Cổ phiếu MBG nghi vấn tăng ảo

30/10/2019, 10:15

TCDN - Mã MBG của CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng và Thương mại Việt Nam hiện đang giữ giá trên 40.000 đồng/cổ phiếu. Giá MBG tăng mạnh trước ngày cổ phiếu mới được đưa vào giao dịch, trong khi doanh nghiệp có lợi nhuận suy giảm đã đặt ra dấu hỏi cổ phiếu này đang bị thổi giá?

Nếu sang tháng 11, mã MBG của Công ty cổ phần Tập đoàn MBG giữ được giá trên 40.000 đồng/cổ phiếu như phiên đầu tuần này (28/10/2019) thì những người đã bỏ ra 200 tỷ đồng đồng mua 20 triệu cổ phiếu MBG 1 năm trước sẽ sở hữu khối tài sản lên tới 800 tỷ đồng.

Được biết, UBCKNN đã phạt một cá nhân với số tiền 550 triệu đồng vì đã có hành vi sử dụng tài khoản "ảo" để thao túng cổ phiếu của CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng và Thương mại Việt Nam hồi tháng 5/2018.

Từ dưới 5.000 đồng vụt tăng trên 43.000 đồng/cổ phiếu

5 tháng gần đây, giá cổ phiếu MBG tăng 8 lần, đạt trên 40.000 đồng/cổ phiếu, trong bối cảnh lợi nhuận suy giảm và số cổ phiếu phát hành riêng lẻ bằng mệnh giá sẽ chính thức giao dịch trong tháng 11 tới.

Các thông tin công bố từ Công ty không cho thấy không có vấn đề gì đáng chú ý, nhưng hiện trạng giao dịch của mã MBG lại có vấn đề, nhất là trước thời điểm sắp có thêm 20 triệu cổ phiếu mã này được đưa vào giao dịch.

Mã MBG của Công ty cổ phần Tập đoàn MBG hiện đang giữ giá trên 40.000 đồng/cổ phiếu

Mã MBG của Công ty cổ phần Tập đoàn MBG hiện đang giữ giá trên 40.000 đồng/cổ phiếu

Từ dưới 5.000 đồng/cổ phiếu giữa tháng 5/2019, MBG leo lên trên mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) vào giữa tháng 8, sau đó có xu hướng tăng mạnh, đạt 31.500 đồng/cổ phiếu khi kết thúc quý III và đến ngày 28/10/2019 đạt trên 43.000 đồng/cổ phiếu. Theo các chuyên gia, giá cổ phiếu MBG tăng mạnh trong bối cảnh kết quả kinh doanh của Công ty suy giảm là một hiện tượng bất thường trên thị trường.

z-2_qzbp

MBG có mục tiêu trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành dựa trên ngành cốt lõi là kinh doanh, sản xuất, lắp ráp thiết bị chiếu sáng, thiết bị điện, kinh doanh, xây dựng thi công cơ điện M&E và phát triển trong các lĩnh vực mới bất động sản tài chính, năng lượng. MBG kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận tăng 10 - 25%/năm.

Thực tế, mảng thương mại đóng góp vào lợi nhuận có xu hướng giảm dần và mảng thiết kế, thi công, cung cấp, lắp đặt thiết bị có xu hướng gia tăng. Cơ cấu lợi nhuận gộp hai mảng này năm 2018 lần lượt là 71% và 29%, trong quý III/2019 là 50% và 50%.

Với số vốn điều lệ 418,4 tỷ đồng, trong 9 tháng đầu năm 2019, MBG ghi nhận doanh thu 349,6 tỷ đồng, tăng 5,18% và lợi nhuận 6,6 tỷ đồng, giảm 31,64% so với cùng kỳ năm 2018. Với kết quả này, MBG hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và 40% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm (17,6 tỷ đồng). Tại mức giá đóng cửa phiên giao dịch 28/10 là 43.300 đồng/cổ phiếu, MBG được giao dịch ở mức P/E hơn 100 lần.

Lợi nhuận kém khả quan trong 9 tháng đầu năm của MBG đến từ việc giá vốn hàng bán tăng cao hơn tốc độ tăng của doanh thu. Biên lợi nhuận gộp, lợi nhuận ròng có dấu hiệu suy giảm so với năm ngoái. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp giảm từ 4,55% về 3,44%, biên lợi nhuận ròng giảm từ 2,87% về 1,88%. Theo lý giải của doanh nghiệp, việc đưa ra chính sách lựa chọn khách hàng, các hợp đồng ký kết đảm bảo tiêu chí thu hồi vốn an toàn cao dẫn tới biên lợi nhuận giảm.

Nghi vấn tăng ảo để chốt lãi?

Tháng 11/2018, BMG đã phát hành 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm, trong khi thị giá thời điểm đó chỉ 4.000-5.000 đồng/cổ phiếu.

z-3_tkwb

Báo cáo tài chính sau đó có một số khoản mục bất thường, dẫn tới nghi ngờ rằng, nhà đầu tư mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ có thể không thực sự góp tiền vào doanh nghiệp.Cụ thể, bảng cân đối kế toán sau đợt phát hành tháng 11/2018 của MBG cho thấy, đối ứng với tăng vốn chủ sở hữu 210,4 tỷ đồng là sự tăng lên của khoản phải thu bên tài sản 239,4 tỷ đồng.

Trong đó, tổng khoản phải thu tính tới 31/12/2018 là 339,6 tỷ đồng, bao gồm: phải thu khách hàng ngắn hạn 106,4 tỷ đồng, trả trước người bán ngắn hạn 113,8 tỷ đồng, phải thu cho vay ngắn hạn 64,5 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn khác 55 tỷ đồng. Tính đến thời điểm cuối quý III/2019, khoản phải thu ngắn hạn là 256 tỷ đồng, bao gồm: phải thu ngắn hạn của khách hàng 77,9 tỷ đồng, trả trước cho người bán ngắn hạn 58,7 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn khác 119,5 tỷ đồng. Khoản phải thu cho vay ngắn hạn 64,5 tỷ đồng từ các cá nhân biến mất (khoản này xuất hiện lần đầu khi tăng vốn tháng 11/2018).

Các dự án mà các công ty liên doanh, liên kết triển khai có thể có tiềm năng, nhưng trong thời gian tới, năm 2016 và 2017, MBG không ghi nhận lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết, sang năm 2018 chỉ ghi nhận 177 triệu đồng và trong 9 tháng đầu năm 2019 không phát sinh lợi nhuận.MBG niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội từ năm 2015. Ngày 7/10/2019, MBG gửi công văn đến Sở và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đính chính về báo cáo tài chính 2018 của công ty mẹ.

Trong các tài liệu công bố chính thức từ Công ty, hiện chưa có thông tin nào cho thấy tính logic của việc giá cổ phiếu MBG xứng đáng tăng mạnh. Các nhà đầu tư đang thắc mắc, Liệu giá cổ phiếu MBG có tăng một cách tự nhiên không? Tạp chí Tài chính doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm hiểu và phản ánh về vấn đề này.   

Phương Thảo tổng hợp ĐTCK

Bạn đang đọc bài viết Cổ phiếu MBG nghi vấn tăng ảo tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan