tuần, duy trì các tuyến Hongkong và Singapore. Tổng vốn đầu tư cho đội tàu trong kế hoạch 2021 khoảng 580 tỷ đồng.
Về hoạt động cảng và logistics, công ty dự kiến sửa chữa nâng cấp mặt bãi, nạo vét vùng nước trước bến của cảng và bổ sung trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng.
Bên cạnh đó, Hải An đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác một bến phao tại khu vực Vũng Tàu. Đồng thời tiếp tục đầu tư, san lấp mặt bằng cho depot tại khu vực Cái Mép khi đủ điều kiện.
Ngoài ra, Hải An còn dự kiến đầu tư thuê, mua thêm 2.000 TEU vỏ loại 20’ và 40’. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực cảng và logistics trong năm 2021 khoảng 300 tỷ.
Hải An xác nhận rằng, do năng lực đội tàu dự kiến tăng hơn 30% trong 8 tháng cuối năm 2021 nên kế hoạch về sản lượng vận tải của công ty tăng 39% so với năm 2020.
Mặc dù vậy, do kinh tế hồi phục và chủ trương tiếp tục duy trì nguồn cung thấp của nhóm xuất khẩu dầu thô OPEC+ nên giá dầu đã bắt đầu tăng từ cuối năm 2020 và tiếp tục tăng cho đến nay.
Do vậy, sản lượng tăng nhưng kết quả kinh doanh đội tàu dự kiến sẽ chỉ tăng khoảng 8% so với năm 2020.
Giới chuyên gia nhận định ngành vận tải biển đang trong chu kỳ thuận lợi, giá cước tăng mạnh do nhu cầu vận chuyển tăng cao.
Dẫn thông tin của Bloomberg, thời gian qua, một chỉ số ngành vận tải biển cho thấy cước vận tải hàng hóa từ châu Á sang châu Âu đã nhảy vọt lên mức kỷ lục, hơn 10.000 USD/container.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899