Đà Nẵng tăng trưởng kinh tế âm hơn 9,7%, thu ngân sách đạt 70%

07/12/2020, 11:43

TCDN - Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung cho biết, năm 2020, lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế của thành phố âm 9,77%, thu ngân sách đạt 70%.

Sáng 7/12, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX khai mạc kỳ họp thứ 16 nhằm xem xét, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố năm 2020, thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2021; thảo luận thông qua các tờ trình, nghị quyết trên một số lĩnh vực quan trọng khác.

Theo ông Nguyễn Nho Trung, năm 2020, lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế của thành phố âm 9,77%, thu ngân sách đạt 70%; một số chủ trương lớn chưa được triển khai hiệu quả, việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm, giải ngân đầu tư công dù đã rất nỗ lực nhưng đến thời điểm này còn khá khiêm tốn so với kế hoạch….

Các bức xúc kéo dài trên một số lĩnh vực đời sống xã hội như: ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước, ùn tắc giao thông… chưa được xử lý dứt điểm, trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp; tinh thần trách nhiệm trong một số cán bộ, công chức chưa cao…

Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh, Đà Nẵng tăng trưởng kinh tế âm.

Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh, Đà Nẵng tăng trưởng kinh tế âm.

“Đây là những vấn đề cần được đánh giá đầy đủ mọi khía cạnh, phân tích một cách khoa học, tổng thể để từ đó có những giải pháp tích cực và hiệu quả nhất trong thời gian tới nhằm phục hồi nhanh chóng kinh tế - xã hội trước mắt cũng như phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo”, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nói.

Năm 2021, Đà Nẵng đề ra 3 kịch bản phát triển kinh tế. Đối với kịch bản 1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, ngay từ đầu năm 2021, kinh tế thành phố phục hồi nhanh, tốc độ tăng GRDP năm 2021 đạt 8,5-9%, phấn đấu tổng giá trị tăng thêm của các khu vực: dịch vụ, công nghiệp và xây dựng tương đương với kết quả năm 2019. Tốc độ tăng của dịch vụ là 7-8%; công nghiệp và xây dựng là 8-9%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 3-4%.

Trong đó, một số ngành sẽ phải tăng mạnh ở mức trên 20% như: vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống và trên 10% như: hoạt động dịch vụ khác và một số ngành công nghiệp khác do đã giảm khá sâu trong năm 2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8-9%; số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 7,5-8 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa khoảng 4,5-5 triệu lượt; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng trên 150% so với năm 2020; tổng vốn đầu tư phát triển tăng 8,5-9%, trong đó vốn đầu tư công do địa phương quản lý đạt khoảng 9.600 tỷ đồng.

Kịch bản 2 dự đoán, trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế thành phố phục hồi chậm và bắt đầu tăng tốc từ quý 3 năm 2021. Tốc độ tăng GRDP năm 2021 đạt trên khoảng 5-6%, tổng giá trị tăng thêm của các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đạt thấp hơn năm 2019 và cao hơn năm 2018. Tốc độ tăng của dịch vụ là 4-5%; công nghiệp và xây dựng là 7-8%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 3-4%. Trong đó, một số ngành sẽ phải tăng mạnh ở mức khoảng 10% như: vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động dịch vụ khác do đã giảm khá sâu trong năm 2020.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7-8%; số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 5 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa khoảng 4 triệu lượt; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng trên 70% so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng khoảng 6%, trong đó vốn đầu tư công do địa phương quản lý đạt khoảng 9.240 tỷ đồng.

Theo kịch bản 3, năm 2021, kinh tế thành phố vẫn phục hồi chậm, chỉ có thể tăng tốc từ quý 4 năm 2021. Tốc độ tăng GRDP năm 2021 đạt khoảng 3-3,5%, tổng giá trị tăng thêm của các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đạt xấp xỉ năm 2018. Tốc độ tăng của dịch vụ là 2-3%; công nghiệp và xây dựng là 5-6%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 3-4%.

Trong đó, hầu hết các ngành đều tăng trưởng ở mức thấp, một số ngành có thể tiếp tục tăng trưởng âm do chưa thể phục hồi và tiếp tục nhận tác động tiêu cực từ Covid-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6-7%; số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 3 triệu lượt khách, trong đó hầu hết là khách nội địa; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng 7-10% so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng 3-4%, trong đó vốn đầu tư công do địa phương quản lý đạt khoảng 9.000 tỷ đồng. 

Nam Yên (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng tăng trưởng kinh tế âm hơn 9,7%, thu ngân sách đạt 70% tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan