Đại gia kín tiếng cho FLC vay hơn 600 tỷ là ai?

03/08/2022, 07:24

TCDN - Ngoài các khoản vay ngân hàng và trái phiếu phát hành như thường lệ, báo cáo tài chính quý 2/2022 của FLC còn tiết lộ khoản vay ngắn hạn đối với ông Lê Thái Sâm - tân thành viên HĐQT.

Trong báo cáo tài chính vừa mới được công bố, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC, mã chứng khoán: FLC) bất ngờ xuất hiện khoản vay 621 tỷ đồng với một cá nhân là ông Lê Thái Sâm. 4 hợp đồng vay tín chấp có thời hạn 12 tháng (lãi suất 7%/năm), được thực hiện rải rác từ tháng 4 đến tháng 6 để bổ sung và thanh toán cho các hợp đồng của FLC Faros.

Ông Lê Thái Sâm (sinh năm 1964) chính là một trong 3 Thành viên HĐQT mới của FLC, được bổ nhiệm tại phiên họp đại hội cổ đông bất thường ngày 2/7. Ông Sâm cũng là đại diện cho một nhóm cổ đông mới.

Theo bản lý lịch trích ngang mà FLC công bố, ông Lê Thái Sâm tốt nghiệp Đại học Kinh tế Tp.HCM năm 1986, có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ, tài chính - ngân hàng.

Đại gia kín tiếng cho FLC vay 621 tỷ đồng là ai?.

Đại gia kín tiếng cho FLC vay 621 tỷ đồng là ai?.

Ông Sâm cũng được giới thiệu là "người am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư", kinh doanh tại Việt Nam, có vốn kinh nghiệm sâu rộng trong việc xây dựng chiến lược đầu tư, quản lý rủi ro và phân tích thị trường. Bên cạnh đó, ông Sâm có nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước.

Dân trí cho biết, vị tân Thành viên HĐQT FLC từng là ủy viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại DIC (mã chứng khoán: DIG). Cụ thể, ông Sâm công tác tại DIC từ tháng 3/2009 đến tháng 5/2012, trước khi có đơn từ nhiệm với lý do "tập trung thời gian cho công việc kinh doanh cá nhân".

CTCP Tập đoàn FLC vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 ghi nhận doanh thu thuần đạt 576,1 tỷ đồng, giảm 65,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, với giá vốn hàng bán chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ, tài báo lãi gộp 104 tỷ đồng, trong khi quý 2/2021 báo lỗ gần 149 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của FLC đạt 65,5 tỷ đồng, giảm 89,1% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính ở mức 148,6 tỷ đồng, giảm 24,3% so với quý 2/2021.

Ở chiều hướng ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của FLC tăng lần lượt 39,7% và 65,3% so với cùng kỳ năm trước, lên 46 tỷ đồng và 295 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong quý 2/2022, FLC còn phải chịu khoản lỗ trong công ty liên doanh, liên kết lên tới 317,3 tỷ đồng.

Kết thúc quý 2/2022, FLC báo lỗ sau thuế 640,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 20,9 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận sau thuế của FLC ở mức âm 1.105,6 tỷ đồng.

PV
Bạn đang đọc bài viết Đại gia kín tiếng cho FLC vay hơn 600 tỷ là ai? tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan