Đề nghị cho người lao động được mua nhà ở xã hội do công đoàn đầu tư

24/10/2024, 19:31
báo nói -

TCDN - Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), một số đại biểu đề nghị ngoài việc được thuê nhà thì cần quy định tạo điều kiện cho đoàn viên, người lao động được phép mua nhà ở xã hội do công đoàn đầu tư xây dựng từ nguồn tài chính của công đoàn.

Ngày 24/10, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Cầm Hà Chung cho hay, về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn Điều 31 dự thảo luật, tại điểm i khoản 2 Điều 31 của dự thảo luật quy định tài chính công đoàn được sử dụng cho nhiệm vụ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn và người lao động thuê.

“Theo quy định này đã hạn chế quyền được mua nhà ở xã hội của đoàn viên, người lao động khi công đoàn đầu tư xây dựng. Như vậy, đoàn viên người lao động, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn khó có cơ hội được mua nhà gần nơi làm việc để ổn định cuộc sống, yên tâm lao động. Vì vậy, tôi đề nghị ngoài việc được thuê nhà thì cần quy định tạo điều kiện cho đoàn viên, người lao động được phép mua nhà ở xã hội do công đoàn đầu tư xây dựng từ nguồn tài chính của công đoàn”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Kim Yến (Tp.HCM).

Đại biểu Trần Kim Yến (Tp.HCM).

Trong khi đó, theo đại biểu Trần Kim Yến (Tp.HCM) tại khoản 11 Điều 11 quy định về trách nhiệm của công đoàn đối với việc đầu tư nhà ở xã hội, công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan để phục vụ cho đoàn viên công đoàn và người lao động. Đây là một nội dung mới Quốc hội và Chính phủ giao cho công đoàn.

Tuy nhiên, đại biểu Yến cho rằng, nếu chỉ ghi vào dự thảo luật một dòng như vậy và không được cụ thể hóa, chi tiết rõ ràng hơn sẽ rất khó cho tổ chức công đoàn khi triển khai và thực hiện nhiệm vụ mới này. Chúng ta cũng thấy nếu như vậy thì lúc đó phải xây dựng, phải đi xin các bộ, ngành và xin Chính phủ, Quốc hội, sẽ làm kéo dài thời gian, chậm tiến độ và thậm chí sẽ khó có thể thực hiện được nhiệm vụ này.

Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) đề nghị bổ sung một ý vào khoản 3 của Điều 32 do Luật Nhà ở có hiệu lực ngày 01/8/2024 và trong Luật Nhà ở này lần đầu tiên giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dùng kinh phí công đoàn để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động thuê theo chính sách nhà ở xã hội. Vì vậy, cần bổ sung vào trong khoản 3 một nội dung là: "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện nhiệm vụ cơ quan chủ quản dự án nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật". Như vậy chúng ta cập nhật và nội dung của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cập nhật đầy đủ về vấn đề thẩm quyền là cơ quan chủ quan.

Tại khoản 4 Điều 80 Luật Nhà ở năm 2023 chúng ta thấy đã quy định "Tổng Liên đoàn Việt Nam là cơ quan chủ quản xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân và người lao động thuê theo chính sách nhà ở xã hội, nhưng tại điểm i khoản 2 Điều 31 dự thảo lần này trình Quốc hội lại ghi khác đi một chút là "đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn và người lao động thuê". Đại biểu đề nghị chỉnh lại cho chuẩn là "xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động thuê".

Hà Giang
Bạn đang đọc bài viết Đề nghị cho người lao động được mua nhà ở xã hội do công đoàn đầu tư tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Sẽ đặt hàng doanh nghiệp lớn xây dựng đường sắt tốc độ cao, cao tốc, nhà ở xã hội…
Theo Thủ tướng, các doanh nghiệp lớn đã đề xuất giao các nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đường sắt đô thị, tuyến cao tốc, sản xuất thép, nhà máy điện, sân bay, bến cảng, trung tâm triển lãm quốc gia, nhà ở xã hội… Chính phủ sẽ nghiên cứu, đặt hàng các doanh nghiệp thực hiện.