Công khai ngân sách: Vẫn còn khoảng trống giữa quy định và triển khai
TCDN - Theo kết quả nghiên cứu chứng thực “Chính sách và thực tiễn về mức độ công khai ngân sách nhà nước và sự tham gia của người dân vào chu trình ngân sách”, việc cải thiện cũng như các thực hành tốt về việc công khai ngân sách mới chỉ dừng lại ở cấp tỉnh.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) và Trung tâm Phát triển và Hội Nhập (CDI) vừa công bố kết quả nghiên cứu thực chứng “Chính sách và thực tiễn về mức độ công khai ngân sách nhà nước và sự tham gia của người dân vào chu trình ngân sách”.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các quy định của pháp luật liên quan đến công khai ngân sách, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân vào công tác quản lý nhà nước nói chung và chu trình ngân sách nói riêng tương đối đầy đủ, nhưng vẫn còn một số khoảng trống giữa văn bản pháp luật và quá trình triển khai trên thực tiễn.
Nghiên cứu thực địa tại 2 tỉnh Điện Biên và Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy việc cải thiện cũng như các thực hành tốt về việc công khai ngân sách mới chỉ dừng lại ở cấp tỉnh - chủ yếu do sức ép cạnh tranh về các chỉ số. Sự khác biệt về việc thực hành công khai ngân sách giữa hai tỉnh được thể hiện rõ ràng hơn ở cấp huyện, cấp xã và trên địa bàn các thôn/bản/tổ dân phố/khu dân cư.
Tại Điện Biên, nơi phần lớn ngân sách các cấp đều phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, việc thực hành công khai tại các cấp cơ sở chưa thực sự nghiêm túc. Các bằng chứng tại thực địa cho thấy việc công khai tài liệu mang tính chất đối phó, phục vụ cho mục đích khảo sát của nhóm nghiên cứu chứ chưa xuất phát từ mục đích cung cấp thông tin cho người dân.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi mà người dân đóng góp tương đối nhiều vào ngân sách thì việc thực hiện công khai ngân sách cấp huyện, xã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân, mặc dù vẫn còn một vài hạn chế.
Ông Nguyễn Quang Thương, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển và Hội nhập, tổ chức điều phối Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) chia sẻ: “Kết quả của nghiên cứu cho thấy các UBND tỉnh và Sở Tài chính của các tỉnh thực hành tốt về công khai ngân sách tỉnh cần lan toả được tinh thần và văn hoá công khai minh bạch tới cấp huyện và xã để đảm bảo thông tin ngân sách cấp huyện và xã cũng được công khai đầy đủ theo đúng quy định”.
Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công, Phòng Quản trị và Tham gia, UNDP Việt Nam cho rằng, việc thu hẹp khoảng cách trong quản trị ngân sách nhà nước là rất cần thiết bởi từ đó quyền của công dân trong tiếp cận thông tin và tham gia bàn bạc, kiểm tra, giám sát việc thu, chi ngân sách nhà nước ở tất cả các cấp được bảo đảm.
Bên cạnh đó, việc theo dõi việc thực hiện công khai thông tin, tài liệu ngân sách nhà nước sẽ giúp các cấp chính quyền địa phương tuân thủ hơn việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến công khai ngân sách và bảo đảm quyền tham gia của công dân vào chu trình ngân sách nhà nước.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899