Đánh giá hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam

18/06/2024, 16:25
báo nói -

TCDN - Bài viết đánh giá thực trạng hoạt động OFDI của các doanh nghiệp Việt Nam, tập trung vào phân tích những điểm mới trong dòng vốn OFDI của Việt Nam giai đoạn 2020-2023.

1-1

TÓM TẮT:

Việt Nam đã bắt đầu thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (OFDI) với những dự án thí điểm đầu tiên từ năm 1989. Tuy nhiên, trong giai đoạn 1989-1998, dòng vốn OFDI của các doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện nhỏ lẻ, có tính chất “thăm dò” và chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp Nhà nước. Kể từ năm 1999 đến nay, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đã chứng kiến nhiều chuyển đổi về chất, chuyển từ “đầu tư giữ chỗ” giai đoạn 2005 - 2010 sang giai đoạn đầu tư chọn lọc, “chậm mà chắc”, chuyển dần từ đầu tư theo chiều dọc sang đầu tư theo chiều ngang, hướng tới chuyển giao nhân lực chuyên môn cao và công nghệ nguồn. Bài viết đánh giá thực trạng hoạt động OFDI của các doanh nghiệp Việt Nam, tập trung vào phân tích những điểm mới trong dòng vốn OFDI của Việt Nam giai đoạn 2020-2023. Trên cơ sở đánh giá những thành công và hạn chế của hoạt động OFDI, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp và chính phủ nhằm thúc đẩy dòng vốn OFDI trong bối cảnh hội nhập mới.

1. Giới thiệu

Năm 2023 đã chứng kiến sự chững lại của dòng vốn OFDI toàn cầu, với sự suy giảm đáng kể dòng vốn OFDI tới từ các quốc gia đang phát triển. Theo Báo cáo đầu tư quốc tế (WIR 2023) của UNCTAD, dòng vốn đầu tư trực tiếp toàn cầu năm 2023 đạt 1,365 nghìn tỷ USD, với mức tăng trưởng là 3%. Tuy nhiên, dòng vốn OFDI từ các quốc gia đang phát triển lại chứng kiến mức giảm là 9% trong năm 2023. Là một quốc gia đang phát triển có độ mở kinh tế cao, dòng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam cũng có sự suy giảm đáng kể, với mức vốn đăng ký năm 2023 ước đạt 421 triệu USD, giảm 21,2% so với năm 2022. Bên cạnh sự suy giảm của lượng vốn đăng ký mới, thực trạng hoạt động OFDI của các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế như tình trạng rút vốn xảy ra ở nhiều dự án, quy mô trung bình của dự án có xu hướng giảm, hiệu quả đầu tư của nhiều dự án chưa cao, đặc biệt là tình trạng thua lỗ của nhiều dự án OFDI được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhà nước (SOEs). Trong bối cảnh đó, cần có những đánh giá chi tiết về thực trạng dòng vốn OFDI của các doanh nghiệp Việt Nam, làm cơ sở để đề xuất các khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả dòng vốn OFDI của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

2. Thực trạng

Việt Nam chính thức ban hành luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987, mở đường cho việc thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, đối với dòng vốn OFDI, cơ sở pháp lý đầu tiên cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài là Nghị định số 22/1999/NĐ-CP ngày 14/4/1999 của Chính phủ cho phép doanh nghiệp Việt Nam đưa vốn bằng tiền, tài sản khác ra nước ngoài để đầu tư trực tiếp ở nước ngoài. Kể từ khi Nghị định 22/1999/NĐ-CP có hiệu lực, hoạt động OFDI của các doanh nghiệp Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới. Trong giai đoạn 1999-2005, có 127 dự án được cấp phép với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 567,7 triệu USD, quy mô vốn bình quân của dự án là 4,54 triệu USD/dự án. Các dự án lớn trong giai đoạn này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; khai thác khoáng sản; nông, lâm nghiệp.

b1

Trong giai đoạn 2006-2010, với việc chính phủ ban hành Nghị định 78/2006/NĐ-CP thay thế Nghị định 22/NĐ-CP quy định về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, dòng vốn OFDI của các doanh nghiệp đã có sự “bùng nổ” cả về lượng vốn đầu tư đăng ký và số dự án được cấp phép. Trong giai đoạn này, hàng loạt dự án có quy mô lớn đã được các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký đầu tư ra nước ngoài như dự án đầu tư hợp tác mạng viễn thông tại Cộng hòa Mozambique với tổng vốn đăng kí 493.79 triệu USD; dự án thủy điện Sekaman 1, Sekaman 3 tại Lào lần lượt có tổng vốn đăng kí là 273.1 triệu USD và 441.6 triệu USD. Đặc biệt, dự án Đặc khu kinh tế Long Thành - Viên Chăn là dự án OFDI lớn nhất của Việt Nam trong giai đoạn này với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 1 tỷ USD. Tính chung trong giai đoạn này, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 419 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 10.447 tỷ USD, quy mô vốn trung bình là 24.93 triệu USD/ dự án. Như vậy, trong giai đoạn 2006-2010, số lượng dự án tăng gấp 3,3 lần và số vốn đầu tư đăng ký tăng gấp 18,4 lần giai đoạn 1999-2005.

Trong giai đoạn 2011-2019, dòng vốn OFDI của các doanh nghiệp Việt Nam trải qua nhiều biến động nhưng xu hướng chung là suy giảm. Trong giai đoạn này, số dự án có xu hướng tăng nhưng lượng vốn đăng ký lại sụt giảm nhanh, điển hình giảm sâu vào năm 2017, vốn đăng kí mới chỉ đạt 350.1 triệu USD với 130 dự án được cấp phép. Từ năm 2018, Thông tư 03/2018/TT-BKHĐT hướng dẫn và ban hành mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tác động khá khả quan đến hoạt động OFDI, tổng vốn đăng kí có xu hướng tăng lên tuy nhiên tốc độ vẫn còn chậm. Như vậy, sau giai đoạn 2006 - 2010 chứng kiến sự “bùng nổ” của hoạt động OFDI với đặc điểm “đầu tư giữ chỗ”, giai đoạn 2011 - 2019 có thể coi là giai đoạn “tái cơ cấu”, với sự suy giảm về lượng vốn đầu tư đăng ký mới cũng như sự rút vốn của những dự án đã đăng ký trước đó.

Trong giai đoạn 2020-2023, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 và những căng thẳng địa chính trị toàn cầu, dòng vốn OFDI của Việt Nam tiếp tục xu hướng sụt giảm. Trong năm 2020, dòng vốn OFDI đăng ký đạt 819,7 triệu USD với 134 dự án được cấp phép, quy mô vốn bình quân đạt 6,11 triệu USD/dự án. Tuy nhiên, trong năm 2021, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh giảm 357,9 triệu USD. Đây là lần đầu tiên trong hơn 30 năm thực hiện đầu tư trực tiếp ra nước ngoài dòng vốn OFDI cấp mới và điều chỉnh của Việt Nam mang giá trị âm. Điều này là do Trong tháng 12 năm 2021, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã giảm gần 1,2 tỷ USD vốn đầu tư của dự án thăm dò phát triển và khai thác dầu khí tại Nga. Lượng vốn giảm lớn đã vượt quá số vốn đầu tư mới và tăng thêm của Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2021. Nếu không tính dự án giảm vốn lớn này, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2021 sẽ đạt trên 828,7 triệu USD. Trong năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 15 ngành, lĩnh vực. Trong đó, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ dẫn đầu với 1 dự án mới và 3 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đạt trên 420,8 triệu USD, tăng 6,7 lần so với năm 2020. Ngành bán buôn, bán lẻ đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư gần 160,9 triệu USD, tăng trên 2,5 lần so với năm 2020; tiếp theo là các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo. Về quốc gia tiếp nhận vốn, có 26 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong năm 2021. Dẫn đầu là Hoa Kỳ với 4 dự án đầu tư mới và 3 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 307,3 triệu USD, tăng 4,4 lần so với năm 2020. Đứng thứ hai là Singapore với tổng vốn đầu tư trên 141,7 triệu USD, tăng gần 3,6 lần so với năm 2020. Tiếp theo lần lượt là Campuchia, Israel… với vốn đầu tư đạt 89,4 triệu USD và gần 71,6 triệu USD.

Trong năm 2022, tổng vốn OFDI đăng ký của các doanh nghiệp Việt Nam đạt 599.3 triệu USD, với tổng số 117 dự án đăng ký mới, quy mô vốn bình quân đạt 5.12 triệu USD/dự án. Trong năm 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 ngành. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 15 dự án đầu tư mới và 4 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký gần 251,9 triệu USD, chiếm 47,2% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 02 dự án mới và 03 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư hơn 76,8 triệu USD, chiếm 14,4%; tiếp theo là các ngành bán buôn, bán lẻ; khai khoáng. Về quốc gia tiếp nhận vốn, trong năm 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào 29 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dẫn đầu là Singapore với 21 dự án đầu tư mới và 03 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 79,5 triệu USD, chiếm 14,9% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là Lào với tổng vốn đầu tư hơn 70,5 triệu USD, chiếm 13,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Úc, Hoa Kỳ, Đức với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng là…

Trong năm 2023, tổng vốn OFDI đăng ký của các doanh nghiệp Việt Nam cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 420,9 triệu USD, bằng 78,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 124 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 282,68 triệu USD (bằng 66,3% so với cùng kỳ năm 2022); có 25 lượt dự án điều chỉnh với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 138,21 triệu USD (tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2022). Trong năm 2023, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 16 ngành. Trong đó, bán buôn, bán lẻ dẫn đầu với 41 dự án đầu tư mới và 07 lượt điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 156,9 triệu USD, chiếm 37,3% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Ngành thông tin truyền thông đứng thứ hai với gần 120,6 triệu USD, chiếm 28,7%; tiếp theo là các ngành sản xuất, phân phối điện, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Về quốc gia tiếp nhận vốn, có 26 quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận vốn OFDI Việt Nam trong năm 2023. Dẫn đầu là Canada với 01 dự án đầu tư mới và 02 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 150,3 triệu USD, chiếm 35,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Singapore, Lào, Cu-ba…

Lũy kế đến hết năm 2023, Việt Nam đã có 1.701 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn OFDI đăng ký đạt gần 22,1 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,5%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,5%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,7%); Cam-pu-chia (13,2%); Venezuela (8,3%).

h2

3. Đánh giá

Sau hơn 30 năm thực hiện đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, hoạt động OFDI của các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được một số kết quả bước đầu. Đáng chú ý là sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư từ những địa bàn truyền thống như Lào, Campuchia, Myanmar sang những quốc gia có trình độ phát triển cao hơn như Mỹ, Canada, Singapore. Đồng thời là sự chuyển dịch về lĩnh vực đầu tư từ những lĩnh vực thâm dụng vốn và lao động như khai khoáng, thủy điện… sang những lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao. Đây là sự chuyển dịch có xu hướng tích cực, nhằm hướng tới những ngành, những địa bàn đầu tư có giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh những tín hiệu lạc quan trên, hoạt động OFDI của các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, tình trạng thua lỗ của nhiều doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện hoạt động OFDI. Tính lũy kế đến ngày 31/12/2022, có 30 doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam thực hiện đầu tư 96 dự án ra nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư lũy kế là là 6,6 tỉ USD. Trong đó, lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN chiếm 60,8% số vốn, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel với 22,22% số vốn và Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) chiếm 11,6% tổng số vốn. Chỉ tính riêng 03 Tập đoàn này đã chiếm tới 94.62% tổng số vốn của các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ra nước ngoài. Trong số 96 dự án OFDI của các doanh nghiệp SOEs, có tới 43 dự án có lỗ lũy kế, chiếm 44.8% tổng số dự án OFDI của các doanh nghiệp nhà nước, với tổng số lỗ lũy kế là 1,4 tỉ USD. Một số lĩnh vực, dự án đầu tư không đạt hiệu quả, phải dừng đầu tư, có nguy cơ mất vốn như: các dự án thăm dò, khai thác dầu khí của PVEP, dự án muối mỏ kali tại Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, một số dự án viễn thông gặp rủi ro tỉ giá, có lỗ lũy kế lớn, mất quyền kiểm soát (dự án Viettel triển khai tại Cameroon).

Thứ hai, quy mô vốn đầu tư có xu hướng giảm dần, số lượng dự án rút vốn tăng nhanh. Sau giai đoạn bùng nổ 2006-2010, với quy mô vốn trung bình của một dự án lên tới hơn 24.9 triệu USD/dự án. Dòng vốn OFDI của Việt Nam có xu hướng sụt giảm nhanh về quy mô vốn trung bình. Giai đoạn 2011-2019, quy mô vốn trung bình giảm xuống còn 11.16 triệu USD/dự án, chỉ bằng 44.8% quy mô vốn bình quân 5 năm trước đó. Trong giai đoạn 2020-2023, quy mô vốn trung bình tiếp tục giảm sâu ở mức 3.34 triệu USD/dự án. Đây là mức vốn bình quân rất thấp, thậm chí còn thấp hơn cả mức vốn bình quân của giai đoạn 1999-2005 (ở mức 4,54 triệu USD/dự án). Bên cạnh đó, số lượng dự án rút vốn cũng có xu hướng tăng. Tính lũy kế đến hết năm 2023, có 2089 dự án đã được cấp phép với tổng số vốn đăng ký là 24.53 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ có 1701 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 22.1 tỷ USD. Như vậy, có 388 dự án đã bị dừng hoạt động, rút giấy phép, chiếm khoảng 18.6% tổng số dự án, với số vốn tương ứng là 2.43 tỷ USD. Nhiều dự án bị rút giấy phép chủ yếu do chưa đánh giá rủi ro đầy đủ của phương án đầu tư, chưa kịp thời ứng phó trước những thay đổi của môi trường đầu tư nước sở tại. Bên cạnh đó, với quy mô vốn bình quân thấp, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh trên thị trường quốc tế với nhiều tập đoàn kinh tế lớn.

4. Một số khuyến nghị

Thứ nhất, cần có cơ chế thông thoáng hơn, tạo động lực để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Trên thực tế, sự thận trọng trong việc điều chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách và những hạn chế trong quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã làm giảm đi khát vọng “vươn ra biển lớn” của các doanh nghiệp Việt để phát triển thành doanh nghiệp toàn cầu, làm chậm lại quá trình phát triển và làm giảm hiệu quả của hoạt động OFDI. Một trong những điểm nghẽn về cơ chế chính sách chính là quy định về chuyển tiền ra nước ngoài trong giai đoạn nghiên cứu các cơ hội đầu tư. Theo Nghị định 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài, hạn mức chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để nghiên cứu các cơ hội đầu tư (trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài) không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 đô la Mỹ, được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài. Với số vốn tối đa là 300.000 USD (khoảng 7.5 tỷ VND), việc nghiên cứu các cơ hội đầu tư sẽ gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với những dự án về lĩnh vực khai khoáng, thủy điện, dầu khí… đòi hỏi cần phải có sự đánh giá, khảo sát về trữ lượng, địa chất… trước khi thực hiện đầu tư. Chính phủ cần gia tăng hạn mức này, đặc biệt là trong một số lĩnh vực đặc thù nhằm đảm bảo doanh nghiệp có đủ nguồn lực cho công tác nghiên cứu các cơ hội đầu tư, vì giai đoạn “chuẩn bị đầu tư” chính là giai đoạn quan trọng nhất, quyết định việc thành công hay thất bại của dự án đầu tư.

Thứ hai, cần thường xuyên cập nhật, công bố thông tin về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp OFDI. Hiện nay, các số liệu về đầu tư ra nước ngoài được công bố đang thiếu các đánh giá cụ thể về doanh thu, thực trạng tài chính, thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp từ khoản đầu tư ra nước ngoài… nên các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về đầu tư khá khó khăn trong đánh giá được đầy đủ và toàn diện về thực trạng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Các số liệu về hiệu quả đầu tư theo ngành, theo từng địa bàn, lĩnh vực… cần được thu thập và công bố để là “kim chỉ nam”, định hướng hoạt động OFDI cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Thứ ba, để thúc đẩy OFDI và nâng cao hiệu quả quản lý, cần từng bước thay thế hình thức quản lý nhà nước bằng biện pháp hành chính (như cấp giấy phép, thẩm định, chứng nhận đầu tư ra nước ngoài…) sang phương thức quản lý theo cơ chế thị trường như thông qua chính sách về ngoại hối (quản lý dòng tiền) và chính sách tiền tệ, tài khóa (lãi suất, chính sách ưu đãi về thuế…). Cần chuyển dần từ cơ chế cấp phép sang cơ chế đăng ký, từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Theo đó, với các dự án OFDI được thực hiện bởi khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, cam kết tự cân đối ngoại tệ, chỉ cần đăng ký với Ngân hàng Nhà nước mà không cần phải thực hiện xin cấp phép. Chính phủ chỉ thực hiện cấp phép cho các dự án OFDI của khối doanh nghiệp quốc doanh.

Tài liệu tham khảo:

1. Niên giám Thống kê 2022, Tổng Cục Thống kê. Link: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/06/nien-giam-thong-ke-2022/

2.https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2023-12-29/Tinh-hinh-dau-tu-cua-Viet-Nam-ra-nuoc-ngoai-nam-200tqpa5.aspx

3. https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-loi-nhuan-thu-ve-gan-2-ti-usd-20231004123949877.htm

TS. Phùng Thanh Quang - TS. Khúc Thế Anh

Đại học Kinh tế Quốc dân

Tạp chí in số tháng 6/2024
Bạn đang đọc bài viết Đánh giá hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899