Cục thuế Tp.HCM "siết" thu mảng thương mại điện tử
TCDN - Cục thuế Tp.HCM đang triển khai chuyên đề Quản lý thu đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhằm chống thất thu thuế.
Năm 2021, ngành Thuế trong cả nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do đa phần các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đều chưa có ý thức tự nguyện kê khai, nộp thuế đúng và đủ.
Do vậy, để chống thất thu thuế, Cục thuế Tp.HCM đang triển khai hàng loạt chuyên đề trong đó có 'Quản lý thu đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử'.
Theo kế hoạch, công tác chống thất thu thuế sẽ tập trung vào các tổ chức cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử như chotot.com, vatgia.com, muaban.net; lazada.vn; Shopee.vn…; các tổ chức trực tiếp bán hàng trên các trang web trong và ngoài nước như Shein.com.vn, Lazada.vn, Tiki.vn, adayroi.vn…; các tổ chức cung cấp dịch vụ quảng cáo, du lịch, đặt phòng, đào tạo trực tuyến, vé máy bay, tổ chức sự kiện như Vntrip.vn, Topica.vn, edumall, Trivago.vn, traveloka, book.com, ticketbox, Google, Apple…
Cơ quan thuế cũng tập trung vào các doanh nghiệp mở trang web bán hàng, cung cấp dịch vụ do doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, kinh doanh; cá nhân trực tiếp bán hàng, cung cấp dịch vụ trên các trang mạng xã hội; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có phát sinh thu nhập từ các trang mạng xã hội nước ngoài Google, Facebook, Youtube…
Hiên Cục thuế Tp.HCM đã và đang triển khai nhiều biện pháp, tập trung phổ biến chính sách thuế, kê khai nộp thuế đến tất cả người nộp thuế có hoạt động thương mại điện tử; rà soát, đôn đốc người nộp thuế có hoạt động thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế theo quy định phù hợp với phân cấp quản lý người nộp thuế tại địa phương.
Đồng thời, cơ quan thuế sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử.
Ngoài ra, cơ quan này cũng sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại để nắm thông tin về các tài khoản thanh toán qua ngân hàng.
Đối với các doanh nghiệp bán hàng nhập khẩu từ nước ngoài thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh, cơ quan thuế sẽ phối hợp với Cục Hải quan để nắm dữ liệu hàng hóa nhập khẩu chuyển vào, đối chiếu doanh thu của sản phẩm này với việc thực hiện kê khai nộp thuế.
Đối với cá nhân cư trú trong nước có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, cơ quan thuế sẽ rà soát từng nội dung số trên các trang Youtube xác định tên, địa chỉ của các Youtuber, xác định được người thụ hưởng, các ngân hàng xác minh tài khoản nhận tiền để thực hiện các biện pháp thu thuế.
Để tăng cường quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần phát triển công cụ tìm kiếm thông minh để rà soát các hoạt động thương mại điện tử.
Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các hành vi trốn thuế trong kinh doan thương mại điện tử hay thương mại truyền thống đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thuế chung. Vì vậy, việc xử phạt đối với các hành vi trốn thuế cũng được quy định chung, tùy thuộc vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi đó.
Tuy nhiên, việc phát hiện và có bằng chứng để buộc tội các hành vi trốn thuế trong kinh doanh thương mại điện tử là một vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899