Cơ sở thẩm mỹ vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự

29/10/2019, 16:05

TCDN - Đây là một trong nhiều nội dung mà UBND TP.HCM yêu cầu Sở Y tế, cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các cơ sở thẩm mỹ vi phạm Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Chỉ trong 2 tuần gần đây trên địa bàn TP HCM đã xảy ra nhiều vụ tai biến sau thẩm mỹ làm đẹp, trong đó 2 người tử vong sau khi căng da mặt và nâng ngực. 

Cụ thể, vụ việc tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam, sau khi thực hiện phẫu thuật căng da mặt tại bệnh viện này, một người phụ nữ tên C. T. L., 59 tuổi, mang quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP HCM có dấu hiệu khó thở và tử vong ngay sau đó.

Thẩm mỹ viện Hoài Anh (số 14 đường Điện Biên Phủ, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) - nơi vừa xảy ra vụ tai biến sau khi xăm chân mày

Thẩm mỹ viện Hoài Anh (số 14 đường Điện Biên Phủ, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) - nơi vừa xảy ra vụ tai biến sau khi xăm chân mày

Còn vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas, vào chiều ngày 17/10, chị T. (33 tuổi) đến Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas để thực hiện phẫu thuật nâng ngực. Tại đây, chị T. được gây mê rồi tiến hành phẫu thuật đặt túi ngực. Ca phẫu thuật kết thúc sau 45 phút, sau đó chị T. được chăm sóc hậu phẫu thuật và tình trạng sức khỏe ổn định. Tuy nhiên, khoảng 5 tiếng sau khi phẫu thuật, chị T. có những biểu hiện bất thường, bị ngưng tim, ngưng thở.

Mới đây nhất là việc một bệnh nhân bị nguy kịch sau khi xăm chân mày tại Thẩm mỹ viện Hoài Anh (14 Điện Biên Phủ, phường Đa Kao, quận 1, Tp.HCM). Hiện bệnh nhân đang hôn mê sâu, thở máy, đang được điều trị hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas nơi phẫu thuật nâng ngực khiến một khách hàng tử vong

Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas nơi phẫu thuật nâng ngực khiến một khách hàng tử vong

Quá nhiều vấn đề liên quan đến ngành y tế trong thời gian qua khiến dư luận quan tâm Tp.HCM sẽ làm gì để chấn chỉnh lại. Chính vì điều này nên mới đây nhất, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, ông Lê Thanh Liêm vừa ký văn bản số 4424 /UBND-VX gửi đến các đơn vị gồm: Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền Thông, Sở lao đông –Thương binh và Xã hội, Công An thành phố và Ủy ban các quận, huyện.

Theo UBND TP, hiện nay, theo phản ánh của các cơ quan báo đài, nhiều cơ sở  thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ sử dụng thuốc, hay các hóa chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể con người như phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác hay xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm…

Cụ thể, đối với Sở Y tế, UBND TP yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra đối với các bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, thực hiện hậu kiểm sau công bố đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên toàn TP.

Sở Y tế TP.HCM đã ban hành công văn yêu cầu bệnh viện ngừng thực hiện các kỹ thuật có liên quan đến việc sử dụng phương pháp gây mê để đánh giá mức độ an toàn sau cái chết do căng da mặt tại bệnh viện thẩm mỹ Kangnam, và vụ nâng ngực tại Emcas.

Sở Y tế TP.HCM đã ban hành công văn yêu cầu bệnh viện ngừng thực hiện các kỹ thuật có liên quan đến việc sử dụng phương pháp gây mê để đánh giá mức độ an toàn sau cái chết do căng da mặt tại bệnh viện thẩm mỹ Kangnam, và vụ nâng ngực tại Emcas.

Đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở có vi phạm, đặc biệt vi phạm trong lĩnh vực khám chữa bệnh, chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở không phép, cơ sở hoạt động quá phạm vi chuyên môn được cho phép, cơ sở vi phạm về quảng cáo khám, chữa bệnh. Đặc biệt, thành phố sẽ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự theo đúng quy định của pháp luật nếu vi phạm Luật khám bệnh, chữa bệnh gây hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, lập đoàn kiểm tra, đánh giá về an toàn phẫu thuật đối với toàn bộ các bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trên toàn thành phố, kiên quyết chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các cơ sở có vi phạm để ngăn ngừa sự cố y khoa nghiêm trọng có thể xảy ra.

Cạnh đó, xử lý nghiêm các cơ sở có vi phạm, rút giấy phép, chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở quảng cáo, đào tạo, hoạt động dịch vụ thẩm mỹ không phép. Công khai kết quả xử lý các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, Sở Thông tin - Truyền thông được giao tiến hành rà soát, xử lý các trang thông tin điện tử quảng cáo có vi phạm, đặc biệt xử lý nghiêm vi phạm về quảng cáo trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ...

Sở Y tế TP.HCM cho biết, những cơ sở thẩm mỹ phải có giấy phép hoạt động bao gồm: Có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm

Bảo Ngọc – Hoàng Thơ
Bạn đang đọc bài viết Cơ sở thẩm mỹ vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan