Đề nghị chuyển 100 nghìn tỷ đồng đầu tư công chưa dùng hết sang hỗ trợ doanh nghiệp

09/11/2021, 16:32

TCDN - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn Tp.HCM) đề xuất dành 4% GDP hỗ trợ các doanh nghiệp. Trong đó chuyển 100 nghìn tỷ đồng chưa dùng hết trong đầu tư công năm nay sang hỗ trợ doanh nghiệp và phòng chống dịch.

Chia sẻ tại phiên thảo luận chiều 9/11, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong làn sóng dịch lần thứ 4, Tp.HCM là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, có hơn 430.000 người nhiễm (chiếm 47 % cả nước) và hơn 16.600 người đã mất (chiếm 75 % cả nước).

Khi thực hiện phương châm "ai ở đâu thì ở đấy", về cơ bản hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố chỉ duy trì mức tối thiểu. Bình quân giai đoạn đó chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 0,7%) nghĩa là 99% doanh nghiệp không hoạt động và 99% người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 3 tháng.

Dự báo, năm nay TP tăng trưởng âm 5%, để khắc phục hậu quả của Covid-19 phục hồi tăng trưởng kinh tế, theo đại biểu TP đã xác định có 4 giải pháp cần tập trung, khẩn trương thực hiện như sau.

Thứ nhất, tổng kết sâu sắc việc phòng, chống dịch Covid-19 hai năm qua để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kiểm soát tốt hơn nữa. Đối với TP.HCM cần đưa số người nhiễm bình quân 1 ngày từ mức khoảng 1.000 xuống dưới 500 người, phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Thứ hai, cần hỗ trợ cho 430.000 người đã nhiễm covid-19 và gia đình của hơn 16.600 người đã mất vì Covid-19 để họ có điều kiện phục hồi sức khỏe và điều kiện sống và làm việc.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân.

Thứ ba, hỗ trợ để thu hút trở lại 300.000 lao động đã trở về quê hoặc bổ sung đáp ứng nhu cầu lao động của thành phố.

Thứ tư, hỗ trợ các doanh nghiệp để khôi phục nhanh chóng sản xuất kinh doanh.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Nhân, mặc dù thành phố năm nay dự kiến tăng trưởng âm 5% song các tiền đề vật chất, tinh thần quan trọng nhất của nền kinh tế thành phố, nơi đóng góp 23% GDP, 27% thu ngân sách vẫn còn nguyên vẹn.

Thiết bị công nghệ, máy móc của 288.000 doanh nghiệp vẫn còn nguyên, các lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật và hơn 90% lao động vẫn còn nguyên. Hệ thống đường giao thông, cung cấp điện, nước, các hợp đồng kinh tế, quan hệ kinh tế cơ bản còn nguyên, quan hệ với các địa phương Trung ương tốt hơn, ý chí vươn lên mạnh mẽ hơn.

Đại biểu đặt ra câu hỏi, vậy, doanh nghiệp còn thiếu gì để khôi phục lúc này? Đại biểu cho hay: “Sau gần 4 tháng ngưng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không có thu nhập, không có tiền mua nguyên liệu, vật tư cho giai đoạn sản xuất sắp tới, không có tiền để trả lương cho người lao động khi chưa tiêu thụ sản phẩm, không có tiền để trả tiền điện, tiền nước, trả chi phí vận tải…”

Đại biểu nhấn mạnh, đoàn tàu kinh tế Tp.HCM còn nguyên đầu tàu và các toa tàu đường ray, trưởng tàu, lái tàu, trưởng toa và 92 % nhân viên các toa tàu, 8 % thì đã về quê. Như vậy, cần kinh phí để có thể mua dầu thi đoàn tàu sẽ chạy trở lại khi tàu trở lại bán được vé, có tiền trả nợ vay.

288.000 doanh nghiệp thành phố và 400.000 hộ kinh doanh cần bao nhiêu tiền hỗ trợ? Thành phố tuy có số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước bình quân chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhỏ, vốn sản xuất kinh doanh một doanh nghiệp là 41 tỷ đồng, số lao động là 14 người, doanh thu 1 năm là 27 tỷ đồng và thuế 1 năm 830 triệu. Dự báo khoảng 20 % doanh nghiệp có thể tự khởi động lại, không cần hỗ trợ. 80% cần hỗ trợ nhà nước để có đủ vốn lưu động với mức bình quân cho vay khoảng 5 tỷ/doanh nghiệp, 25 triệu/hộ kinh doanh cá thể. Tổng mức vay 440.000 tỷ thì có thể khởi động lại hầu hết cho doanh nghiệp này.

Các doanh nghiệp vay có trả được tiền không? Đại biểu phân tích, với mức vay 5 tỷ đồng một doanh nghiệp chiếm 20% doanh thu và 25 triệu hộ kinh doanh chiếm 5% doanh thu /hộ kinh doanh. Họ có thể trả được.

Theo đại biểu, việc hỗ trợ để vay được 940 nghìn tỷ đồng thông qua giảm 3% lãi suất vay thì tốn 28.200 tỷ đồng. Nếu so với số thuế 277 nghìn tỷ thì gấp 9,8 lần so với tiền hỗ trợ. Điều này đáng làm so với mặt xã hội.

“Đối với cả nước, tôi đề xuất dành 4% GDP hỗ trợ các doanh nghiệp. Hiện nay đã chi hơn 100 nghìn tỷ, dự kiến còn 100 nghìn tỷ, thiếu 100.000 tỷ. Vậy thiếu 100 nghìn tỷ lấy ở đâu? Trong đầu tư công chưa dùng hết 100.000 tỷ năm nay. Kiến nghị Quốc hội cho phép dùng để hỗ trợ doanh nghiệp và phòng chống dịch như vậy đoàn tàu Tp.HCM, Hà Nội và cả nước sẽ được tăng tốc trong thời gian tới”, đại biểu nói.

Nam Yên
Bạn đang đọc bài viết Đề nghị chuyển 100 nghìn tỷ đồng đầu tư công chưa dùng hết sang hỗ trợ doanh nghiệp tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Các hiệp hội đề xuất 'Phòng chống dịch theo điểm”
Đại diện cho các doanh nghiệp thuộc 14 hiệp hội ngành hàng lớn nhất nước đề xuất chiến lược “Phòng chống dịch theo điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trước thực trạng nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy.